Chọn giàu có hay chọn bình an?

08/01/2022 - 12:02

PNO - Những câu hỏi kiểu “cuối năm thưởng nhiều không” hoặc “đi đâu, ăn, mặc gì” trở nên kém duyên, lạc lõng. Còn được thở sau một năm khó khăn chẳng phải đã là một đặc ân sao?

Rốt cục, một năm nhọc nhằn rồi cũng sắp qua. Đau thương, mất mát vẫn mỗi ngày đập vào mắt ta qua những con số biết nói. Người ta vẫn nhắc nhau về những hệ luỵ khôn lường của nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch giã, rằng cuộc sống rồi sẽ khó khăn hơn...

Anh bạn tôi vừa lạc quan “cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy” trên mạng cùng những bức ảnh cả nhà đang vi vu sau mấy tháng giãn cách. Anh bạn ấy, cũng như tôi và nhiều người vẫn còn một nơi để đi về với những người thân sẵn sàng đợi cửa, dù chỉ để hỏi han hay càm ràm. Chúng tôi vẫn còn những bận bịu tối tăm mặt mũi, kể cả stress do “deadline” công việc đuổi sát rạt. Đấy chính là may mắn.

Dịch giã khiến ăn chơi trở thành chuyện xa xỉ với không ít người (ảnh minh hoạ)
Dịch giã khiến ăn chơi trở thành chuyện xa xỉ với không ít người (ảnh minh hoạ)

 

Tôi đọc được những con số thống kê, rằng sau một năm lao đao, khốn khó vì dịch bệnh khiến người ta thất thoát bao nhiêu tiền của, lợi nhuận, tôi cũng nghe những tiếng thở dài, những lời thở than rằng họ đã phải hoãn, huỷ bao chuyến đi đến những nơi yêu thích, khiến những người thân yêu dấu không về được với nhau, rằng cuộc sống đang trải qua những ngày buồn chưa từng có...

Nhưng có ai tự hỏi, ta đã nhận được gì sau những âu lo, sợ hãi lẫn xa cách, thiệt thòi, hay ta đang chìm trong cơn phiền muộn mà bỏ qua việc cảm nhận những điều tốt đẹp vẫn lấp ló đâu đó?

Thói thường, thông tin tiêu cực dễ lan toả hơn, dễ khiến người ta bị tác động hơn và con người có khuynh hướng bi quan trước đổi thay hơn, dù những điều đẹp đẽ, ấm áp vẫn không ngừng diễn ra.

Nhìn ở góc tích cực, phải chăng chỉ có mất mát mới dạy ta bài học đối đầu và vượt qua khủng hoảng? Phải chịu trói chân một chỗ, ta mới cảm nhận được tự do, năm rộng tháng dài đáng quý đến thế nào? Hay sự xa cách sẽ khiến mỗi người mạnh mẽ hơn khi sum họp? Cũng như sự vô thường rồi sẽ khiến ta hài lòng với hiện tại và trân quý hơn cuộc sống này?

Giữa cơn khốn khó, nhiều người vẫn lạc quan “cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy” (ảnh minh hoạ)
Giữa cơn khốn khó, nhiều người vẫn lạc quan “cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy” (ảnh minh hoạ)

Gặp lại cô bạn “single mom”, tôi mừng vì bạn đã vượt qua cơn khủng hoảng khi mẹ và bà ngoại - hai chỗ dựa tinh thần duy nhất của cô - qua đời vì COVID-19. Những câu hỏi kiểu “cuối năm được thưởng nhiều không” hoặc “đi đâu, ăn, mặc gì”  mỗi khi gặp bạn vào cái “mùa” tiệc tùng, hội hè những năm trước bỗng trở nên kém duyên, lạc lõng. Bạn bảo: "Còn được thở chẳng phải đã là một đặc ân sao?"

Chị bạn vốn hay đăng những trạng thái tích cực trên mạng xã hội, nhưng từ đầu “mùa cuối năm” đến giờ, chị “im thin thít, lặn mất tăm”. Gọi hỏi thăm mới biết nhà hàng mà chị đã đặt hết tâm huyết, vốn liếng vào đó đã đóng cửa. Chị không kham nổi tiền mặt bằng, nhân viên cũng không trụ nổi ở thành phố. Những thăm hỏi ân cần kiểu “có ổn không”, “công việc có suôn sẻ không” trở nên vô nghĩa với chị.

Có vẻ như ai nấy đã quen với khái niệm bình ổn mới, như lời một bài hát cũ, rằng “cuộc sống đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp”. Người ta dần hài lòng với việc còn được thấy nhau mỗi ngày, dẫu trên mạng hay ngoài đời thực, ríu rít trước mặt hay rộn ràng qua những biểu tượng ngộ nghĩnh trên “Phây”.

Nếu được tặng một lời chúc, tôi mong được chúc bằng an với hiện tại hoặc mạnh mẽ để vượt qua khó khăn, thay vì luôn sung túc, đủ đầy. Sinh ra đã hạnh phúc quả thực là may mắn. Nhưng đấu tranh để được hạnh phúc mới là cách sống đáng ước ao.

Bạn chọn giàu có hay bình an? Bạn thích may mắn để cuộc sống bớt nhọc hay vững vàng để luôn mỉm cười trước nghịch cảnh?

 

Lê Thị Ngọc Vi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI