Các nước bước vào cuộc đua sản xuất khẩu trang

09/03/2020 - 06:47

PNO - WHO yêu cầu các ngành công nghiệp và chính phủ tăng sản lượng khẩu trang thêm 40% để tránh tình trạng thiếu hụt, tăng giá.

 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, thế giới cần thêm 89 triệu khẩu trang để phục vụ công tác chống dịch COVID-19. WHO yêu cầu các ngành công nghiệp và chính phủ tăng sản lượng thiết bị y tế này thêm 40% để tránh tình trạng thiếu hụt, tăng giá.

Tăng cường sản xuất giữa sự thiếu hụt

Tại một nhà máy sản xuất khẩu trang nằm bên ngoài thủ đô Seoul của Hàn Quốc, các công nhân đang sản xuất 300.000 khẩu trang mỗi ngày nhưng vẫn chưa đủ. 

Các công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất khẩu trang ở Incheon hôm 6/3 - Ảnh: Reuters
Các công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất khẩu trang ở Incheon hôm 6/3 - Ảnh: Reuters

Năm 2019, Trung tâm Sản xuất Icheon CNTUS-Sungjin Co. Ltd. đã đưa ra thị trường 30 triệu khẩu trang. Năm nay, giữa dịch COVID-19, cơ sở đã cung cấp 19 triệu sản phẩm chỉ trong vòng hai tháng. Tuy nhiên, Kim Kyung-sig - người đứng đầu trung tâm - cho biết, nhà máy sẽ hết nguyên liệu sau 20 ngày nữa, đồng thời ước tính các nhà máy ở Hàn Quốc chỉ có thể sản xuất khoảng 10 triệu khẩu trang mỗi ngày tại một đất nước 50 triệu dân.

Trên khắp châu Á, sự lây lan của COVID-19 tạo nên một cuộc chạy đua sản xuất khẩu trang ở các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cũng như ở những nước sợ rằng sẽ là ổ dịch tiếp theo. Một số chính phủ, như Úc và Singapore, đã kêu gọi công dân không mua hoặc đeo khẩu trang y tế trừ khi họ bị bệnh. Các quốc gia khác, như Hàn Quốc, đã phát động chiến dịch thông tin công khai để khuyến khích mọi người đeo khẩu trang. Hai luồng thông điệp mâu thuẫn đã gieo rắc sự nhầm lẫn về cách chống lại dịch bệnh. Một số chuyên gia cho rằng, việc xử lý sai khẩu trang thậm chí có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Nhưng dù chính sách của chính phủ thế nào, thực tế, đã có nhiều báo cáo về sự khan hiếm khẩu trang, thậm chí một số bệnh viện không thể mua đủ sản phẩm thiết yếu này cho nhân viên của mình. 

Tại Hàn Quốc - nơi đã chứng kiến sự bùng phát dịch bệnh lớn nhất bên ngoài Trung Quốc - chính phủ đã áp đặt các biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu khẩu trang và kêu gọi các nhà máy tăng sản lượng. Khẩu trang được sản xuất tại trung tâm CNTUS-Sungjin đã tăng giá bán tại xưởng từ 650 won (0,55 USD) lên 1.100 won (0,93 USD). 

Các quốc gia khác cũng đang chạy đua để tăng nguồn cung cấp khẩu trang. Hôm 3/3, chính phủ Thái Lan đã phê duyệt khoản kinh phí 225 triệu baht (7,16 triệu USD) để sản xuất 50 triệu khẩu trang vải trong vòng 10 ngày. Singapore thì cho biết, họ đang tìm cách phát triển sản xuất khẩu trang địa phương vì các quốc gia khác đã cấm xuất khẩu khẩu trang.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Thiết bị y tế Indonesia - Ahyahudin Sodri - cho biết, Indonesia có bảy nhà sản xuất khẩu trang y tế lớn. Các công ty đã tăng sản lượng lên 50-70% nhưng vẫn đang chật vật để đáp ứng nhu cầu, vốn tăng hơn 100% so với năm 2019. Các nhà sản xuất Indonesia cũng đang chuẩn bị cho sự thiếu hụt nguyên liệu thô, chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, tâm chấn của vụ dịch COVID-19. Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước - Erick Thohir - cho biết, chính phủ đang cố gắng tìm kiếm các lựa chọn thay thế sau khi cắt giảm tỷ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng nếu chuyển nguồn nguyên liệu sang châu Âu, giá cả sẽ leo thang.

Hỗ trợ từ khối tư nhân

Cuối tháng 2/2020, gã khổng lồ điện tử Nhật Bản Sharp tuyên bố sử dụng một nhà máy sản xuất ti vi để sản xuất khẩu trang y tế trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Công ty mẹ Foxconn đã làm điều tương tự ở Trung Quốc để cung cấp cho công nhân của mình từ dây chuyền sản xuất linh kiện cho iPhone. 

Các phòng khử trùng cao cấp của Sharp tại Nhật Bản sẽ sản xuất 150.000 khẩu trang/ngày trong vòng vài tuần do nguồn cung trong nước đã cạn kiệt. Tuy nhiều chuyên gia cảnh báo, những chiếc khẩu trang như vậy chỉ giúp chống lại tro bụi núi lửa hoặc phấn hoa mùa xuân, một trong những nguyên nhân gây dị ứng và bệnh hô hấp; chúng khó có thể chống lại dịch bệnh lây nhiễm. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hứa đảm bảo nguồn cung cấp 600 triệu khẩu trang mỗi tháng.

Tại Thái Lan, Tập đoàn Charoen Pokphand (CP) quyết định chi 100 triệu baht (32.000 USD) để xây dựng một nhà máy sản xuất khẩu trang. Sau quá trình xây dựng kéo dài năm tuần, nhà máy sẽ có khả năng sản xuất khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang mỗi tháng. Những khẩu trang này sẽ được cung cấp miễn phí cho các bệnh viện và nhân viên y tế chống lại sự lây lan của vi-rút cũng như cho những người khó khăn. Tập đoàn CP, với mạng lưới đầu tư mở rộng trên toàn thế giới, sẽ mua máy móc và nguồn nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh để sản xuất khẩu trang. 

Tại Trung Quốc, một số doanh nghiệp sản xuất bộ phận ô tô như SAIC-GM-Wuling Automobile (SGMW), Guangxi Defu Technology đã chuyển sang sản xuất khẩu trang từ đầu tháng 2/2020, với 14 dây chuyền sản xuất mới cho cả khẩu trang y tế và khẩu trang N95, tạo ra trung bình 1,7 triệu sản phẩm mỗi ngày. 

Tấn Vĩ (theo BBC, Reuters, Bangkok Post, CNA)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI