"Điểm mù" của chiếc xe hôn nhân

29/06/2020 - 06:00

PNO - Yêu đương, kết hôn là hành trình dài và không ngừng nghỉ, “điểm mù” có hay không?

Người vô hình bất đắc dĩ

Điểm mù, hay nói rộng ra - vùng mù, là cơn ác mộng của mọi hành trình. Đó là vùng không gian ở ngoài xe bị che khuất, không thuộc trường nhìn của người lái xe, dù nhìn trực tiếp hay qua kính chiếu hậu. Vì vậy, người điều khiển xe không thể chủ động tình huống và xử lý kịp thời khi chuyển làn, rẽ trái, rẽ phải… dễ gây hậu quả nghiêm trọng. 

Hình minh hoạ
Yêu đương và kết hôn là hành trình không ngừng nghỉ. Hình minh hoạ

Trong hôn nhân, “điểm mù” là khi mình không thấy vai trò, phẩm chất và điều tích cực của bạn đời trong cuộc sống chung. Khi đó, bạn đời hóa vô hình trong nhà, chẳng phải do họ có thuật tàng hình, mà là không được mình nhìn nhận.

Chị Tố Quỳnh (Q.Gò Vấp) được cho là có số nhờ chồng. Ngay trong đám cưới, ông chồng mời bạn bè nâng ly và nói oang oang: “Các bạn yên tâm. Tôi sẽ lo cho Quỳnh từ A tới Z”. Chồng chị Quỳnh là nhà thầu xây dựng, chủ lực kinh tế gia đình. Chị Quỳnh ở nhà nội trợ, phụ chồng làm sổ sách và thỉnh thoảng bán hàng online. Về sống chung, chị Quỳnh mới biết “lo cho vợ từ A tới Z” là thế nào, câu này đồng nghĩa với việc người được thọ ơn chồng thì không có quyền đòi hỏi được coi trọng hay quan tâm.

Ngày nọ, chồng nói với bạn nhậu, tại nhà mình, bên bàn ăn mà chị Quỳnh kỳ công chăm chút, rằng: “Không có tao thì nó ra đứng đường, chứ sống sao nổi”. Hiểu “nó” chính là mình, chị Quỳnh vẫn lầm lũi trong bếp làm cho xong món mới bưng lên. Nhiều lần không xung đột nhiều, chồng chị vẫn tức giận xưng hô mày tao và sỉ nhục chị trước mặt con cái. Khinh rẻ vợ, anh ta quên mất những đóng góp thầm lặng của vợ cho gia đình. 

Chưa bao giờ chồng chị Quỳnh tự hỏi, nếu không có vợ chăm sóc nhà cửa, con cái, quán xuyến mọi chuyện, thì đồng tiền anh ta làm ra có tích lũy được không? “Điểm mù” là anh ta chỉ thấy công lao của mình, xem vợ là vô giá trị. Đến một ngày, công việc của anh gặp khó khăn do đối tác lớn trở kèo, anh phải sống nhờ vào đồng tiền chị Quỳnh kiếm được qua bán hàng online, anh ta mới nhận ra lâu nay mình “mù”, và hình ảnh người vợ tảo tần hiện lên ngày một rõ ràng. 

Càng ngồi cao càng khó thấy nhau
Cũng còn may cho nhà chị Quỳnh, có nhiều người đàn ông, dù có thất chí vẫn “mù” khi nghĩ mình là “trời”, vẫn hoạnh họe vợ rằng: “Tao kiếm nhiều tiền về thì tao chỉ việc rung đùi ngồi ăn”. Lúc này nhiều khả năng bà vợ sẽ “bừng sáng”, nhìn thấy cái “điểm mù” bao quanh ông chồng mà lo chạy tháo thân kẻo bị đè bẹp. Tình nghĩa vợ chồng khó cứu vãn nếu chưa kịp nghiệm ra câu “có không quý, mất đừng tìm”. Khi “nửa kia” đã rời xa, để lại một khoảng trống không gì bù đắp nổi, họ mới giật mình nhận ra “nửa kia” quan trọng nhường nào.

Cuộc hôn nhân nào cũng có những điểm mù, tài xế khéo lái sẽ biết cách xử lý những điểm mù đó. Ảnh minh họa
Cuộc hôn nhân nào cũng có những "điểm mù", tài xế khéo lái sẽ biết cách xử lý những "điểm mù" đó. Ảnh minh họa

Không chỉ về đóng góp tài chính, công sức, tầm mắt vẫn bị chắn khi vợ/chồng nhìn nhận về lòng chung thủy của nhau; về mục đích sống, cơ hội phát triển sự nghiệp, lòng đam mê; về trách nhiệm với gia đình nội ngoại… Do ở góc nhìn hẹp, lý trí bị che khuất, người trong cuộc dễ nhìn phiến diện và có hành động không phù hợp, chất chứa lâu ngày khiến tình cảm phai nhạt.

Vì sao hôn nhân có “điểm mù”? Chị Đặng Phương (nhân viên một công ty truyền thông ở Q.3, TP.HCM) mượn hình ảnh xe container hay xe tải lớn cứ lừng lững từ trên cao như hung thần, khuất tầm nhìn phía dưới nên nó mù. Còn ở tầm thấp như xe máy hoặc đi bộ, thì nhìn đâu cũng thấy hoặc vẫn có điểm mù nhưng ít hơn. 

Theo chị Đặng Phương, hôn nhân có “điểm mù” vì cái tôi của mỗi người quá lớn nên không nhìn thấu và hiểu người kia. Họ áp đặt quan điểm, suy nghĩ, đòi hỏi được đáp ứng. Khi người ta không quan sát nhau, không nhìn nhau, không lắng nghe nhau, thì tức khắc sẽ mù về nhau. Cái tôi càng cao thì vùng mù càng rộng và người phối ngẫu sẽ càng thấp kém, bé mọn, không xứng đáng để mình lưu tâm, trân trọng.

Thực ra trong hôn nhân, kể cả cái tôi to đùng hay sự nhún nhường quá mức cũng tạo ra những điểm mù - chỉ thấy ta mà không nhìn thấy người. Cái tôi to thì ngạo nghễ, bề trên, ban ơn, đòi hỏi, áp đặt. Còn cái tôi bé thì bi lụy, oán trách mà không tìm hiểu vì sao nên nỗi. 

Người ở trên không kịp thấy hoặc chủ quan không nhìn, người ở dưới thì không biết hoặc coi thường “điểm mù”. Nên chuyện đè bẹp có hay không là trên cơ sở những điều ấy cộng lại. Nếu chỉ nhìn qua vai nhau, hay hờ hững bước vì cuộc sống hôn nhân đã thành thói quen, thì ta tức khắc đặt nhau vào vùng mù đầy hiểm họa. 

Cho rằng hôn nhân không có “điểm mù”, anh Trần Nhân (Q.Thủ Đức) khẳng định: “Chỉ là mình có chịu nhìn hay không. Hễ chịu nhìn là sẽ thấy, đã thấy thì sẽ quý trọng và giữ gìn. “Điểm mù” nếu có cũng chỉ để nhắc ta cẩn trọng. Ta tự vấn liệu khoảng cách của ta và bạn đời có an toàn hay không, ta đã hiểu đúng về bạn đời chưa, liệu có ý nghĩ nào là mù quáng, hành động chủ quan, hồ đồ không? Vì ích kỷ, đa số có xu hướng không thừa nhận cái sai của mình, thấy toàn cái sai của đối phương. Nên mù ở đây là mù về vị tha, về chia sẻ.

Và cách “phòng, chống mù” không có gì khác hơn là lắng nghe, nhìn rộng, tập nhìn cả từ góc độ của người kia”. 

Tô Diệu Hiền

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI