Chuyện những người bị “bỏ quên” trong bệnh viện: Người thân quên nhưng người lạ không quên

06/05/2021 - 10:00

PNO - “Bệnh viện hỗ trợ những bệnh nhân vô gia cư này hết sức, hết khả năng. Nhưng lượng bệnh nhân bị bỏ rơi, không thân nhân nhiều cũng khiến bệnh viện khó khăn”.

Thật may, chuyện “bỏ quên” người thân ở bệnh viện không phổ biến. Bởi ở khu bệnh nội trú của các bệnh viện, bao nhiêu người con vẫn ngày đêm ân cần, chu đáo chăm sóc cha mẹ, hay vô số những cha mẹ già tóc bạc chân chậm vẫn nhẫn nại chăm sóc con. 

Theo bác sĩ Phan Minh Hoàng- Phó Giám đốc Điều hành Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp (Q.8, TP.HCM) - tại bệnh viện này năm vừa qua có hơn chục bệnh nhân bị con cái, người thân “bỏ quên” trong tình trạng sức khỏe rất xấu…

Những phận người đơn độc

Tại phòng bệnh số 3 Khoa Nội tổng hợp, ông Đinh Thành Phương (52 tuổi) gầy gò nằm lọt thỏm trên chiếc giường bệnh. Ông Phương nhắm nghiền mắt, mặt đầy vẻ mỏi mệt. Lâu lâu, ông trở người, mở đôi mắt mờ đục buồn da diết.

Di chứng của bệnh tai biến mạch máu não khiến ông yếu liệt và không nói được. Nhưng theo nhiều người ở khu bệnh này, ông lơ mơ có khi tốt hơn tỉnh táo. Bởi nếu tỉnh, ông sẽ hiểu mình đã bị người thân bỏ lại bệnh viện.

2.	Không một người thân thích, ông Đinh Thành Phương nằm cô đơn ở bệnh viện
Không một người thân thích, ông Đinh Thành Phương nằm cô đơn ở bệnh viện

Chị Đặng Thị Trinh, nhân viên Phòng Công tác xã hội của bệnh viện cho biết: ngày 5/2/2021, ông Phương được một phụ nữ đưa vào phòng cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, suy kiệt. Do liệt và nằm lâu nên ông bị lở loét ở mông.

Theo chẩn đoán ban đầu, ông Phương mắc bệnh viêm phổi, cao huyết áp do di chứng tai biến mạch máu não. Người phụ nữ nhận là em gái của bệnh nhân. Cô nói bỏ quên giấy tờ của anh trong cốp xe, xin ra ngoài lấy rồi trở vô nộp ngay. Thế nhưng, cô bỏ đi luôn đến nay đã hai tháng.

Thấy tôi đến giường ông Phương, những người cùng phòng hồ hởi: “Cô là người thân hả?”. Biết không phải, họ buông tiếng thở dài. Ông Phương đảo mắt nhìn tôi. Người phụ nữ giường bên cất tiếng: “Tội ổng ghê, không có người thân, đi vệ sinh rồi mà nằm chịu trận đó. Khi nào cô nuôi bệnh bên kia rảnh mới qua giúp thay, vệ sinh được. Có lúc ổng biết, có lúc ổng không. Nhưng hỏi tới gia đình là ổng nhắm mắt, hoặc lơ đi. Thương quá!”.

Tiếng thở dài của bà chưa dứt thì chồng bà đang ngủ thiêm thiếp bên giường đối diện ông Phương ho sặc sụa. Bà chạy đến vuốt ngực chồng cho đến lúc cơn ho dịu đi. Bà nói nhỏ: “Lúc bệnh tật như vầy, có người thân thì đỡ tủi biết bao”. 

Hiện tại, bác sĩ cho biết, sức khỏe của ông Phương tiến triển khả quan. Tình trạng viêm phổi, huyết áp đều tạm ổn. Tuy nhiên, do di chứng của đợt tai biến nên ông chưa thể tiếp xúc, nói chuyện, ông còn yếu tứ chi, tiêu tiểu không tự chủ. Hiện ông đã đủ điều kiện xuất viện và về nhà cần an dưỡng. Nhưng không ai biết nhà ông ở đâu.

Hai tháng qua, bệnh viện đã nỗ lực tìm thân nhân cho ông Phương. Nhân viên bệnh viện liên hệ với Công an P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM - nơi người em gái ông Phương khai khi mới nhập viện. Tuy nhiên, công an phường trả lời không có ai tên Đinh Thành Phương ở địa chỉ bệnh viện cung cấp.

Nhiều ngày, trên đường đi làm về, chị Đặng Thị Trinh lần theo đến tận địa chỉ người phụ nữ cung cấp: 38b… P.Đông Hưng Thuận, Q.12 nhưng không có thông tin người chị cần tìm. 

Cũng tại Khoa Nội tổng hợp này, bà Lê Thị H., 70 tuổi, là cán bộ hưu trí ở Vũng Tàu đã bị cháu bỏ quên. Bà bị tai biến mạch máu não, yếu liệt tứ chi được đưa vào đây điều trị và phục hồi chức năng hơn chục đợt. Lần nào bà cũng được đưa tới bởi cô cháu gái gọi bằng cô ruột (lời cô khai với bác sĩ).

Tháng 3/2020, bà H. lại nhập viện. Cô cháu thuê một người chăm sóc bà. Tháng đầu, cô thường tới lui thăm người bà H., nhưng qua tháng thứ hai, cô đến thưa dần rồi biến mất. Số điện thoại lâu nay để liên lạc với cô thì “ò í e”. 

Ngày nào bà H. cũng ngóng ra cửa trông cháu - người thân duy nhất và bà tin cô sẽ chăm lo cho bà đến cuối đời như lời hứa lúc bà bán căn nhà ở gần biển tặng cho cô. 

Từ một người có tiền của để điều trị bệnh, bà H. thành người vô gia cư, không tiền, không người thân. Ngay cả lương hưu của bà, lâu nay bà cũng gửi vào tài khoản của cháu gái.

Sau khi điều trị cho bà ổn định, nhân viên bệnh viện lần theo thông tin từ bảo hiểm y tế của bà, liên lạc được địa phương và nơi này đã cử người lên đón bà, đưa bà vào một trung chăm sóc người già. 

Bệnh viện cưu mang, người lạ giúp sức

Ngoài những bệnh nhân bị “bỏ quên”, còn có những ca bệnh không có thân nhân. Đó là những người ngã ngoài đường do tai nạn giao thông, được đưa vào các cơ sở y tế khác nhau và “tập kết” về đây. 

Ở phòng bệnh 10A Khoa Thần kinh sọ não, một ông lão gầy nhom nằm trên giường bệnh với hai tay bị buộc vào thành giường. Anh H. - người chăm sóc ông cụ - nói: “Ổng quậy dữ lắm, lấy tay gãi, cào cấu đến chảy máu nên phải buộc lại”.

Khi tỉnh lại, ông cụ nói ông tên Phùng Khải, 80 tuổi. Bệnh viện đã gắng sức tìm gia đình, thân nhân nhưng lúc ông nói nhà ở đường Hậu Giang, Q.6, TP.HCM, lúc nói ở đường Trần Quý, Q.11, TP.HCM. Nhân viên bệnh viện liên hệ địa phương để tìm gia đình cho ông, nhưng không kết quả.

Anh H. cho biết, lúc mới vào ông cụ rất yếu, ăn uống, mọi sinh hoạt lệ thuộc vào anh, nhưng sau thời gian nằm viện, ông khỏe hơn, bước tới lui được và tỉnh táo hơn, nói chuyện nhiều hơn. Tuy vậy, khi hỏi về gia đình, con cái, ông thường lặng im.

Lúc hiếm hoi trải lòng về con cái, ông nói: “Con tôi bận đi làm hết rồi”. Anh H. gặng hỏi mãi, ông mới hé tên con trai là Phùng Vinh. Khi tôi hỏi ông muốn về nhà không, ông gật đầu, miệng nói nhanh “có, có”, nhưng rồi mắt ông ánh lên nỗi buồn xa xăm và tiếp tục im lặng. 

Bị bỏ rơi, ông Phùng Khải được người lạ là anh H. chăm sóc
Bị bỏ rơi, ông Phùng Khải được người lạ là anh H. chăm sóc

Anh H. hoàn toàn không có quan hệ gì với ông Phùng Khải. Anh là người của một công ty nuôi bệnh. “Gia đình tui khổ mới lén vợ con lên đây đi nuôi bệnh mướn, nào ngờ gặp ổng còn khổ hơn tui, nên tui nuôi ổng coi như làm phước” - anh H. nói. 

Tuy không đóng viện phí, thuốc thang, nhưng theo bác sĩ Phan Minh Hoàng, những trường hợp này vẫn được bệnh viện điều trị, chăm sóc như bao bệnh nhân khác. Ông Phương được bồi bổ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, được tập vật lý trị liệu… nên sức khỏe cải thiện rõ rệt.

Bác sĩ điều trị cho biết, khi bác sĩ thăm hỏi, ông có thể phản ứng bằng mắt. Cả ông Phương, ông Khải đều đã đủ điều kiện để xuất viện, chỉ là chưa tìm ra người thân. 

Bác sĩ Phan Minh Hoàng chia sẻ: “Bệnh viện hỗ trợ những bệnh nhân vô gia cư này hết sức, hết khả năng. Nhưng lượng bệnh nhân bị bỏ rơi, không thân nhân nhiều cũng khiến bệnh viện khó khăn”.

Sau khi điều trị khỏi bệnh, ổn định, nếu thân nhân không đến đón về, bệnh viện sẽ liên hệ với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố để đưa đến các trung tâm bảo trợ xã hội.

Thật may, chuyện “bỏ quên” người thân ở bệnh viện không phổ biến. Bởi ở khu bệnh nội trú của các bệnh viện, bao nhiêu người con vẫn ngày đêm ân cần, chu đáo chăm sóc cha mẹ, hay vô số những cha mẹ già tóc bạc chân chậm vẫn nhẫn nại chăm sóc con. 

Các bác sĩ luôn mong mỏi, nếu ai đó đang “bỏ quên” người thân ở bệnh viện hoặc người thân mất tích đã lâu, hãy tìm đến các bệnh viện, đặc biệt là Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp, biết đâu có cơ hội tìm được máu mủ ruột rà. Bởi tình thâm lúc nào cũng rất thiêng liêng. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI