Bữa cơm gia đình

07/05/2015 - 16:52

PNO - PN - Vợ chồng tôi ít có dịp ăn cơm cùng nhau. Đó là khi các con đứa vào lớp 3, đứa lớp 1. Tôi bận bịu, chồng tôi tranh thủ nhiều chuyện bên ngoài, nên hiếm khi có bữa cơm chung. Buổi sáng, tôi đưa các con ra ngoài ăn sáng. Trưa, các con ăn ở trường. Chiều, hôm nào mệt thì tạt mua thức ăn sẵn bên ngoài. Về nhà, tôi lấy thức ăn ra tô cho các con, rồi bật ti vi. Các con vừa xem vừa ăn, có vẻ như tụi nhỏ ăn nhanh hơn, và ít cãi nhau như khi ngồi chung mâm. Trong lúc các con ăn tối, tôi làm được một số việc, sau đó tôi “dồn” các loại thức ăn vào một tô cho... khỏe. Chồng tôi thường về trễ, ít khi ăn cơm nhà.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hè nào về quê ngoại, thằng anh lớn đều bảo vui nhất là khi ăn cơm. Nó bảo suốt buổi, con chẳng thấy các dì các cậu đâu. Hễ tới mười hai giờ trưa hoặc sáu giờ chiều, ai cũng tập trung đông đủ dưới nhà bếp. Bà ngoại nói vui “các cậu dì con... đánh hơi được í mà”. Nó hồn nhiên hỏi “thiệt hả ngoại?”, rồi thật thà kể: nhà con ai cũng mỗi người một tô, hiếm khi ngồi ăn cùng như nhà ngoại. Tôi liền bị mẹ rầy la về chuyện ấy. Mẹ nói, dù có bận bịu mấy cũng phải tổ chức bữa ăn gia đình, ít nhất là một lần trong ngày.

Bua com gia dinh

Hồi sống cùng ba mẹ, trong bữa cơm tôi thường nghe ba mẹ dặn dò vài điều đơn giản cần làm, những câu chuyện tếu... Nhà đông con, thời buổi khó khăn, nhưng trong bữa cơm tôi chưa thấy không khí căng thẳng bao giờ. Có lẽ nhờ thế mà mọi người ai cũng ngon miệng, dù chỉ là rau dưa đạm bạc. Hoặc nếu ba “nổi nóng” lúc chuẩn bị giờ cơm, mẹ tôi thường nói “trời đánh tránh bữa ăn”, là ba tôi... nguội liền.

Trong bữa cơm, người này xới cơm cho người kia, con cá chiên xẻ ra nhiều miếng, mỗi người mỗi ít, vậy mà vẫn nhường nhau. Rồi thì chuyện thời sự, học hành, những sự kiện diễn ra trong ngày, mà ngay cả đứa trẻ như tôi cũng được tham gia ý kiến. Hay khi thành viên nào có những biểu hiện cảm xúc khác lạ, sẽ được phát hiện ngay, và chia sẻ kịp thời. Nhớ lúc chuẩn bị giờ cơm, người dọn chén đũa, người xới cơm ra bát, người múc thức ăn, mỗi người mỗi tay, rôm rả mời mọc, vừa vui vừa thể hiện trách nhiệm.

Tôi giải thích với mẹ: mẹ đông con, con cháu không học bán trú, các anh chị làm việc gần nhà. Hơn nữa, việc nhà nông tuy tới mùa bận rộn, nhưng cơm nước phải đâu ra đó, đúng giờ, nên bữa ăn gia đình dễ tổ chức hơn, nhưng mẹ tôi không đồng ý. Bà bảo bằng mọi cách phải kêu gọi chồng sắp xếp việc riêng, nhất định phải có mặt trong bữa ăn chung nhằm gắn kết tình cảm, trách nhiệm mọi thành viên trong nhà.

Người vợ/mẹ có vai trò rất lớn trong việc tổ chức bữa cơm gia đình, còn là người hiểu khẩu vị từng người, có thể thường xuyên thay đổi món ăn, hay bổ sung dưỡng chất để các con cảm thấy không đâu bằng cơm nhà mẹ nấu. Bữa cơm gia đình sẽ rất ấm áp nếu mọi người có mặt đầy đủ, trẻ con có thể phụ mẹ lấy mâm, dọn chén, hay như việc phân bố vị trí thức ăn trên bàn, trẻ con cũng rất thích. Nhớ lại ngày nhỏ, tôi hay giành phần chia đũa: đũa này của ba, đũa này của mẹ, chén này của chị, của anh..., và thấy mình “được việc” lắm.

Con trai tôi mới học lớp 3, đã tỏ ra cảm nhận những thú vị quanh bữa ăn gia đình. Tôi bàn với chồng, điều chỉnh lại việc làm, sinh hoạt, để có những bữa cơm ấm cúng, mọi người cùng nhau trò chuyện, sẻ chia nhiều điều.

 PHI KHANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI