Chủng ngừa COVID-19: Từ khuyến khích, bắt buộc đến hối hận muộn màng

27/07/2021 - 05:37

PNO - Sau những biện pháp kêu gọi người dân tiêm vắc-xin COVID-19 như khuyến khích, trao giải thưởng… nhiều quốc gia đang xem xét bắt buộc tiêm chủng...

Sau những biện pháp kêu gọi người dân tiêm vắc xin COVID-19 như khuyến khích, trao giải thưởng… nhiều quốc gia đang xem xét bắt buộc tiêm chủng đối với một bộ phận nhất định.

Từ khuyến khích đến bắt buộc

Trong nhiều tháng, các chính phủ ở châu Á và Bắc Mỹ tổ chức trao giải thưởng cho những người tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Các giải thưởng bao gồm tiền, gia súc, bia… thậm chí là cả căn hộ. 

 

Tại Mỹ, hơn 99% ca tử vong do COVID-19 trong năm 2021 thuộc về nhóm người chưa tiêm chủng - ẢNH: CANVA
Tại Mỹ, hơn 99% ca tử vong do COVID-19 trong năm 2021 thuộc về nhóm người chưa tiêm chủng - Ảnh: CANVA

Ở khu vực Mae Chaem của Thái Lan, hầu hết cư dân đều nuôi bò. Vì vậy, các quan chức địa phương đã phát động cuộc xổ số trúng bò cho người tiêm vắc xin. Tại Hồng Kông, các chuyến bay miễn phí và căn hộ mới trị giá 1,4 triệu USD là một trong những phần thưởng dành tặng người đã tiêm chủng. Một số doanh nghiệp tại đặc khu này thậm chí còn cung cấp thời gian nghỉ có lương cho các nhân viên đi tiêm phòng. 

Nhiều bang của Mỹ cũng thực hiện chính sách khuyến khích tiêm chủng sau khi tốc độ triển khai các mũi tiêm giảm mạnh. Thống đốc California Gavin Newsom trao phần thưởng trị giá 1,5 triệu USD mỗi tuần cho 10 người trúng thưởng trong 10 tuần. Vào tháng Năm, bang New Jersey hợp tác với các nhà sản xuất bia để cung cấp cho người trên 21 tuổi một cốc bia miễn phí sau khi tiêm vắc xin.

Tuy nhiên ở châu Âu, các chính phủ dường như đang thể hiện thái độ cứng rắn hơn. Với biến thể Delta lây lan nhanh, một số lãnh đạo nhận thấy cần phải có những bước đi khó khăn để vượt qua đại dịch. Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron công bố chương trình “mùa hè vận động tiêm chủng”, với các mũi tiêm bắt buộc dành cho nhân viên y tế. Ý, Hy Lạp và Anh cũng cùng chung cách thức với Pháp, đưa vắc xin trở thành yêu cầu bắt buộc đối với một số người, nếu không tuân thủ, họ sẽ đối mặt với việc bị đình chỉ.

Hối hận muộn màng

Theo tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), ít nhất 99% người ở Mỹ chết vì COVID-19 trong sáu tháng qua đều là những người không chủng ngừa. Bác sĩ Brytney Cobia, Trung tâm Y tế Grandview ở Alabama, cho biết, cô đang tiếp nhận ngày càng nhiều người trẻ, khỏe mạnh vào bệnh viện với tình trạng nhiễm COVID-19 rất nghiêm trọng. Những bệnh nhân này cầu xin vắc xin ngay trước khi họ được đặt nội khí quản, nhưng mọi thứ đã quá trễ. “Tôi nắm tay và nói với họ rằng tôi xin lỗi, nhưng đã quá muộn”, bác sĩ Cobia viết trên mạng xã hội. Khi bệnh nhân qua đời, Cobia ôm các thành viên trong gia đình của bệnh nhân và bảo họ rằng, hãy tưởng nhớ người thân bằng cách tiêm phòng. 

Ở hoàn cảnh tương tự, bệnh nhân Glenn Barratt, từ thị trấn Cleethorpes, miền đông nước Anh, được cho là đã nhiễm COVID-19 khi đến xem trận đấu Anh gặp Croatia tại giải Euro 2020. Tất cả người trên 50 tuổi tại thị trấn Cleethorpes đều được yêu cầu tiêm chủng từ giữa tháng Tư, nhưng người đàn ông 51 tuổi đã nhất quyết không tiêm, và đã hối hận về quyết định của mình ngay sau đó. Ken Meech, em họ của Barratt, kể: “Barratt nói với y tá rằng anh ấy ước mình đã tiêm chủng - và đó là ngay trước khi anh ấy rơi vào hôn mê. Cha của Barratt trước đây cũng nhiễm COVID-19, nhưng nhờ tiêm đủ hai liều vắc xin, ông ấy không bệnh nặng”.

Sau tất cả, dường như áp lực từ chính phủ, cộng đồng và người thân gia đình phần nào đã thúc đẩy trở lại tốc độ tiêm chủng. Hôm 22/7, hơn nửa triệu người trên khắp nước Mỹ đã chịu tiêm vắc xin COVID-19. Chia sẻ với thời báo New York, một phụ nữ ở Portland, bang Oregon nói rằng, cô quyết định tiêm chủng khi một người bạn qua đời vì COVID-19. Một người mẹ ở Iowa cùng cô con gái 15 tuổi đi tiêm chủng sau khi cô bé liên tục nói rằng họ sẽ chết nếu không tiêm vắc xin…

Chẳng thể biết có bao nhiêu người thay đổi quan điểm về vắc xin ngay lúc này, nhưng chắc chắn họ là những nhân tố quyết định sự thành công trong phòng, chống dịch bệnh, không chỉ tại Mỹ mà còn cả thế giới. 

Ngọc Hạ (theo NY Times, KKTV, BBC, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI