Diễn đàn "Sống cho mình từ tuổi nào?"

Chuyện người phụ nữ 56 tuổi “đào thoát” khỏi gia đình gây sốt cộng đồng mạng

26/11/2020 - 11:17

PNO - Câu chuyện của người phụ nữ tên Tô Mẫn (56 tuổi, người Trung Quốc ) quyết tâm sống cho mình bằng cách rời khỏi gia đình trên chiếc xe đầy đồ ăn đã gây xôn xao cộng đồng mạng.

“Dự định này được ấp ủ khi Tô Mẫn nhìn lại cuộc đời của mình mà ngao ngán. Cuộc hôn nhân 30 năm của bà giống như "chui từ đường hầm này sang một đường hầm khác", tối tăm, câm lặng, kìm nén.

Cả nửa đời, bà chỉ biết sống nhẫn nhịn: thời thơ ấu nhẫn nhịn chăm hai em trai; thời trẻ chịu đựng sự hà khắc và lạnh nhạt của chồng để con có mái ấm đủ đầy; khi con gái lấy chồng sinh con bà lại nhẫn nhịn chăm cháu.

Cuộc đời của bà cứ như vậy cho đến một chiều mùa đông năm trước, khi đang lướt mạng tìm tiểu thuyết đọc thì bà vô tình ấn nhầm vào một đường link chia sẻ kinh nghiệm đi du lịch một mình, lập tức bà bừng tỉnh: Thì ra còn có lựa chọn này ư?

Tô Mẫn chuẩn bị hành lý cho chuyến du lịch tự túc một mình. Ảnh từ Facebook
Tô Mẫn âm thầm chuẩn bị cho chuyến du lịch tự túc một mình suốt 1 năm trời. Ảnh từ Facebook

Bà nói: "Quãng thời gian khổ nhất của đời tôi đã qua rồi”. Sinh con, chăm bẵm cô con gái lớn lên từng ngày, nhìn nó lấy chồng, có con, rồi tôi lại chăm lo cho hai cháu ngoại mãi đến khi chúng vào nhà trẻ.

Bà đã thực hiện hết những nghĩa vụ, những thiên chức của người mẹ mà xã hội này đặt ra. Lúc bà 50 tuổi, kinh nguyệt mất, bà bắt đầu xổ dáng. Chứng suy giảm trí nhớ cùng với những nếp nhăn hằn sâu thi nhau xông vào cuộc sống của bà, Tô Mẫn thấy mình không thể đợi chờ thêm nữa.

Kế hoạch "chạy trốn" được chuẩn bị âm thầm trong 1 năm. Bà vẫn chăm lo bếp núc gia đình, song tận dụng những phút rảnh rỗi, bà xem thêm các bài hướng dẫn du lịch tự túc, lên các trang thương mại điện tử tìm kiếm đồ đạc cần cho chuyến đi như lều trại, tủ lạnh mini, tủ đựng đồ, dầu, củi, mắm, muối…

Để có thêm tiền lộ phí, bà bắt đầu lén quay những clip ngắn về cuộc sống hàng ngày như nấu ăn, cán mì, làm tương ớt… rồi đăng lên mạng xã hội, nhưng không dám cho chồng, con gái, con rể biết, vì bà sợ bị chê cười, mỉa mai.

Khi kể về cuộc hôn nhân của mình, Tô Mẫn thổ lộ, có nhiều lúc, vợ chồng bà như kiểu sống trong hai thế giới: Hồi mới kết hôn, bà dắt con gái đi dạo phố, hai mẹ con đi tít đằng trước, một mình chồng đi theo sau.

Sau khi con gái lên lớp 9 và trọ ở kí túc xá trường, ở nhà vợ chồng bà bắt đầu chia đôi phòng ngủ. Nghe thấy tiếng chồng đóng cửa rời khỏi nhà bà mới có quyền sử dụng ghế sofa và tivi để ngồi xem bộ phim bà thích.

Sau này con gái tốt nghiệp đại học, trở về nhà lấy chồng, sinh con, hai vợ chồng buộc phải sống chung một phòng, Tô Mẫn và chồng phải mua một chiếc giường tầng về để mỗi người nằm một tầng.

Tô Mẫn nấu ăn bằng thực phẩm mang theo trong xe. Ảnh từ Facebook
Tô Mẫn nấu ăn bằng thực phẩm mang theo trong xe. Ảnh từ Facebook

Bà ngủ giường trên, chồng ngủ giường dưới, đến tối thì mỗi kẻ một cái tai nghe, nằm lướt điện thoại. Quần áo, giày dép họ để riêng. Có một thời gian bà Tô Mẫn còn định mua rèm riêng cho từng giường, nhưng bà sợ con rể thấy nhà dị hợm nên thôi.

Tô Mẫn không dám nói nhiều khi ở trong nhà, vì chồng bà thích bới móc, xỉa xói vợ. Bà sống một cuộc đời bị đè nén, bởi "ở nhà của mình cũng không được tự do nói năng".

Thậm chí Tô Mẫn phải nhìn vào biểu cảm trên mặt chồng để đoán chừng: Trước khi chồng bà nổi cơn giận thì ông ấy "trợn mắt lên", đôi mắt từng khiến bà thấy rung động khi đi xem mặt để kết hôn ấy giờ lại khiến bà sợ hãi. "Tôi luôn sợ làm ông ấy giận, rồi ông ấy sẽ đánh tôi", bà nói.

Khi tức giận, chồng bà tức giận sẽ đập vỡ đồ đạc, đánh đấm bà. Một cú đấm của ông có thể khiến bà văng sang một bên. Lần nghiêm trọng nhất là khi Tô Mẫn cũng không kiềm nổi giận dữ, chẳng biết bà vớ được cái ghế nhỏ ở đâu nữa, rõ ràng là bà có thể dùng nó đập vào người chồng, nhưng kết quả là bà chần chờ và ném cái ghế sang bên. Liền đó, đối phương cầm ghế lên đập vào lưng bà. Cái lưng gầy gò ấy đã đau nhức mấy ngày trời.

Năm 2019, Tô Mẫn bị chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm cấp độ trung. Nghiêm trọng nhất là bà thường bất giác rơi nước mắt lúc ở nhà, rồi bà bắt đầu uống thuốc trị trầm cảm.

Đi chơi một mình ở tuổi 56, Tô Mẫn không thấy cô đơn
Đi chơi một mình ở tuổi 56, Tô Mẫn không thấy cô đơn, chỉ thấy tự do. Ảnh từ Facebook

Mẹ bà hay khuyên con gái: "Gia đình hoà thuận thì mọi chuyện mới ổn được, cố sống với nhau đi. Xưa không ai ép mày lấy nó, giờ có con cái cũng có rồi thì làm sao được nữa. Chẳng lẽ không lo cho con mày à? "Mẹ bà phân tích rằng, ngoài sự keo kiệt ra thì chồng Tô Mẫn cũng "đâu có xấu tính gì mấy".

Tô Mẫn biết trong mắt mẹ, nếu người chồng không ngoại tình thì "vẫn sống tiếp được mà". Bởi vậy, khi chiếc xe của Tô Mẫn lăn bánh mấy trăm cây số, bà mới gọi cho mẹ, đây là cuộc điện thoại đầu tiên mà bà gọi về sau khi rời khỏi nhà. Bà chỉ nói đã ra ngoài chơi để giải buồn, chứ không nói gì cụ thể.

Bà lái chiếc xe Polo, bắt đầu hành trình trên đất Trung Quốc. Bà đi từ Trịnh Châu, đến con đập Tiểu Lãng Để, Tam Môn Hạp rồi lại rong ruổi khắp Tây An suốt một tuần. Chặng đường từ Tây An đến Thành Đô phải ngang qua Tần Lĩnh - một nơi hiểm trở mà ngay cả những tay tài xế già đời cũng phải khiếp sợ. Tô Mẫn vòng quanh núi suốt 8, 9 tiếng đồng hồ mà chỉ gặp được đúng hai chiếc xe khác, tuy sợ hãi là vậy, nhưng nỗi cô đơn không hề tồn tại, bà chỉ thấy tự do.

Trưa hôm ấy, mây mù giăng khắp Tần Lĩnh, tầm nhìn xa chỉ khoảng hai trăm mét, Tô Mẫn dừng xe một lát. Bà thấy cơn gió lúc này là cơn gió của tự do. Cuối cùng bà muốn đón năm mới ở Hải Nam. Con rể gọi bà nhanh chóng về nhà trước Tết, nhưng Tô Mẫn "không muốn làm việc nhà phục dịch mọi người nữa".

Câu chuyện của bà Tô Mẫn được lan truyền rất nhanh trong các hội nhóm trên mạng xã hội ở Việt Nam và nhận được nhiều ý kiến bình luận. Những người “like” và “share” bài viết chủ yếu ở độ tuổi trung niên, đang là bà nội, bà ngoại. Rất đông các bà các mẹ thừa nhận có nỗi lòng của mình trong tâm sự đầy ẩn ức về hôn nhân của Tô Mẫn, nhưng họ chưa đủ dũng cảm để hành động như bà.

Có người còn khẳng định: “Chắc chắn tôi cũng sẽ làm một chuyến sổ lồng như chị ấy. Câu chuyện gần giống như tôi, khi người phụ nữ sống hết lòng vì chồng vì con, lo toan mọi mặt đôi khi bỏ quên tất cả nhu cầu của bản thân, rốt cuộc cái mình nhận về là sự cô đơn trống vắng". "Hàng ngày trăm công việc không tên bủa vây tôi. Một mình tôi phải phân thân gánh vác hết, nhưng người thân lại xem đó là sự hiển nhiên tôi phải làm". "Đã đến lúc phải biết thương lấy bản thân, hà cớ gì phải tự đày đọa. Cái sai lớn nhất của phụ nữ là tự ôm đồm, tự mình làm siêu nhân để rồi chồng con mắc bệnh ỷ lại.”.

Tô Mẫn trên cung đường du lịch của mình. Ảnh từ Facebook
Bà Tô Mẫn tận hưởng tự do trên cung đường du lịch của mình. Ảnh từ Facebook

Một số phụ nữ khác thổ lộ: Ước mơ tháo cũi sổ lồng, được sống tự do là chính đáng, nhưng phải nhìn vào thực tế. Nếu không có tiền và còn không có xe hơi thì làm sao thực hiện được.

Nhiều chị em trẻ hơn Tô Mẫn, ở tuổi 30, 40 tuổi bày tỏ quan điểm: Tới tận khi 56 tuổi mới lên kế hoạch sống là quá muộn. Nhiều chị em cho biết đã "sống cho mình" từ lâu không cần phải đợi khi đã thực hiện xong "nghĩa vụ người mẹ".

Bên cạnh sự hưởng ứng khen ngợi việc Tô Mẫn dám nghĩ dám làm thì không ít người lên tiếng phản đối. Họ cho rằng, câu chuyện của Tô Mẫn khác gì “vẽ đường cho hươu chạy”, phụ nữ ở tuổi đó không nên mạo hiểm, tự lái xe đi một mình, có thể tìm cách khác để giải tỏa cuộc sống bí bách.

Tuy nhiều ý kiến trái chiều nhưng rõ ràng câu chuyện của Tô Mẫn đã truyền cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ, khơi dậy khát khao được sống trong lòng những chị em đang bị vùi bởi vô số nghĩa vụ và trách nhiệm.

Một kế hoạch "sống cho ra sống" với bản thân không bao giờ là muộn.

Diệu Lân (tổng hợp)

Bạn đã được "sống như mơ ước", "sống cho ra sống" hay còn chịu những ẩn ức hôn nhân, những góc kẹt vì trách nhiệm và thiên chức?

Diễn đàn "Sống cho mình từ tuổi nào?" mời bạn gửi ý kiến chia sẻ về địa chỉ mail online@baophunu.org.vnCác bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của toà soạn.

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI