“Chữa lành” cho sách

04/06/2023 - 06:38

PNO - Đã có hơn 1.000 quyển sách, tư liệu xưa được phục hồi nhờ đôi bàn tay tài hoa của chàng trai trẻ Trịnh Hán Quang.

“Tôi hạnh phúc khi sách được chữa lành"

Căn nhà rộng chừng 30m2 nằm khuất trong con hẻm nhỏ vừa để ở vừa là cơ sở phục chế sách của Trịnh Hán Quang (24 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM). 

Vốn say mê các dòng sách cổ từ nhỏ, dù tốt nghiệp chuyên ngành công nghiệp điện tử của Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng và tìm được công việc đúng với chuyên ngành nhưng Quang lại quyết định rẽ hướng. Cơ duyên đưa anh đến với công việc phục chế sách cũng thật tình cờ mà theo anh là “đầy duyên nợ”. Đó là khi Quang xin vào làm tại một quán cà phê sách để… được đọc sách. Thế nhưng anh lại say sưa, không rời mắt mỗi khi thấy chủ quán sửa sách cho khách. Như thấy được niềm đam mê của Quang, chủ quán ngỏ ý hướng dẫn anh quy trình phục chế sách cũ. 

Mừng như bắt được vàng, Quang quyết tâm học hỏi, mong một ngày sẽ được gắn bó với công việc này. “Tôi bắt đầu công việc từ đầu năm 2020 sau khi học 1 khóa phục chế sách, bồi biểu tranh ảnh để nâng cao tay nghề. Việc được tự tay sửa chữa và sở hữu những quyển sách cũ khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Đó là cảm giác tôi chưa bao giờ có được với những công việc trước đó” - Quang nhớ lại.

Chồng sách cũ trên bàn đang đợi bàn tay tài tình của Quang, phần lớn là sách thời xưa. Có cuốn sứt chỉ, rách bươm, ố vàng màu thời gian. Công việc của Quang là chữa lành “bệnh” cho chúng. “Có những quyển sách bị bệnh rất nặng không thể xử lý được, buộc mình phải cầu cứu những tiền bối hoặc tự mày mò tham khảo những phương pháp sửa chữa sách ở nước ngoài. Nhìn cuốn sách nằm đó, chưa được sửa chữa, lòng tôi không yên” - Quang nói. 

Anh còn kỳ công săn lùng và nhập những chất liệu tu bổ, phục chế từ châu Âu hoặc các quốc gia có truyền thống bồi biểu tranh, giấy lâu đời như Trung Quốc. Vừa cặm cụi vá sách, chàng trai trẻ vừa say mê giới thiệu các vật liệu - từ những dụng cụ đặc biệt như đục, khắc, nhíp, máy sấy, kim chỉ… đến máy ép giấy. Tôi có cảm giác câu chuyện sẽ không bao giờ ngừng lại vì những hiểu biết tường tận của Quang. 

Trịnh Hán Quang là người trẻ hiếm hoi chọn con đường theo đuổi nghề phục chế sách
Trịnh Hán Quang là người trẻ hiếm hoi chọn con đường theo đuổi nghề phục chế sách

Quang sử dụng loại giấy dó căn bản để phục chế, được đặt mua ở tận làng nghề giấy Bắc Ninh. Nhưng đối với những loại sách xưa, anh phải lùng sục loại giấy phù hợp với từng cuốn sách từ các hội nhóm chơi sách, cửa hàng sách cũ… 
Để một quyển sách hư hỏng, rách nát trở về tình trạng ban đầu, trải qua rất nhiều công đoạn.  

“Quá trình phục chế một quyển sách đòi hỏi thật tỉ mỉ và mất nhiều tâm - trí - lực, từ khâu tách bìa ra khỏi ruột sách, tách từng trang sách. Tôi phải sử dụng giấy để bồi lại những chỗ khuyết trên bề mặt bìa sách, sau đó tiến hành giặm màu ở chỗ giấy vừa bồi để chúng đồng nhất với màu nguyên bản. Cuối cùng là xử lý nấm mốc ở ruột và khâu lại thật chỉn chu trước khi ghép tất cả với nhau để hoàn thiện quyển sách” - Quang chia sẻ.

Những loại sách thường được khách hàng mang đến cơ sở của Quang chủ yếu có tuổi đời từ vài thập niên, thậm chí trải qua mấy thế kỷ. Một số được gửi đến sửa chữa trong tình trạng hư hỏng nặng, cần rất nhiều thời gian, sự kiên nhẫn mới có thể đọc được.

 

Quang nhớ lại: “Quyển sách đầu tiên tôi nhận sửa chữa bị hư hỏng rất nặng. Đó là quyển Từ điển Pháp - Việt của tác giả Trương Vĩnh Ký, xuất bản năm 1884. Tôi được chủ nhân quyển sách yêu cầu tu bổ nguyên trạng. Thời điểm đó vì mới vào nghề, tôi rất lúng túng vì không đưa ra được phương pháp sửa chữa.  Nhìn gáy sách bị a xít ăn mòn nặng, ruột sách bị tách rời thành từng phần, phải dùng chỉ để khâu lại, một số trang bị mối mọt làm hư hỏng, tôi… hoảng, may mà được các tiền bối chỉ dẫn”.

Đó cũng là quyển sách khó nhất Quang nhận sửa chữa từ lúc vào nghề đến giờ. Chỉ mỗi việc gỡ bìa và trang đã mất 2 ngày, mắt lúc nào cũng phải căng hết cỡ khi vá lại những lỗ thủng trên từng trang. Sau hơn nửa tháng, công trình cũng xong, quyển sách lành lặn như ngày nào đã xuất hiện trong niềm vui của chủ nhân và Quang. 

Quang kể, gia đình anh không ai theo nghề phục chế sách và ban đầu cũng không ủng hộ anh bởi công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và quan trọng là phải có tình yêu thực sự với những trang sách. Chưa kể, để kiếm sống bằng công việc này cũng không dễ dàng chút nào. 

Hiện tại, thù lao cho mỗi quyển sách được tu bổ, phục chế tại cơ sở của Quang dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Giờ thì Quang tự hào mình đã sống được với nghề để ba mẹ có thể yên tâm phần nào.

Công việc phục chế sách cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, đặc biệt phải có tình yêu thực sự với sách
Công việc phục chế sách cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, đặc biệt phải có tình yêu thực sự với sách

Trân trọng kỷ niệm vô giá của nhiều người... 

Hơn 2 năm theo đuổi công việc, Quang đã phục hồi hơn 1.000 đầu sách các loại, trong đó không ít lần anh chứng kiến những câu chuyện vô cùng cảm động. 

Quang kể: “Tôi gặp một vị khách đặc biệt. Người đàn ông 55 tuổi ấy hy vọng tôi có thể sửa được di vật của người cha - quyển Robinson Crusoe của tác giả Daniel Defoe. Có lẽ đây là quyển sách gối đầu giường của nhiều người nhưng với người đàn ông này, quyển sách ngày nào được cha mua tặng thực sự như linh hồn người cha đã mất, luôn bên cạnh ông. 

Khi đó, chỉ cần nghe câu chuyện, chưa cần biết sách hư hỏng thế nào, tôi cũng tự nhủ mình phải sửa được bằng mọi giá. Ngày nhận lại quyển sách, người đàn ông tóc đã điểm bạc vỡ òa như đứa trẻ. Giây phút đó, tôi cảm thấy công việc của mình trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết” - Quang bồi hồi. 

Trịnh Hán Quang là một trong những người trẻ tuổi chọn gắn bó với công việc phục hồi sách xưa. Ngoài ra, tại TPHCM hiện vẫn có một số cơ sở chuyên phục chế và sửa chữa sách cũ: 
+ Cơ sở của ông Võ Văn Rạng (65 tuổi, ngụ quận 3).
+ Cơ sở của anh Bùi Tiến Phúc (34 tuổi, ngụ quận Tân Phú).
 + Thư viện Huệ Quang (quận Tân Phú).

Giờ đây, Quang đã trở thành một người thợ lành nghề nhưng sự háo hức và say sưa với sách vẫn như ngày chập chững vào nghề. Anh luôn hào hứng khi nói về sách, về công việc. Công việc hiện tại cũng giúp Quang gặp gỡ được những người bạn cùng chí hướng, những người yêu sách, mong muốn những cuốn sách có sức sống bền bỉ với thời gian. 

Biết đến cơ sở phục chế sách của Quang qua mạng xã hội, Nguyễn Ngọc Phi - sinh viên Trường đại học Đà Nẵng - cho biết vì khoảng cách địa lý nên suốt một năm nay, Phi đều gửi sách vào TPHCM để sửa chữa. Ngọc Phi cho biết: “Nếu nói người sưu tầm sách là những người truyền lửa cho các thế hệ sau thì anh Quang là người giữ ngọn lửa đam mê ấy. Qua đôi tay tỉ mỉ và khéo léo, anh đã giúp rất nhiều cuốn sách hồi sinh. Mỗi lần nhận lại quyển sách mình yêu quý trong tinh tươm, tôi cảm thấy rất xúc động”. 

Bài và ảnh:  Tú Ngân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI