Vợ chồng rất thương nhau, nhưng vẫn chia tay vì mâu thuẫn cha mẹ hai bên

14/04/2023 - 09:00

PNO - Gia đình hai bên rất quan trọng với cuộc hôn nhân. Nhưng mọi vấn đề hôn nhân cần được bàn bạc và cân nhắc từ tình cảm, tư duy của hai em trước nhất.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em và chồng cũ suốt những năm bên nhau vô cùng khổ sở. Mẹ chồng luôn dằn vặt em khi có cơ hội, mẹ vợ thì đay nghiến anh. Tụi em lục đục chỉ vì chuyện người lớn.

Vợ chồng chia tay trong nước mắt. Sau khi ra tòa, anh nhắn em rằng: “Vẫn thương em nhất đời”. Anh xin lỗi vì em lấy anh mà chịu nhiều đau khổ. Em đi du lịch một tháng để cắt đứt liên lạc, trút bỏ mọi thói quen liên quan tới anh.

Khi trở về, ba mẹ chăm sóc em như ngày chưa chồng. Ông bà biết tụi em còn thương nhau nên cố gắng “bù đắp” cho em bằng sự quan tâm. Bên cạnh đó, ông bà luôn tranh thủ nói xấu nhà chồng cũ, chê bai chồng cũ của em như để khẳng định việc em chia tay là đúng đắn.

Chính điều này làm em thấy ác cảm với ba mẹ. Mỗi lần ba mẹ đề cập đến chồng cũ, em như quả bong bóng căng phồng những tức giận, phẫn nộ và em căm ghét ba mẹ. Em dễ dàng nhăn nhó, dằn hắt ba mẹ ngay cả trong những tình huống không đáng.

Em vẫn chưa cắt đứt liên lạc với chồng cũ. Anh mua thức ăn, yến và cả đồ dưỡng da gửi đến công ty em - đó là những thứ anh vẫn chăm lo cho em ngày còn bên nhau. Anh nói em cứ coi anh như một người bạn, anh không đáng để bị em xua đuổi hay từ chối. Nhưng nếu em cứ nhận lấy những gì anh gửi đến, niềm hy vọng về nhau cứ kéo dài mãi. 

Em dằn vặt giữa hai ý nghĩ: một là cứ đối đãi với nhau thật lòng, cứ quan tâm cho đến khi nào mỗi người có một con đường riêng. Hai là cần đoạn tuyệt hẳn để mỗi người có cơ hội tìm hạnh phúc mới. Em biết sau ly hôn anh rất suy sụp, sụt cân. Em cũng kiệt quệ và không còn tha thiết điều gì.

Càng nghĩ càng thấy buồn. Khi không thể gần với ba mẹ, em bắt đầu cảm thấy hối hận và không chịu nổi thực tế rằng mình đã ly hôn…

Huệ Tâm (Q.8, TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Huệ Tâm mến,

Có lẽ em đã quyết định ly hôn khi lòng mình không muốn. Điều này khiến em có tâm lý “đổ lỗi” cho ba mẹ, sinh ra sự ác cảm khó kiểm soát. Lúc này, em nên bỏ qua tâm lý “chuyện đã rồi”, mà hãy suy nghĩ thấu đáo lại một lần nữa về hôn nhân. Hãy thử đặt câu hỏi: Nếu em và chồng cũ tái hợp mà mâu thuẫn gia đình vẫn chưa được giải quyết, liệu có cách nào để giảm sự ảnh hưởng bởi người lớn?

Hạnh Dung đọc qua thư em không thấy nặng nề mấy từ xung đột bản chất giữa hai gia đình. Ngược lại, mọi chuyện dường như chỉ trở nên mệt mỏi vì hành xử của các bên. Nếu đúng như vậy thì em nên suy nghĩ lại. Bởi, dù em hy sinh tình yêu của mình thì tính cách của từng người vẫn không thay đổi, vẫn sẽ nảy sinh những rắc 
rối khác.

Thường, khi bị tấn công, ta sẽ tổn thương và đánh mất vai trò làm chủ tình hình. Rất có thể, em và chồng đã ở thế bị động và dần bị “đánh gục” trước những quá quắt của ba mẹ.

Trong khi đó, hai em có thể chủ động trò chuyện một cách nghiêm túc với gia đình từng bên, đề nghị họ tôn trọng và hành xử đúng mực với vợ/chồng mình. Từ thái độ nghiêm túc này, em có thể từ chối gặp gỡ nếu ông bà không thể hành xử bình tĩnh.

Gia đình hai bên rất quan trọng với cuộc hôn nhân. Nhưng mọi vấn đề hôn nhân cần được bàn bạc và cân nhắc từ tình cảm, tư duy của hai em trước nhất. Khi nhìn thấy được sức mạnh tình cảm từ nhau, hai em mới có thể đứng lên giải quyết những chuyện xung quanh một cách thấu đáo nhất.

Có lẽ em cần gặp chồng cũ để cùng nhau trả lời những câu hỏi trên. Không nhất thiết phải bàn chuyện tái hôn lúc này. Nhưng khi đã chia sẻ thông suốt cùng nhau, em và chồng cũ cũng sẽ nhẹ lòng hơn dù có quyết định thế nào.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI