Châu Á: Góc khuất ghê rợn trong ngành công nghiệp may mặc

01/06/2022 - 06:35

PNO - Trong những năm qua, trên khắp các quốc gia sản xuất ngành thời trang nhanh, người ta đã chứng kiến ​​và ghi nhận rất nhiều phụ nữ công nhân may mặc bị quấy rối, hành hung, đe dọa trả thù bằng lời nói và thể xác vì từ chối tiến bộ tình dục và bị từ chối các quyền cơ bản.

Jeyasre Kathiravel, 20 tuổi đã luôn muốn xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, xa khỏi khuôn viên phân xưởng may ở Dindigul – thành phố hẻo lánh thuộc bang Tamil Nadu, cực nam Ấn Độ.

Dù nhận mức lương chỉ hơn 2 triệu đồng mỗi tháng, Kathiravel hiểu mình vẫn may mắn khi tìm được việc làm tại Natchi Apparels, một xưởng may chuyên liên kết với những thương hiệu thời trang nhanh nổi tiếng.  

Thế nhưng Kathiravel đã bị buộc từ bỏ ước mơ đổi đời.

Ngày 1/1/2021, cô gái trẻ đột ngột biến mất sau khi đến chỗ làm. Bốn ngày sau, thi thể Kathiravel được phát hiện cách ngôi làng cô đang ở không xa. Khi một người đàn ông tên V Thangadurai, giám sát viên tại xưởng may, bị bắt và hiện chờ xét xử vì cáo buộc mưu sát Kathiravel, người thân của cô gần như không ngạc nhiên.

Một buổi thảo luận về quyền lao động giữa thành viên TTCU và các nữ công nhân - Ảnh: Guardian
Một buổi thảo luận về quyền lao động giữa thành viên TTCU và các nữ công nhân - Ảnh: Guardian

  “Giọt nước tràn ly”

“Con bé kể rằng đang bị người quản lý quấy nhiễu nhưng không biết nên làm thế nào. Jeyasre rất sợ mất việc”, mẹ Kathiravel, bà Muthuakshmi Kathiravel, cho biết.

Những công nhân khác ở Natchi tiết lộ, vấn nạn xâm hại đã luôn “diễn ra thường xuyên”. Một nữ công nhân từng làm việc cạnh Kathiravel nói: “Chúng tôi đều biết Jeysare phải chịu đựng những gì. Nhưng nếu công khai phàn nàn, cô ấy lo sợ sẽ bị đuổi việc”.

Hơn 1 năm qua, gia đình, bạn bè vẫn tiếc thương Kathiravel. Thế nhưng giờ đây, họ có quyền tin rằng cái chết của cô không vô nghĩa.

Không lâu sau tang lễ Kathiravel, đã có hàng chục nhân công nữ khác tại Natchi đồng loạt lên tiếng thừa nhận từng bị bạo hành và quấy rối trong xưởng may. Hành động dũng cảm của họ là tiền đề thúc đẩy một chuỗi sự kiện đấu tranh quan trọng, giúp thay đổi cuộc đời 3.000 phụ nữ đang làm việc ở phân xưởng.   

Đấu tranh vì sự bình đẳng

Nhóm thanh tra Hiệp hội Quyền lợi Người lao động (WRC – tổ chức quốc tế độc lập chuyên giám sát quyền lao động trong ngành dệt may) đã phỏng vấn và thu thập bằng chứng từ hơn 60 công nhân trước khi đi đến kết luận: Kathiravel không phải nạn nhân đầu tiên bị bức hại tại Natchi.

Từ năm 2019-2021, có ít nhất 2 vụ mưu sát với tình tiết khá tương đồng, liên quan đến 2 nữ công nhân khác từng làm việc ở xưởng may.

Tài liệu điều tra chi tiết từ WRC nhấn mạnh: hành vi tấn công phụ nữ gây ra bởi các nam giám sát viên của phân xưởng, khởi nguồn từ chính môi trường làm việc độc hại nơi tình trạng bạo lực – xâm hại do kỳ thị giới tính đã tồn tại nhiễu nhương lâu nay.

Nhân công nữ thuật lại, các giám sát viên thường công khai bắt nạt và chế giễu khi họ không đáp ứng kịp tiến độ sản xuất. Nhiều phụ nữ không những bị gạ gẫm, xâm hại tình dục mà còn liên tục chịu đựng vấn nạn quấy rối, bạo hành về tinh thần.

“Mỗi cuộc đời đều quý giá” 

Tháng trước, một thỏa thuận pháp lý mang tính tiên phong đã được ký kết giữa Eastman Exports, Công đoàn Ngành dệt may và Lao động Phổ thông ở Tamil Nadu (TTCU) và 2 tổ chức quốc tế đấu tranh vì quyền người lao động – Liên minh Bảo vệ Thu nhập người lao động châu Á (AFWA) và Diễn đàn vì Quyền lợi và Công bằng lao động Quốc tế (GLJ-ILRF).

Thỏa hiệp đề ra các điều khoản bảo trợ đặc biệt, nhằm sửa đổi tiến trình khiếu nại nội bộ tại phân xưởng. Theo đó, thành viên TTCU sẽ làm việc thường trực ở xưởng may, đảm bảo môi trường an toàn – bình đẳng cho tất cả nhân công nữ và ngăn chặn mọi hành vi quấy rối.

Mặt khác, H&M cũng ký kết một thỏa hiệp bảo vệ nhân quyền tương tự với TTCU, AFWA và GLJ-ILRF. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu quốc tế cho thấy bước đi chủ động trong vấn đề giải quyết nạn bạo hành phụ nữ ở ngành dệt may châu Á.   

Ở thành phố nghèo Dindigul, TTCU hiện vẫn tích cực giúp đỡ những nạn nhân bị xâm hại, bạo hành. “Tất cả chúng ta đều là người, mỗi cuộc đời đều quý giá”, Rakini bày tỏ. “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng sự ra đi của Jeyasre trở thành lời cảnh tỉnh về vấn nạn bạo hành, giúp những phụ nữ khác sống bình an hơn”.

Như Ý (theo AP, The Guardian)  

 Như Ý (theo AP, The Guardian

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI