Các nhà lãnh đạo thế giới “đi tiên phong” trong việc phối trộn vắc xin COVID-19?

23/07/2021 - 16:25

PNO - “Phớt lờ” lời khuyên của các cơ quan y tế, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Ý Mario Draghi đã chọn vắc xin tiêm mũi thứ hai là một loại khác, sau khi mối nghi ngờ về hiệu quả chống biến thể Delta của vắc xin AstraZeneca lan rộng.

 

Thủ tướng Canada Justin Trudeau tiêm mũi vắc xin AstraZeneca đầu tiên hồi tháng 4/2021 - Ảnh: CP/Bloomberg
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tiêm mũi đầu tiên là vắc xin AstraZeneca hồi tháng 4/2021 - Ảnh: CP/Bloomberg

Trong một xu hướng đang phát triển khắp châu Âu, sau khi tiêm mũi vắc xin đầu tiên là adenovirus (AstraZeneca), ba nhà lãnh đạo đã quyết định tiêm mũi thứ hai là vắc xin mRNA.

Thủ tướng Merkel và Thủ tướng Trudeau chọn tiêm vắc xin thứ hai là Moderna, còn Thủ tướng Ý Draghi chọn Pfizer, tất cả họ đều bỏ qua lời khuyên của các cơ quan y tế có thẩm quyền, trong đó có Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), rằng không nên coi các vắc xin này “có thể thay thế cho nhau”.

Phối trộn và kết hợp các loại vắc xin khác nhau - một thực hành “ngoài chỉ dẫn” không được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủng hộ - là xu hướng đang phổ biến ở Canada và 15 quốc gia châu Âu, nó cũng bắt đầu được quan tâm ở Mỹ.

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều câu hỏi về tính an toàn và hiệu quả của phương pháp trộn vắc xin.

“Chúng ta đang trong một màn sương mờ mịt và mơ hồ về bằng chứng, nó giống như màn sương của chiến tranh”, Tiến sĩ Eric Feigl-Ding, thành viên cấp cao Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), nói với trang tin Yahoo News.

Cựu giám đốc quản lý khủng hoảng của WHO Daniel López-Acuna, có văn phòng tại Tây Ban Nha, nơi đang diễn ra các trường hợp phối trộn vắc xin, nói rằng có quá ít bằng chứng cho thấy “cách làm này hợp lý hay không”. Ông López-Acuna nói thêm, “chúng ta đang ở trong vùng xám từ góc độ bằng chứng cần thiết để đưa ra một quyết định đúng đắn”.

Hôm 22/7, tranh cãi trở nên phức tạp sau khi Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) công bố một báo cáo cho thấy việc pha trộn các liều vắc xin có thể tạo ra một “phản ứng mạnh mẽ” chống lại COVID-19. Báo cáo khẳng định việc phối trộn hai loại vắc xin - adenovirus và mRNA - “tạo ra phản ứng (kháng thể) mạnh mẽ chống lại SARS-CoV-2 và tạo ra phản ứng tế bào T cao hơn so với các kết hợp tương đồng”.

Karam Adel Ali, chuyên gia chính sách về các bệnh truyền nhiễm của ECDC, nói với Yahoo News: “Việc kết hợp như vậy tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, nhưng nó có thể gây nhiều tác dụng phụ hơn, may mắn là lịch trình phối trộn nhìn chung được dung nạp tốt”.

Theo báo cáo, các nghiên cứu khác gần đây, kể cả của chính phủ Đức, kết hợp này thậm chí có thể tốt hơn trong việc tăng cường khả năng miễn dịch so với hai liều của cùng một loại vắc xin, đặc biệt là AstraZeneca, mà nghiên cứu sơ bộ cho thấy ít hiệu quả hơn vắc xin mRNA (Moderna, Pfizer) trong việc chống lại các biến thể Delta và Beta.

 

Vắc xin AstraZeneca được bảo quản trong tủ lạnh tại một trung tâm tiêm chủng ở London - Ảnh: SOPA/LightRocket
Vắc xin AstraZeneca được bảo quản trong tủ lạnh tại một trung tâm tiêm chủng ở London - Ảnh: SOPA/LightRocket

WHO không ủng hộ việc phối trộn các loại vắc xin, trừ trường hợp nguồn cung ban đầu bị gián đoạn.

Tiến sĩ Siddhartha Datta, giám đốc chương trình về các bệnh có thể phòng ngừa và chương trình tiêm chủng của WHO châu Âu, cho biết: “WHO khuyến cáo nên tiêm cả hai liều của phác đồ tiêm chủng hai liều, cách nhau một khoảng thời gian theo khuyến nghị để được bảo vệ tốt nhất”, ông nhấn mạnh, “WHO khuyến cáo nên sử dụng cùng một loại vắc xin cho cả hai liều”.

Thanh Hải (theo Yahoo News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI