Cắt bộ phận sinh dục nữ là "tội ác" cần phải chấm dứt

07/11/2022 - 21:03

PNO - Đức Giáo hoàng đã gọi việc cắt cơ quan sinh dục ngoài đối với phái nữ là “tội ác” và nói rằng cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng và cơ hội của phụ nữ phải tiếp tục vì lợi ích của xã hội.

Đức Giáo hoàng Francis tổ chức thánh lễ cho cộng đồng Công giáo vùng Vịnh Ba Tư, tại đảo quốc Bahrain, ngày 5/11/2022 - Ảnh: Vatican

Cắt bộ phận sinh dục nữ (Female Genital Mutilation/ FGM) chủ yếu được thực hiện trên các bé gái trong độ tuổi sơ sinh hoặc trẻ em gái vị thành niên và đôi khi với cả phụ nữ trưởng thành.

Theo dữ liệu hiện có của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), mỗi năm, trên thế giới có khoảng 4 triệu trẻ em gái có nguy cơ bị cắt bộ phận sinh dục nữ, với hầu hết trẻ em gái bị cắt trước 15 tuổi. Tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi FGM, cứ 10 trẻ em gái và phụ nữ thì có 7 trẻ cho rằng nghi thức này nên chấm dứt.

FGM không có lợi cho sức khỏe và thường dẫn đến những hậu quả lâu dài về thể chất và tâm lý. Các biến chứng y khoa có thể dẫn đến vô sinh và thậm chí tử vong. Những phụ nữ đã trải qua quá trình cắt bỏ bộ phận sinh dục có thể gặp các biến chứng trong quá trình sinh nở, bao gồm băng huyết sau sinh, thai chết lưu và tử vong sơ sinh sớm. Đồng thời các tác động tâm lý sẽ khiến người đã thực hiện FGM bị trầm cảm lâu dài.

UNICEF và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cùng dẫn đầu chương trình toàn cầu lớn nhất nhằm kết thúc FGM. Tuy nhiên, tiến độ chấm dứt FGM cần phải nhanh hơn ít nhất 10 lần hiện có nếu muốn phương thức này bị loại bỏ hoàn toàn vào năm 2030.

WHO đã tiến hành một nghiên cứu về chi phí kinh tế của việc điều trị các biến chứng sức khỏe của FGM và tính ra rằng chi phí hiện tại của 27 quốc gia có dữ liệu chính thức sẽ là 1,4 tỷ USD mỗi năm. 

Trong bài phát biểu ngày 6/11/2022, Đức Giáo hoàng Francis đã lên án gay gắt về cách phụ nữ ở nhiều nền văn hóa trên thế giới đang bị đối xử như những công dân hạng hai hoặc tệ hơn và bày tỏ: "Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh, vì phụ nữ là một món quà" và “Chúa tạo ra hai sự bình đẳng: đàn ông và đàn bà”.

Đức Giáo hoàng Francis đã làm nhiều hơn bất kỳ Giáo hoàng nào trước đây khi trao nhiều vai trò ra quyết định cho phụ nữ trong nhà thờ. Ông đã bổ nhiệm một số phụ nữ vào các vị trí quản lý quan trọng, bao gồm vị trí số 2 trong cơ quan hành chính Nhà nước Vatican cũng như một số vai trò quản lý cấp cao khác. Ông cũng đã chỉ định nhiều nữ giáo dân làm cố vấn cho các văn phòng Vatican do các giáo sĩ nam nắm giữ, bao gồm cả cơ quan chọn Giám mục.

“Tôi đã thấy ở Vatican, rằng bất cứ khi nào phụ nữ đi làm, mọi thứ sẽ được cải thiện”, Đức Giáo hoàng chia sẻ.

Phước Châu (Theo NBC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI