Những đứa trẻ bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng

Có các mẹ đây, con sẽ ổn thôi!

25/03/2021 - 09:54

PNO - Ở góc khuất tầng 3, Bệnh viện nhân dân Gia Định có một thế giới đặc biệt, nơi những đứa trẻ bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng đang sống trong vòng tay các mẹ nuôi là các bác sĩ, điều dưỡng.

Tổ ấm đặc biệt

“Trông giống nhà trẻ” là suy nghĩ của khách khi bước vào Khoa Bệnh lý sơ sinh (Bệnh viện nhân dân Gia Định, TP.HCM). Góc này, cô điều dưỡng áo hồng đang bồng dỗ dành một bé, góc kia một điều dưỡng tay phải bế một trẻ tay trái chăm một trẻ. 

Thấy vẻ ngạc nhiên của khách, chị Trần Thị Thanh Thúy - Điều dưỡng trưởng khoa Bệnh lý sơ sinh - giải thích: “Ba em bé này vừa chích ngừa hôm qua. Hôm nay sốt nên quấy khóc, các cô phải thay phiên nhau ôm ấp, dỗ dành”. 

Các điều dưỡng Khoa Bệnh lý sơ sinh chăm sóc các bé bị bỏ rơi
Các điều dưỡng Khoa Bệnh lý sơ sinh chăm sóc các bé bị bỏ rơi

Chị Thúy (51 tuổi) đã có 30 năm chăm sóc trẻ bị bỏ rơi ở đây. Bấu chặt vai chị, cậu bé Trần Thành Nhân, chín tháng tuổi, giấu khuôn mặt bầu bĩnh với đôi mắt to để từ chối lời ẵm bồng của khách, do cậu đã quen với màu áo hồng, quen với hơi thở và hơi ấm của các mẹ nuôi.

Nằm chung với Thành Nhân trong căn phòng nhỏ là những cô cậu bé dễ thương khác. Tại thời điểm tháng 3/2021, Khoa Bệnh lý sơ sinh đang nuôi sáu trẻ bị bỏ rơi. Mỗi năm khoa tiếp nhận chăm sóc khoảng 20-30 trẻ như vậy. 

Trần Thành Nhân chào đời tháng 6/2020. Mẹ em trú ở An Giang, đã bỏ con từ khi bé mới ra đời. Các điều dưỡng của khoa đã tìm cách liên lạc với mẹ bé theo số điện thoại đăng ký nhập viện, nhưng vô vọng.

Tên của Nhân do chị Thúy đặt, dựa trên họ của người mẹ và cái tên Thành Nhân gửi gắm ước mong cho em sau này sẽ nên người, có cuộc sống an lành. 

Thông tin vắn tắt của bé Nhân gồm ngày giờ sinh, tên mẹ, tình trạng sức khỏe khi sinh được chị Thúy cẩn thận ghi chép và đánh máy lưu vào dữ liệu của khoa. Những dữ liệu này dành cho một ngày nào đó, người mẹ đến tìm con hoặc xa hơn nữa, đứa trẻ lớn lên sẽ quay lại tìm mẹ. 

Các điều dưỡng nhớ một buổi sáng, khi họ đang tắm rửa, thay tã và cho các bé uống sữa thì một cô gái tần ngần trước cửa như có ý muốn vào sâu trong phòng. Một điều dưỡng ra mời: “Chị vào đi, nhìn cho rõ các bé. Tụi nó dễ thương lắm, vừa uống sữa xong đó. Chị coi nè, con dễ thương quá chừng”. Người phụ nữ lúng búng: “Em là bạn của mẹ bé, vào đây xem thử bé có khỏe không”. Một lát sau, cô gái lặng lẽ rời đi.

“Họ không bao giờ nói họ là ai, nhưng chúng tôi biết chắc đó là mẹ đến thăm con, xem con có an toàn hay không, có được chăm sóc tốt hơn hay không”, điều dưỡng Thúy khẳng định. 

Bệnh viện nhân dân Gia Định lo phần sữa cho các bé
Bệnh viện nhân dân Gia Định lo phần sữa cho các bé

Đa phần những bà mẹ bỏ con không nhận lại núm ruột của mình. Có trường hợp địa chỉ bà mẹ để lại cho bệnh viện chỉ là địa chỉ ảo. Có trường hợp gọi vào số điện thoại thì người nghe máy khẳng định không hề quen biết mẹ của bé. Tiếp tục gọi đến nữa thì bị nghe… chửi và bị chặn số điện thoại. 

Điều diệu kỳ vẫn xảy ra 

Có một câu chuyện xúc động về cậu bé bị bỏ rơi có tật ở chân được nữ điều dưỡng của bệnh viện xin làm con nuôi. Người mẹ ấy đã đi học vật lý trị liệu để về chữa lành dị tật cho bé. Cậu bé được học lên tới đại học, người mẹ nay đã về hưu, thi thoảng vẫn dẫn con đến khoa Bệnh lý sơ sinh để chào các mẹ nuôi. 

Năm 2018, một cô bé người Việt (16 tuổi) từ nước Đức xa xôi đã tìm đến Bệnh viện nhân dân Gia Định để tìm người sinh ra mình. Cô bé nói tiếng Đức, qua phiên dịch, nhân viên y tế chỉ biết em được Khoa Bệnh lý sơ sinh chăm sóc sau khi mẹ bỏ rơi. Cả khoa đều mừng vì hiểu rằng, sau khi rời nơi này, em đã được một gia đình tốt nhận nuôi và có một cuộc sống tốt.

Hy vọng rồi các em sẽ ổn, các bà mẹ nuôi trong khoa thường chọn những cái tên của người nổi tiếng hoặc mang ý nghĩa tốt đẹp để làm khai sinh cho các bé. Ở nơi này, từng có những cái tên như Ngô Bảo Châu hay Bình Minh, Ánh Dương, Hồng Phước…

Bác sĩ Nguyễn Trần Thị Huyền Dung - Trưởng Khoa Bệnh lý sơ sinh - nói: “Phải rơi vào hoàn cảnh trái ngang lắm, người mẹ mới đứt ruột bỏ con lại. Có khi là mang thai do bị cưỡng hiếp, có khi con do mẹ đang nghiện ngập, có khi con sinh ra trong hoàn cảnh quá khó khăn… Dù các bà mẹ này đáng trách, nhưng các bé vẫn may mắn hơn những trẻ sơ sinh bị bỏ trong thùng rác hay ở nơi không an toàn”.

Tại các bệnh viện khác ở TP.HCM, trẻ bị mẹ bỏ rơi thường nằm lại khoảng sáu tháng trước khi chuyển sang các cơ sở xã hội, nhưng ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, có trẻ lưu đến 11 tháng, được tập thể điều dưỡng và cả bác sĩ chung tay chăm sóc, dạy dỗ. 

Tiền sữa của trẻ bệnh viện lo, tiền thuốc bảo hiểm y tế chi trả còn quần áo, tã… do quyên góp và từ nguồn hỗ trợ của phòng Công tác xã hội, có khi từ những bà mẹ có con nằm dưỡng nhi.

Điều dưỡng Trần Thị Thanh Thúy và bé chín tháng tuổi đang được nuôi dưỡng  ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định
Điều dưỡng Trần Thị Thanh Thúy và bé chín tháng tuổi đang được nuôi dưỡng ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Những đứa trẻ bất hạnh dường như hiểu thân phận mình. Chúng ít khi đòi hỏi như những đứa trẻ đủ đầy cha mẹ. Ở lâu với các mẹ nuôi, trẻ cũng biết nhõng nhẽo, biết đòi ôm ấp, dỗ dành. Nhưng nếu các mẹ nuôi bận chăm trẻ khác, tụi nhỏ sẽ nhanh chóng nín khóc, tự chơi một mình. 

Các điều dưỡng đều nói rằng, ngày phải chia tay để các bé vào cơ sở bảo trợ xã hội là ngày thật buồn. Nhớ bọn trẻ, lâu lâu các chị đến thăm, xem những đứa con của mình có khỏe không, đã lớn thế nào rồi… 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI