Các nhà máy toàn cầu chật vật tìm cách vượt qua bất ổn thuế quan

05/05/2025 - 11:30

PNO - Ngành sản xuất toàn cầu đang suy yếu vì cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với các nhà máy tìm cách tự xoay sở vượt qua khó khăn.

Công nhân sản xuất đồ dùng nhà hàng và đồ nấu nướng tại một nhà máy nhỏ ở Quảng Châu, Trung Quốc, vào ngày 9/4 - Ảnh: Qilai Shen/The New York Times
Công nhân sản xuất đồ dùng nhà hàng và đồ nấu nướng tại một nhà máy nhỏ ở Quảng Châu, Trung Quốc, vào ngày 9/4 - Ảnh: Qilai Shen/The New York Times

Các chỉ số quản lý mua hàng trên khắp châu Á, cùng với các số liệu được điều chỉnh ở châu Âu vào ngày 2/5, cho thấy sự suy giảm mới hoặc kéo dài trong hoạt động của nhà máy vào tháng 4/2025.

Các báo cáo phản ánh một loạt các tín hiệu đáng lo ngại: Rất ít nền kinh tế tránh được sự tác động của thuế quan và sự bất ổn đã nhấn chìm nền kinh tế thế giới một tháng sau khi tổng thống Trump công bố mức thuế rộng rãi đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ.

Các số liệu đầu tuần cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ đã giảm mạnh nhất trong 5 tháng, đồng thời các nhà máy của Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng suy giảm sâu nhất kể từ tháng 12/2023.

James Knightley - chuyên gia kinh tế quốc tế tại tập đoàn tài chính ING (Hà Lan) - cho biết: "Tâm lý nhà máy khó có thể thay đổi cho đến khi có sự rõ ràng về hướng đi của thuế quan, điều này có thể mất thời gian. Bản chất lúc tăng lúc giảm của thuế quan đang tạo ra sự bất ổn lớn và điều đó khiến các doanh nghiệp phải ngồi im. Họ sẽ không đưa ra quyết định lớn cho đến khi họ tự tin rằng sẽ không có sự thay đổi ngay lập tức nào khác trong môi trường kinh tế".

Trước khi những chỉ số ban đầu về suy thoái xuất hiện, sự lo ngại về triển vọng kinh tế của thế giới đã xuất hiện ở Washington khi các giám đốc tài chính tập trung tại các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng trước.

Sau khi cắt giảm triển vọng tăng trưởng, giám đốc của IMF - Kristalina Georgieva - đã cảnh báo rằng khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu sẽ tăng lên nếu sự bất ổn vẫn tiếp diễn.

Bây giờ, bằng chứng đang thể hiện rõ hơn về một đòn giáng đồng bộ mà nền kinh tế thế giới có thể phải vật lộn để thoát ra, ngay cả khi việc tái cấu trúc thương mại quốc tế mà Nhà Trắng theo đuổi thành công thông qua các thỏa thuận song phương giúp xóa bỏ rào cản thương mại, hoặc đình chỉ việc áp dụng các mức thuế cao hơn.

Theo công ty S&P Global, chỉ số của các công ty sản xuất lớn trong khu vực, bao gồm Hàn Quốc và Đài Loan, đã giảm mạnh trong bối cảnh đơn đặt hàng giảm và cắt giảm sản lượng. Ở Đông Nam Á, hoạt động kinh doanh đã giảm ở Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Trong bối cảnh chung ảm đạm, Ấn Độ là một ngoại lệ với sự mở rộng hoạt động kinh doanh.

Một tia sáng lạc quan khác trong tương lai gần xuất hiện ở khu vực đồng euro, nơi chỉ số sản xuất toàn cầu của S&P đạt mức cao nhất trong 32 tháng. Nhưng chỉ số này vẫn nằm trong vùng suy thoái và chỉ có triển vọng chi tiêu mạnh về tái vũ trang quân đội của khu vực giúp duy trì sự lạc quan.

Nhà kinh tế trưởng Cyrus de la Rubia của Ngân hàng Thương mại Hamburg (Đức) cho biết trong một bài bình luận: "Hoạt động công nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế quan của Mỹ. Các nhà sản xuất rõ ràng đã có thể mở rộng biên lợi nhuận của mình vào tháng 4/2025, khi giá mua giảm, trong khi giá bán tăng với tốc độ nhanh nhất trong 2 năm".

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng bất kỳ sự cải thiện nào cũng có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do sự chuyển hướng thương mại mà thuế quan đang gây ra. Ông de la Rubia nói thêm: "Chính sách thuế quan của Mỹ có khả năng khiến hàng hóa Trung Quốc được cung cấp rộng rãi hơn ở EU, làm gia tăng sự cạnh tranh".

Các số liệu cho thấy chỉ số sản xuất toàn cầu của JPMorgan về sản lượng tương lai đã giảm vào tháng 4 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022.

Công nhân vận hành máy may tại một nhà máy ở tỉnh Bình Thuận, Việt Nam vào ngày 10/4 - Ảnh: Bloomberg
Công nhân vận hành máy may tại một nhà máy ở tỉnh Bình Thuận, Việt Nam vào ngày 10/4 - Ảnh: Bloomberg

Trong khi đó, các nhà sản xuất hàng hóa ở các thị trường mới nổi cũng bị ảnh hưởng.

Tại Nam Phi, các nhà sản xuất trở nên ảm đạm hơn, đổ lỗi cho sự bất ổn do thuế quan toàn cầu và căng thẳng chính trị trong nước.

"Niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng sản lượng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm, trong bối cảnh lo ngại về chính sách thuế quan của Mỹ và điều kiện kinh tế trong nước", Alberto Ramos - nhà kinh tế trưởng về khu vực Mỹ Latinh tại tổ chức Goldman Sachs Group - báo cáo.

Gene Seroka - giám đốc điều hành của Cảng Los Angeles (Mỹ) – tiết lộ, các nhà bán lẻ và nhà máy của Mỹ sẽ bị gián đoạn trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, xét đến thời gian các công ty phải định tuyến lại chuỗi cung ứng của mình để tránh mức thuế 145% của Mỹ đối với hầu hết hàng hóa Trung Quốc.

Linh La (theo Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI