Chuyên gia Mỹ: Nói vắc xin COVID-19 làm phụ nữ vô sinh là thông tin sai lệch và không có cơ sở khoa học

31/08/2021 - 21:19

PNO - Nhiều tổ chức, cá nhân ở Mỹ hiện đang đi theo trường phái chống vắc xin COVID-19 với những lập luận thiếu cơ sở khoa học, trong đó có việc cho rằng vắc xin COVID-19 làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản của phụ nữ.

Đầu năm nay, một trường tư thục ở Miami - một thành phố ở phía đông nam bang Floria (Mỹ) - đã cấm nhân viên tiêm vắc xin COVID-19. Theo một người đồng sáng lập của trường, lý do là “hàng chục ngàn phụ nữ trên khắp thế giới” đã gặp phải các vấn đề về sinh sản khi ở gần người đã được tiêm ngừa.

Nhiều người cho rằng vắc xin ngừa COVID-19 ảnh hưởng đến khà năng sinh sản của phụ nữ
Nhiều người cho rằng vắc xin ngừa COVID-19 ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ

Centner là đại diện cho một bộ phận các tổ chức và cá nhân tại Mỹ hiện đặt ra nhiều hoài nghi về tác dụng của vắc xin COVID-19, thậm chí cho rằng việc ở gần người đã tiêm vắc xin này có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Mặc dù không có bằng chứng y tế nào cho tuyên bố nói trên, nhưng trường học này - Centner Academy - đã khẳng định: “Cho đến khi vấn đề này được điều tra kỹ hơn, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, chúng ta cần bảo vệ các em tránh các nguy cơ chưa xác định chắc chắn khi ở gần cả ngày với một giáo viên đã tiêm ngừa COVID-19 trong thời gian gần đây”, một bức thư của trường gửi cho phụ huynh nêu rõ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe cho rằng nhận định nói trên không có cơ sở khoa học. “Vắc xin đã được nghiên cứu thử nghiệm ở những phụ nữ đang có kế hoạch mang thai, đang mang thai và đang cho con bú. Và chúng tôi chưa phát hiện bất kỳ tác dụng bất lợi nào của vắc xin đối với khả năng sinh sản”, Celine Gounder - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học New York (NYU) và Bệnh viện Bellevue, chia sẻ với tờ Vox.

Thông điệp nói trên cũng đã được Trường Cao đẳng sản phụ khoa Mỹ, Hiệp hội Y học sinh sản Mỹ, Hiệp hội Y học bà mẹ-trẻ em và nhiều chuyên gia y tế khác ở Mỹ xác nhận.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều suy nghĩ sai lệch - từ các nhà hoạt động chống vắc xin, các nhà bình luận bảo thủ cho đến những người có ảnh hưởng trên các mạng xã hội như Instagram và YouTube tại Mỹ - cho rằng vắc xin có thể gây hại cho sức khỏe sinh sản. Trong một cuộc khảo sát vào tháng 6 năm nay, 25% số người được hỏi và hơn 52% những người không có ý định tiêm chủng tại Mỹ cho biết họ tin vắc xin COVID-19 có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Các chuyên gia lý giải rằng những quan niệm trên có thể xuất phát từ nhiều thực tế.

Thứ nhất, một số phụ nữ cho biết kinh nguyệt ra nhiều bất thường sau khi tiêm ngừa COVID-19. “Điều này không có gì phải ngạc nhiên, bởi vì chắc chắn có mối liên hệ giữa hệ thống miễn dịch và chu kỳ kinh nguyệt. Nhưng phản ứng này thường sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn và không làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt cũng như ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ”, Gounder giải thích.

Kế đến, có ý kiến ​​cho rằng nếu ở gần những người đã được tiêm vắc xin COVID-19, những cô gái trẻ và phụ nữ sau mãn kinh sẽ có kinh nguyệt bất thường, hoặc đôi khi có những “cục máu đông lớn”. Tuy nhiên, Gounder cho rằng, không có vắc xin COVID-19 nào hiện đang được sử dụng ở Mỹ được sản xuất từ ​​virus sống, có nghĩa là một người đã được tiêm vắc xin sẽ ít có khả năng lây nhiễm COVID-19 cho người khác, và sẽ không thể xảy ra hiện tượng nói trên.

Ngoài ra, một số người nghĩ rằng vắc xin được phát triển để tấn công protein gai (spike) của coronavirus, và vì vậy vắc xin này cũng có thể tấn công một loại protein khác, đó là syncytin-1, có trong nhau thai người.

Tuy nhiên, Alice Lu-Culligan - một nhà nghiên cứu về sinh học phân tử và tế bào, và Akiko Iwasaki - một giáo sư sinh học miễn dịch tại Đại học Yale - đã nghiên cứu điều này và đưa ra kết luận COVID-19 không hề có khả năng tấn công syncytin-1 như với protein spike. Các giáo sư cũng đã nghiên cứu huyết thanh từ những phụ nữ nhiễm COVID-19 và không tìm thấy ảnh hưởng của kháng thể coronavirus lên syncytin-1.

Nhất Nguyên (theo Vox)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI