Vất vả buông hết xuống rồi, từ nay chị được sống cho mình

05/05/2017 - 16:30

PNO - “Thương lắm tóc dài ơi.Một đời long đong thân cò lặn lội” - lời bài hát Thương lắm tóc dài ơi của nhạc sĩ Phú Quang cất lên trong buổi tiệc chia tay chị về nghỉ hưu; ngẫm ra cũng đúng với đời chị.

“Thương lắm tóc dài ơi. Một đời long đong thân cò lặn lội” - lời bài hát Thương lắm tóc dài ơi của nhạc sĩ Phú Quang cất lên trong buổi tiệc chia tay chị về nghỉ hưu; ngẫm ra cũng đúng với đời chị.

Vat va buong het xuong roi, tu nay chi duoc song cho minh
Chị Hồ Tú Anh - nguyên Tổng biên tập tạp chí Cao Su Việt Nam trong một chuyến công tác ở vùng cao

Có lần chị chia sẻ: “Không phải ngẫu nhiên mà chị thích bài hát đó, vì chị thấy thân phận của người phụ nữ như thân cò, cứ tảo tần hôm sớm, vất vả lo cho gia đình, cho công việc, dù có làm lãnh đạo hay ở nhà nội trợ. Người phụ nữ trong xã hội hiện đại thật sự rất đa đoan. Những cung bậc cảm xúc, những “khúc cua” bất ngờ từng trải qua đã tôi luyện cho chị được như hôm nay”. 

Là chị cả trong một gia đình gốc miền Trung, sinh ra trong thời chiến, cha đi bộ đội, mẹ là giáo viên trường làng, sau chị còn là một đàn em nheo nhóc. Mẹ chị ngoài giờ lên lớp là tất tả chạy chợ để lo cơm áo cho các con. Nhìn mẹ cực nhọc, một mình đối mặt với cuộc sống khi chồng cứ đi biền biệt nhưng không nửa lời ca thán, chị thấy người phụ nữ thật vĩ đại và đã nuôi giấc mơ thành cô giáo như mẹ. Rồi trưởng thành, chị cũng đạt được giấc mơ thời thơ ấu, làm một cô giáo dạy văn. 

Chị trở thành người làm báo như một cái duyên. Từ cô giáo dạy văn chị chuyển sang làm cô phóng viên tờ tạp chí chuyên ngành, tập tành đến các nông trường, về cơ sở thâm nhập thực tế để viết. Những ngày chập chững vào nghề ấy, tính đến nay cũng đã 20 năm. Phấn đấu không mệt mỏi, chị trở thành nữ tướng của tờ báo.

Người ta vẫn nói, là người phụ nữ vừa quán xuyến gia đình, vừa đảm bảo công việc là rất khó; nhưng chị còn là người chị cả của đại gia đình, là lãnh đạo đơn vị, nên cái khó như gấp trăm lần. Đã nhiều lần cơ quan gặp khó khăn, chị đã rất quyết đoán để đưa con thuyền ấy vượt qua sóng gió, đứng vững như hôm nay.

Những ấn phẩm, những thước phim, trước khi đến tay khách hàng, chị cẩn thận cùng với nhân viên kiểm tra tỉ mỉ từng chi tiết. Những đợt làm báo xuân, khi nhà nhà tất bật sắm sửa đón năm mới thì cả cơ quan vẫn miệt mài với con chữ.

Chị nói: “Từ ngày làm lãnh đạo đến nay không có lúc nào chị thảnh thơi. Cả những khi mệt mỏi cũng không dám tắt điện thoại, nửa đêm nghe chuông điện thoại là giật mình thon thót, chỉ sợ anh chị em đi công tác gặp sự cố hay khách hàng phiền hà chuyện gì”.

Phụ nữ làm lãnh đạo lợi thế cũng có nhưng bất lợi cũng không ít. Thành công trong công việc nhưng thình thoảng vẫn nghe bật lên câu hỏi: “Thời gian đâu chị dành cho gia đình, cho bản thân mình?”. Những niềm vui của người thường như sáng từ tốn thưởng thức ly cà phê, tối có thời gian đưa cả nhà đi ăn, đi xem ca nhạc… chị đều phải nhịn.

Các chị em khác còn có những hôm đi tiệc, shopping, làm đẹp, karaoke, nhưng chị thì không. Bản thân không vui chơi nhưng chị vẫn tạo điều kiện, khuyến khích mọi người giải trí: “Các em đi đi, chị xem lại các khoản hợp đồng cho kịp cuộc gặp khách hàng sắp tới”. Chị nói vậy nhưng chúng tôi hiểu chị cũng thèm có những lúc vui chơi lắm. Phụ nữ mà, ai lại không cần được quan tâm, chăm sóc, được chia sẻ.

Nhưng chị cứ mãi lặng lẽ như vậy, vì tập thể. Mãi đến lúc nghỉ hưu, chị vẫn chưa một lần viết thành tích của mình để nhận bằng khen hay huân chương. Phần thưởng lớn nhất đối với chị là tình cảm, là sự ghi nhận của mọi người dành cho chị. 

Hai con của chị hiểu những vất vả, cực nhọc của mẹ nên rất ngoan, con gái đầu đã có gia đình. Từ ngày lên chức bà ngoại, chị như vui hơn, cười nhiều hơn. Con thứ hai của chị cũng đã có việc làm ổn định.

Mỗi khi có ai sinh con gái, chị lại bảo thương quá; không phải vì phân biệt nam nữ, như chị tỉ tê: “Mình là phụ nữ mình biết rồi, phụ nữ gánh trên vai nhiều trách nhiệm, thương cho con gái sinh ra rồi lại vất vả như mình. Chị thương là thương chỗ đó, chứ không phải bên trọng bên khinh. Con trai dù gì thì cuộc đời cũng thoải mái, tự do hơn”.

Dành hết thời gian, tâm huyết cho công việc, chị chỉ tiếc không được ở bên cha mẹ lúc họ đau ốm, không thỏa mãn được cái mong ước giản đơn của mẹ là “dành cho mẹ một ngày để nghe mẹ kể chuyện ngày xưa của mẹ”. Khi nhận ra “với các bậc sinh thành thời gian không bao giờ trở lại được”, chị chỉ còn biết khóc. 

“Việc đầu tiên sau khi nghỉ là chị sẽ dành một buổi uống cà phê từ sáng đến tối, điều trước giờ chị chưa làm được”. Lời bộc bạch của chị khiến mọi người nhói lòng, thương chị cả đời vất vả. Ngày chia tay chị, ai cũng khóc vì phải xa một người lãnh đạo tâm huyết, một người luôn hết lòng với anh em, nhưng cũng mừng cho chị từ nay được nhẹ nhàng, thanh thản, có thể làm những gì mình thích.

Gặp chị sau khi chị nghỉ được hai hôm, chị tươi cười: “Tuần sau, cả gia đình tạp chí đi uống cà phê và xem phim nhé. Giờ chị đã có thể khẳng định mình là người hạnh phúc. Hạnh phúc vì được mọi người chia sẻ, thăm hỏi khi không còn làm việc, tình cảm đó như tình cảm gia đình. Hạnh phúc vì đến khi nghỉ đã để lại cho anh em cả một “gia tài” về tình cảm, về trình độ của mọi người và hạnh phúc vì từ nay không phải lo nghĩ, có thời gian thực hiện những dự định của mình”.

“Yếm rách còn ngăn được gió, tình em dang dở yếm nào che?”, câu hát ấy bao lần đã khiến chị xúc động. Vất vả buông hết xuống rồi, từ nay chị sẽ được sống cho mình. Đời chị, nhìn vào là thấy phận tóc dài lắm long đong.

 Mai Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI