Chuyện tình hai người yêu Đà Lạt

02/06/2022 - 14:14

PNO - Những lần nợ nần, thất bại… họ lại ngồi lại bàn bạc “thua keo này, bày keo khác”. Họ không còn thời gian để cãi nhau.

Cùng yêu Đà Lạt và yêu nhau

Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An nhưng lần đầu tiên đến Đà Lạt thăm người bà con, chị Nguyễn Hương Giang đã mê Đà Lạt ngay và quyết tâm trở thành sinh viên khoa sử của Trường đại học Đà Lạt. Bố mẹ chị ở quê rất lo lắng nhưng vẫn thương và dành dụm gởi tiền để cho Giang ăn học. Tuy nhiên, Giang có ý chí tự lập nên vừa học vừa làm thêm.

Một sáng vào tết 2003, trước cổng ký túc xá, Giang gặp anh Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ Sở Kế hoạch Đầu tư Lâm Đồng. Chị tưởng anh là xe ôm nên nhờ anh chở đến chỗ làm thêm. Vừa gặp đã có cảm tình với cô gái xứ Ngệ duyên dáng, anh Tuấn cứ vờ là xe ôm thật. Từ đó họ quen nhau. 

 

Tình yêu của họ lớn dầu qua những cuộc đi dạo, lang thang trên đồi thông, ăn quà vặt, uống cà phê… Hai kẻ đều yêu Đà Lạt và cùng ôm ấp giấc mơ về một gia đình nhỏ.

Mỗi lần tan sở, Tuấn lại đưa Giang đi làm thêm. Yêu nhau đậm sâu, nhưng Giang chưa muốn lấy chồng, vì chị muốn phụ cha mẹ nuôi hai em nhỏ ăn học ở quê. Tuấn chia sẻ khó khăn với cô bạn gái hiếu thảo, kiên nhẫn chờ đợi năm năm để “đưa nàng về dinh”.

Thất bại là lúc vợ chồng càng đồng tâm

Vợ chồng thuê căn nhà nhỏ. Tìm mãi vẫn không có công việc phù hợp với những kiến thức học được ở đại học nên Giang mở cửa hàng bán thực phẩm.

Một năm sau con trai đầu lòng ra đời, chị Giang vừa buôn bán, vừa trông con nhỏ. Chị tâm niệm “lấy công làm lời” bán giá phải chăng và cân đong đúng số lượng, nhờ vậy mà dù chỉ là buôn bán nhỏ lẻ nhưng cửa hàng của Giang khá đông khách. Tuấn được phân công đi lấy hàng cho vợ, nên anh cán bộ công sở phải sáng dậy thật sớm chạy đến các nông trang để “mua tận gốc” các mặt hàng rau thịt tươi ngon mang về cho vợ “bán tận ngọn”. 

 

Bốn năm sau, con trai thứ hai ra đời. Anh Tuấn xót xa nói với vợ: “Em vất vả quá, em ngủ quá ít và con nhỏ ít được gần mẹ”. Vợ chồng cùng bàn bạc và đồng lòng mở công ty vật liệu xây dựng sơn nước. Bán sơn đỡ vất vả hơn bán thực phẩm, nhưng khách hàng lại nợ nhiều quá.

Lãi được bao nhiêu vào hết số nợ. Giang nói với chồng “Người ta xây nhà thường thiếu vật liệu, hết tiền, nhà cửa của họ đang dang dở như thế, nỡ nào mình không bán chịu cho họ”. Kiểu cảm thông của bà vợ thương người dẫn đến cái kết công ty bị thua lỗ, đóng cửa. 

Vợ chồng xoay xở, vay mượn 500 triệu đồng vào việc trồng hoa tươi nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm nên cũng không thuận lợi, kết quả phải đền tiền cho các mối hàng.  Thấy vợ đau lòng, anh Tuấn an ủi: “Thôi em, đằng nào tiền cũng mất rồi. Em đừng buồn. Vợ chồng mình còn sức, chăm chỉ làm ăn, thế nào cũng thành công”.

Vợ chồng lại bàn bạc. Chị Giang xuống TPHCM theo học các chương trình “khởi nghiệp”. Anh Tuấn ở nhà chăm sóc hai con.

Một năm sau, vợ chồng mở công ty Dalat Farm chuyên về atiso và các sản phẩm đặc sản của Đà Lạt. Nhờ say mê nghiên cứu học, chị Giang phát hiện những công dụng vượt trội của nhụy atiso. Hiện nay sản phẩm cao nhụy atiso đang là sản phẩm chủ lực độc quyền tại Dalat Farm được khách hàng tin tưởng. Chị Giang được mọi người nhớ đến với danh xưng có phần sang chảnh “Nữ hoàng atiso”

Bận rộn với công việc, nhưng hai vợ chồng luôn sắp xếp  thời gian để đến những vùng sâu, vùng xa để giúp đỡ đồng bào dân tộc. Khi thì gửi tiền cho bà con, khi thì cùng bà con thu hoạch rau, củ, quả, rồi giúp họ cách tiêu thụ sản phẩm. 

Mười bốn năm sống với nhau, chị Giang, anh Tuấn vẫn nồng nàn như ngày đầu
Mười bốn năm sống với nhau, chị Giang, anh Tuấn vẫn nồng nàn như ngày đầu

Cần bờ vai của chồng nhưng không dựa dẫm, lệ thuộc

Mười bốn năm chung sống một nhà, anh Tuấn vẫn là cán bộ nhà nước, vẫn là “tài xế xe ôm” và là cánh tay đắc lực, hết lòng hỗ trợ bà vợ doanh nhân. Họ đã có nhà riêng, có Công ty Dalat Farm đang phát triển. Gia tài lớn nhất của họ là con trai lớn mười ba tuổi, con trai thứ lên chín và con gái út ba tuổi.

Mỗi lần về Nghệ An quê vợ, anh Tuấn sẵn sàng xắn tay áo quét nhà, dọn nhà, làm gà vịt, xây sửa nhà… Chị Giang không sống cùng cha mẹ chồng nhưng chị luôn tròn trọng trách của người con dâu hiếu thảo. Mối quan hệ giữa chị Giang và nhà chồng thuận hòa, vui vẻ. Ông bà sẵn sàng giúp đỡ các con, trông cháu cho hai vợ chồng đi làm từ thiện. 

Nhìn lại cuộc hôn nhân của mình, chị Giang chia sẻ: “Từ khi yêu và lấy nhau đến giờ, vợ chồng tôi luôn thông cảm và thấu hiểu nhau. Cuộc sống có lúc khó khăn, bế tắc, nhưng chưa bao giờ chúng tôi trách mắng, cãi hay giận dỗi nhau. Tôi luôn sống bao dung bởi cuộc sống vô thường. Yêu thương nhau không hết nỡ nào ghét bỏ nhau”. 

 

Anh Tuấn hồ hở nói: “Vợ tôi chỉ muốn điều tốt nhất cho gia đình nên cô ấy chăm chỉ làm việc, vất vả không nề hà. Mỗi khi mất tiền, tôi cũng tiếc lắm nhưng tôi cứ lo vợ nếu suy nghĩ quá lại ốm đau. Vì thế, tôi nhanh chóng gạt bỏ sự nuối tiếc và không bao giờ nhắc đến. Tôi hay giành phần thức đêm để chăm con nhỏ. Vợ tôi sinh cho tôi ba con, không có sự hy sinh nào hơn thế. Tôi chỉ muốn vợ luôn vui vẻ, hạnh phúc và không có gì phải lo âu”.

Họ vẫn cùng nhau “cày” kiếm tiền để các con được đầy đủ và để làm từ thiện nhiều hơn. Vợ chồng luôn đồng lòng, nhất trí theo chí hướng đó nên việc khó cũng suôn sẻ. Tiếng cười luôn đầy ắp trong căn nhà xinh trên thảo nguyên Đà Lạt. 

Khánh Phương

Ảnh: nhân vật cung cấp

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhyeuhonnhanvi /strCate=tinhyeuhonnhan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchuyennhavi /strCate=chuyennha

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchamevaconvi /strCate=chamevacon

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh