Nhọc nhằn tìm công lý cho nhiều lao động nữ ngành dệt may

05/09/2020 - 10:00

PNO - Câu chuyện về những nữ công nhân may tại Lesotho, Nam Phi, phác họa nỗ lực đấu tranh miệt mài trước vấn nạn ghê rợn đang ám ảnh ngành công nghiệp dệt may toàn cầu.

Tại một trong những xưởng sản xuất hàng may mặc lớn nhất Maseru, thủ đô Lesotho, Nam Phi, “nhân công thời vụ” là cụm từ quen thuộc. Mỗi sáng, ít giờ trước khi chuỗi máy may bắt đầu được vận hành, một quản lý nam tiến đến gần cổng công xưởng - chọn lựa vài lao động nữ tạm thời trong hàng tá phụ nữ đang nóng lòng đứng đợi phía sau hàng rào.

Công nhân nữ bên trong 1 xưởng may tại Lesotho, quốc gia nổi tiếng với những công xưởng sản xuất mặt hàng thời trang jeans quy mô. (Ảnh: AP)
Công nhân nữ bên trong một xưởng may tại Lesotho, quốc gia nổi tiếng với những công xưởng sản xuất mặt hàng thời trang jeans quy mô - Ảnh: AP

“Nhân công thời vụ” ám chỉ những nữ thợ may, thợ cắt vải không có chỗ làm ổn định. Họ thường phải đến từng công xưởng khác nhau để tìm kiếm cơ hội làm việc trong vài giờ ngắn ngủi. Một thứ luật “bất thành văn” giúp họ được chọn, chính là phải chịu đựng nguy cơ bị quấy rối, xâm hại tình dục để đổi lại đồng lương khoảng 8 USD (hơn 180.000 VND) mỗi ngày.   

“Một phụ nữ với những đứa con đói khát ở nhà, có thể làm tất cả vì gia đình”, cô Thebelang Mohapi (tên đã được thay đổi) - một nữ thợ may sống tại Maseru, chia sẻ.

Trước đây, khi còn là công nhân làm việc chính thức, Mohapi nhìn những phụ nữ bên ngoài hàng rào công xưởng với ánh mắt thương cảm lẫn e sợ. Cô hiểu, nếu làm gì đó phật ý “quản lý cấp trên”, nhiều khả năng cô sẽ đối mặt tình cảnh tương tự.

Năm 23 tuổi, sau nhiều ngày tháng nỗ lực làm việc, nỗi sợ lớn nhất của Mohapi lại đến theo cách bất ngờ, khi cô suýt bị người quản lý lợi dụng và cưỡng bức. Tức giận xen lẫn sợ hãi, nữ công nhân trẻ tiến thẳng đến phòng tổ chức nhân sự tại xưởng may để tố cáo. Thay vì được lắng nghe, vào cuối ngày, Mohapi là người phải mất việc.

Mơ ước dành dụm tiền để theo học trường điều dưỡng, để nuôi dạy con gái nhỏ vừa chào đời của Mohapi phút chốc tan vỡ. “Khi ấy tôi cứ nghĩ, công việc này có thể giúp tôi và chồng tạo dựng tương lai tốt đẹp hơn. Tôi biết về những vụ xâm hại xảy ra thường xuyên, nhưng lại ngây thơ hy vọng nó sẽ không xảy đến với tôi” - cô nói.

Mohapi phải chịu cảnh thất nghiệp hơn 1 năm sau đó. Một lá thư “tố giác” từ người quản lý ở xưởng may cũ, cho rằng cô “hỗn xược và chậm chạp”, khiến người phụ nữ trẻ không thể tìm việc ở bất kì nơi nào khác. Cô bày tỏ: “Mỗi ngày tôi đều thấy giận dữ. Tôi phải sống khổ sở trong khi gã đàn ông kia vẫn chễm chệ ở vị trí quản lý, được nhận lương mỗi tháng. Không ai quan tâm đến những phụ nữ như tôi”.

“Khủng hoảng nhân quyền” của hàng triệu phụ nữ

Báo cáo điều tra xã hội quy mô năm 2019 của Hội đoàn bảo vệ quyền lợi người lao động (Workers Rights Consortium - viết tắt: WRC), tổ chức nhân quyền phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho thấy số lượng đáng báo động của những vụ quấy rối và tấn công tình dục ở rất nhiều công xưởng dệt may tại Maseru. Báo cáo ghi nhận hơn 120 trường hợp nữ công nhân thừa nhận bị ép buộc quan hệ thể xác cùng cấp trên để giữ vị trí công việc. Một số nạn nhân thậm chí tiết lộ đã nhiễm HIV từ người quản lý nam, sau khi bị đe dọa cắt giảm lương nếu họ không đồng ý quan hệ tình dục không an toàn.

Những ai đâm đơn tố cáo đều bị đuổi việc.

Nhiều nữ công nhân may tại Lesotho phải đối mặt thường trực sức ép kinh tế, tư duy kỳ thị và xâm hại nhân quyền. (Ảnh: Alamy Stock)
Nhiều nữ công nhân may tại Lesotho phải đối mặt thường trực sức ép kinh tế, tư duy kỳ thị và xâm hại nhân quyền - Ảnh: Alamy Stock

Báo cáo WRC thực hiện là tài liệu điều tra đầu tiên phản ánh mối liên hệ giữa những thương hiệu thời trang nổi tiếng với nạn xâm hại tình dục tại nhiều xưởng may của Lesotho. Tuy nhiên vấn đề tương tự đã và đang ám ảnh không ít công nhân ngành dệt may, phần lớn là nữ giới, tại Ấn Độ, Brazil, Mexico, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar.

Scott Nova - Giám đốc điều hành WRC - nhấn mạnh thêm về sự thiếu hụt động thái đấu tranh cần thiết: “Chúng ta đang phải đối mặt một “cuộc khủng hoảng" nhân quyền nhắm vào hàng triệu nữ công nhân. Khi đăng tải bản báo cáo Lesotho, chúng tôi hình dung mình đã lột tả đến tận cùng hoàn cảnh khốn khổ của những phụ nữ ở đây. Lúc này, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp càng đẩy họ vào tình thế tuyệt vọng hơn”.

Nỗ lực tìm giải pháp trước muôn nỗi bất công

Có đến 80% lao động ngành dệt may tại Lesotho là phụ nữ. Mỗi tháng tại công xưởng chuyên sản xuất đồ jeans, WRC ghi nhận, đồng lương họ nhận về thậm chí không thể mua một chiếc quần jeans Levi’s, vốn có giá trung bình khoảng 80 USD (khoảng 1.850.000 VND). Chật vật để trang trải đời sống, nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của “cuộc chiến thương mại” trong ngành công nghiệp thời trang, khi sức ép cạnh tranh buộc nhiều công ty cắt giảm giá thành sản xuất - dẫn đến sự thờ ơ trước những tiêu chuẩn lương thưởng, phúc lợi chính đáng đặc biệt đối với lao động nữ.  

Nhà nghiên cứu xã hội học Sethelile Nthakana - đại diện từ WRC - cũng là người từng phỏng vấn trực tiếp nhóm nữ công nhân may tại Lesotho, nói về muôn nỗi khổ đau, dằn vặt cô được nghe từ họ: “Tôi cũng là người bản xứ, một phụ nữ Lesotho. Chúng tôi đã quen bị đối đãi bất công tại chỗ làm - nhưng những gì nhóm công nhân mô tả với tôi nghiêm trọng ở một cấp độ hoàn toàn khác”.

“Một số thậm chí không dám kể cho người nhà việc họ bị hành hung, quấy rối liên tục tại công xưởng. Tôi thật không thể hình dung nỗi đau thể xác lẫn tinh thần họ phải gánh chịu mỗi ngày”.

Về phía những thương hiệu thời trang, công tác điều tra đảm bảo quyền lợi và an toàn lao động cho nhân công là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khi chỉ diễn ra theo cách rập khuôn, chiếu lệ, tiến trình điều tra ẩn chứa không ít “kẽ hở”.

Ở tất cả những công xưởng có tên trên báo cáo do WRC thực hiện, giấy tờ kiểm định của đội ngũ thanh tra viên đến từ hãng Levi’s trước đó không hề phản ánh bất kì vấn đề gì liên quan đến xâm phạm đạo đức. Trước hình thức phỏng vấn công khai tại xưởng may, với sự góp mặt đầy đủ những quản lý cấp cao, nhiều nữ công nhân, vì muốn bảo vệ công việc, đành chọn cách giữ im lặng.  

Sau báo cáo từ WRC, Levi’s bắt đầu tiến hành một dự án cấp thiết để cải thiện chính sách phúc lợi, bảo vệ lao động nữ tại hệ thống nhà xưởng Lesotho. (Ảnh: Getty)
Sau báo cáo từ WRC, Levi’s bắt đầu tiến hành một dự án cấp thiết để cải thiện chính sách phúc lợi, bảo vệ lao động nữ tại hệ thống nhà xưởng Lesotho - Ảnh: Getty

Báo cáo điều tra gây chấn động của WRC, sau khi được gửi đến đại diện hãng Levi’s và phía quản lý công xưởng trực thuộc công ty Nien Hsing, may thay, đã “kích hoạt” một nỗ lực thay đổi đáng chú ý.

Levi’s bắt đầu làm việc với Nien Hsing, những công đoàn lao động tại địa phương và một số hội nhóm bảo vệ nhân quyền phụ nữ, nhằm cải thiện điều kiện lao động cho công nhân nữ bên trong chuỗi công xưởng may ở Lesotho.

Quá trình đàm phán giúp tạo nên “Thỏa hiệp Lesotho” - một dự án nhân quyền được khởi nguồn và ủng hộ bởi nhiều nhà vận động, đấu tranh vì nữ quyền, với mục tiêu chính là bài trừ tư duy xâm hại, kỳ thị giới tính trong ngành dệt may.

Nien Hsing, đồng hành cùng hàng loạt công đoàn lao động trực thuộc công xưởng, đồng ý bổ sung những điều khoản trừng phạt gắt gao, nghiêm cấm tuyệt đối hành vi quấy rối. Bên cạnh đó, họ chủ trương thuê thêm quản lý nữ, và loại dần hình thái “nhân công thời vụ”, tạo điều kiện để mọi công nhân ký kết hợp đồng lao động chính thức. Một ban điều tra đặc biệt được lập riêng để xử lý những trường hợp tố cáo, khiếu nại liên quan đến xâm hại tình dục.

Nếu Nien Hsing không đảm bảo xây dựng và duy trì những điều kiện kể trên trong môi trường làm việc, Levi’s và những thương hiệu khác có quyền đơn phương hủy hợp đồng đặt hàng với họ.

Như Ý (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI