Cần gì phải “dọa nạt” đời nhau

23/08/2020 - 11:45

PNO - Lời yêu thương dành cho nhau giống như một hợp đồng bảo hiểm, nó hiện diện đó cho chúng ta sự an tâm rằng mình được bảo vệ.

Hãng nội thất Ikea danh tiếng của Thụy Điển vừa qua đã tổ chức một cuộc thí nghiệm “dọa nạt một chậu cây” với sự tham gia của hàng ngàn trẻ em. Ikea đã mang tới một trường học ở UAE hai chậu cây xanh.

Họ kêu gọi học sinh của ngôi trường này tới dọa nạt, mắng chửi, chê bai một chậu cây, và dành những lời khen ngợi, thể hiện tình yêu thương với cây còn lại.

Ikea cho biết, thí nghiệm này được thực hiện để hưởng ứng ngày Chống bắt nạt thế giới vừa qua.

Hai chậu cây được chăm sóc trong 30 ngày, với điều kiện giống nhau. Chỉ khác nhau là một cây ngày nào cũng có người đến mắng chửi, còn cây kia luôn được nghe những lời yêu thương. Một thí nghiệm nho nhỏ, chỉ để chứng minh một điều lớn lao rằng, đến cây mà còn có những cảm xúc, huống hồ con người.

Đời sống hằng ngày cũng thế thôi, nó cũng sẽ như hai chậu cây trong cuộc thí nghiệm đó. Lời thương quý hay ho dành cho nhau hay những lời dọa nạt dẫm nát đời nhau là do chúng ta quyết định. Bởi chúng ta đang sống, chứ không phải đang tham gia một cuộc thí nghiệm đời mình.

Sao cứ phải hành hạ đời nhau... Ảnh minh họa
Sao cứ phải hành hạ đời nhau... Ảnh minh họa.

Hôn nhân trong vũng lầy đen tối

Chẳng phải vô cớ khi ngày càng có nhiều khóa học về tư duy tích cực ra đời, trong đó một học phần không nhỏ luyện chúng ta nói những lời tích cực. Cũng như cái cây trong cuộc thí nghiệm kia, bản thân mỗi chúng ta, khi nói một lời tiêu cực, cơ thể sẽ tiết ra những chất độc hại và tích tụ lại đó. Và người nghe cũng vậy, những lời tệ hại sẽ vô tình nhấn chìm họ cả một cuộc đời, dù đôi khi người nói cũng không có chủ ý.

Trung là giảng viên một trường cao đẳng dân lập, mọi người nhìn vào đều thấy anh có một gia đình hạnh phúc, công việc ổn định, vợ đẹp con ngoan. Nhưng với Hoa - vợ anh, thì chưa bao giờ như thế. Mười năm anh quyết tâm “trả thù” vợ bằng những lời nói ghê gớm nhất, chỉ vì một lần đến đón chị trong một buổi họp lớp, anh thấy chị đứng trong góc tối của dãy hành lang khách sạn trò chuyện với “người cũ”.

Mặc chị giải thích, anh vẫn một mực không tin. Từ đó, anh tấn công chị thường xuyên bởi mọi lời lẽ mang tính sỉ nhục. Chị đi đâu về, anh lại hỏi: “Đi ngủ với thằng đó về à?”, hoặc “Mày là con đĩ” - khi chị trang điểm chuẩn bị ra ngoài.

Đã mấy lần chị đòi ly hôn nhưng anh không chịu. Sống nơm nớp trong nhà, diễn cho tròn vai một người vợ trong gia đình trí thức hạnh phúc đã khiến chị bị trầm cảm nặng.

Dường như, càng trí thức người ta lại có xu hướng bạo hành tinh thần bạn đời của mình. Họ hiểu luật, hiểu tâm ý bạn đời nên họ biết làm gì để không vi phạm pháp luật, mà bạn đời cứ chết dần chết mòn. Bạo lực tinh thần không dùng vũ lực, họ chỉ dùng lời nói để cào cấu làm đau lòng nhau. Mọi lời sỉ nhục chì chiết nhiều khi còn khiến chúng ta khốn đốn hơn một cái bạt tai.

Hoa tâm sự: “Thà ảnh đánh em vài cái chắc ngủ dậy đôi khi cũng quên, còn hơn ảnh nói những lời mà có đến chết em vẫn còn hận ảnh”. Vì thế mà ngần ấy năm, Hoa héo hon như một cái cây thiếu nước lay lắt bên cạnh chồng mình, khi hằng ngày những lời cay nghiệt được Trung mang ra để “tưới tắm” cho vợ. Thi thoảng lại đóng vai gia đình nền nếp đầm ấm ở các sự kiện của gia đình và bạn bè. Hoa đã một lần tự tử nhưng không thành. 

Theo số liệu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, số vụ bạo lực tinh thần xảy ra từ năm 2012 đến hết 2017 là 51.227 vụ. Số liệu tuy đã cũ, nhưng cũng đủ cho chúng ta một cái nhìn về đời sống hôn nhân, bởi những gì thấy được bằng mắt, đôi khi không phản ánh hết câu chuyện bên trong nó. Mọi người vẫn hay nói với nhau, có hạnh phúc hay không, khi cánh cửa phòng ngủ khép lại mới thực sự biết. 

Thanh Nguyên (Q.6, TP.HCM), một nạn nhân của bạo lực tinh thần từng tháo chạy khỏi nhà mình về quê tận Đắk Lắk trú ẩn. Sau khi ở nhà nội trợ, Nguyên luôn thấy mình sống lệ thuộc vào chồng, mọi thứ đều phải hỏi ý kiến chồng, thậm chí là mẹ chồng.

Mẹ chồng cho gia đình chị mỗi tháng 10 triệu đồng, và bà dường như can thiệp mọi thứ vào đời sống gia đình chị. Có hôm chồng về muộn, chị vừa mở cửa vừa cằn nhằn như bất kỳ bà vợ nào trên đời thì anh cười gằn: “Mày mà cũng dám lên tiếng sao, đồ ăn bám?”.

Chị tự an ủi mình, có lẽ đó là câu nhẹ nhàng nhất chị từng nghe, để biết anh dễ sợ như thế nào khi không tiếc lời sỉ nhục vợ. Sống mãi trong suy nghĩ đó, chẳng thấy mình còn có gì vui hay hào hứng nữa. Những tưởng mình chấp nhận hy sinh sự nghiệp để chu toàn gia đình, chồng sẽ động viên chia sẻ với mình, hiểu và thông cảm cho mình. Đằng này, anh lại nhấn chìm chị xuống mấp mé địa ngục. 

Hôn nhân để được hạnh phúc thực sự cần rất nhiều yếu tố để tạo dựng nên, nhưng hôn nhân địa ngục đôi khi chỉ cần những lời nói thóa mạ dìm nhau vào tăm tối. Nói lời hay, biết cách động viên, ứng xử tử tế với bạn đời, là cả một nghệ thuật.

Ảnh minh họa
 Những lời thóa mạ sẽ dìm nhau vào tăm tối. Ảnh minh họa

Lời nào yêu thương còn đọng trên môi

John Mordecai Gottman là người “dành cả thanh xuân” để nghiên cứu các cặp đôi, ông có các công trình về sự ổn định hôn nhân và phân tích mối quan hệ thông qua các quan sát khoa học trực tiếp. Ông có thể dự đoán chính xác đến 91% các mối quan hệ tình cảm sẽ chấm dứt nếu như người trong cuộc coi thường, mỉa mai và xúc phạm nhau.

“Khi bạn nói chuyện với người khác bằng sự coi thường và thiếu tôn trọng, bạn có khuynh hướng chỉ trích, xúc phạm… vợ/chồng của bạn sẽ cảm thấy vô dụng, vô nghĩa và muốn mau chóng rời khỏi bạn” - ông phát biểu.

Đặc biệt là phụ nữ, khổ cực thế nào họ cũng có thể vượt qua, nhưng chỉ cần những lời nói làm đau đớn, họ có thể trầm cảm cả đời. Gặp một người phụ nữ ngoài đường, nhìn nguồn năng lượng toát ra từ họ, đôi khi chúng ta cảm nhận được họ đang hạnh phúc bình an.

Lan Khanh (Q.8, TP.HCM), là một cô giáo về hưu, mỗi lần gặp chị, ai cũng cảm thấy chị yêu đời, hứng khởi một cách thừa mứa. Niềm vui đó dường như có được bởi sự ấm áp tử tế từ chồng chị - anh Thiên - một họa sĩ. Anh gặp chị lúc chị vừa chia tay chồng cũ và nuôi một cô con gái bốn tuổi. Con gái của chị đã lập gia đình, có em bé, vẫn một lòng thần tượng ba.

Dù không giàu có danh giá, nhưng anh đã làm được một việc mà hầu như mọi phụ nữ lấy chồng đều mong - được nghe lời tử tế và không có cảm giác tủi thân. Anh khen vợ nấu ăn ngon, dù theo chị thì “cũng thường thôi…”. Anh nói vợ cắt tóc kiểu này trẻ quá. Anh theo chụp hình cho vợ mọi hành trình chỉ để chị vui, anh bảo thích nhìn chị cười qua ống kính của anh. Chị luôn bảo: “Ôi sến chết đi được”, nhưng ai cũng biết chị yêu cái sến đó biết bao.

Rất nhiều người quan niệm rằng, đã là vợ chồng ăn đời ở kiếp, sá chi những lời nói đong đưa. Trái tim đàn bà vốn có sẵn một ngăn dành cho những cảm xúc vu vơ, nghe thôi đã thấy lòng vui hết mấy ngày rồi.

Lời yêu thương trong hôn nhân thực sự rất cần thiết. Sáng thức dậy, tự dưng chồng nói: “Nhìn thì cũng mập đó, nhưng vợ xinh và hấp dẫn mà”, chắc chắn ngày đó vợ đi đâu cũng cười.

Lời yêu thương dành cho nhau giống như một hợp đồng bảo hiểm, nó hiện diện đó cho chúng ta sự an tâm rằng mình được bảo vệ. Hạnh phúc của hôn nhân luôn hiện hữu đâu đó, nếu chúng ta chỉ chịu khó - là chịu khó thôi, rèn cho mình nói những lời dễ nghe, hạn chế những lời lẽ tiêu cực bằng cách nói ngược lại những gì mình đang nghĩ và chuẩn bị nói ra.

Ông bà mình dạy mình uốn lưỡi bảy lần, giờ chúng ta chỉ cần chậm lại chừng năm giây thôi, câu nói sẽ khác đi rất nhiều. 

John Mordecai Gottman từng chia sẻ về vấn đề tiêu cực giết chết hôn nhân: “Cặp đôi tích cực” khác “cặp đôi tiêu cực” ở chỗ các cặp tích cực truyền cho nhau mọi cảm xúc trên dải cảm xúc, từ giận dữ, khó chịu, thất vọng và tổn thương cho đến yêu thương và tôn trọng. Dù đang tranh cãi về vấn đề gì, họ cũng vẫn gửi đi thông điệp rằng: đối phương được yêu thương và được chấp nhận”.

Cuộc sống vốn chẳng nhiều niềm vui, dọa nạt nhau một đời để làm gì cơ chứ. 

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI