Bớt cằn nhằn cha mẹ một chút, được không?

22/09/2020 - 12:44

PNO - Khi cha mẹ còn khoẻ, tâm lý chung của chúng ta là hay cố chấp, hờn dỗi. Cho đến khi họ đau bệnh nằm đó, ta mới thực sự hoảng hốt...

1. Chúng tôi - một nhóm bạn trong ngoài 40, Bắc Trung Nam có đủ - không hẹn mà mỗi khi gặp nhau đứa nào cũng kể chuyện “ông bà già” mình với một mớ cảm xúc hỗn độn trong đầu.

Mẹ tôi từ một người phụ nữ mạnh mẽ, sẵn sàng chống chọi mọi thứ để con cái được ăn học đàng hoàng. Khi ấy, tưởng chừng như chẳng có gì trên cuộc đời này có thể làm bà sợ mà chùn bước, bỗng nhiên về già hay hờn dỗi. Những hôm tôi có công việc đi từ trưa đến tối, về nhà kiểu gì cũng nghe mẹ mếu máo đi đâu bỏ bà ở nhà cả ngày, làm tôi mệt đầu ghê gớm.

Bạn tôi kể cha mẹ anh là “chuyên gia” lấy của đứa giàu chia cho đứa nghèo. Trời thương cho sự nghiệp của anh hanh thông nên hằng tháng xông xênh gửi tiền về biếu cha mẹ, thế nhưng ông bà chẳng dám tiêu xài mà để dành cho gia đình đứa con nghèo hơn. Xin mở ngoặc, gia đình em gái anh chỉ nghèo hơn anh thôi chứ không phải khó khăn, chật vật. Ngoài tiền, mẹ anh còn hay điện thoại bảo anh nhà hư tủ lạnh, máy giặt, ti vi…

Lâu lâu anh về thăm, mới biết không có món nào hư cả. Chỉ là khi anh thay cái mới, thì cái cũ ngay lập tức chuyển sang nằm chễm chệ bên nhà em anh. Bao nhiêu lần anh giải thích rằng anh chỉ có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ, còn gia đình em anh phải tự lo cho cuộc sống của mình. Nhưng lần nào nói đến chuyện này, anh bạn tôi cũng đều bị cha mẹ giận hết mấy ngày. 

Chị bạn trong hội thì kể trong tiếng thở dài. Vợ chồng chị ở với mẹ ruột chị. Đang yên ổn, một ngày tự nhiên bà đòi ăn riêng. Rơi vô tình huống này chị không có cách giải quyết nào cho thỏa. Để bà ăn riêng thì bà cho rằng con cái không còn lo cho mình nữa, bảo bà ăn chung thì ngày nào bà cũng càm ràm tại sao không cho bà ăn theo cách bà muốn.

Anh bạn khác trong hội đã trót là tiến sĩ y khoa, một năm đi Tây đi Tàu mấy bận, chỉ ở Việt Nam vài tháng. Đi thì thôi, ở nhà với mẹ mỗi lần thấy bà làm gì chưa đúng mà góp ý đều bị bà kê ngay một câu: “Tôi biết anh học cao hiểu rộng nên tôi làm gì anh cũng chê là ngu dốt” khiến anh á khẩu. Chưa hết, nói xong bà giận bỏ cơm mấy bữa.

Mẹ của chị bạn khác nữa cứ hễ con cái nói gì phật ý là lén soạn áo quần bỏ nhà đi. Bao nhiêu bận con cái xúm nhau đi tìm khắp nơi mới đem được về. Mà có chuyện gì to tát, đôi khi chỉ là nhắc bà ăn cơm lúc bà chưa muốn ăn, bảo bà đi tắm lúc bà chưa muốn tắm…

2. Chúng ta đón những cơn stress từ chuyện vặt vãnh khi cha mẹ bước vào tuổi già cũng giống như cha mẹ stress với chúng ta khi còn nhỏ vì ta lười ăn, hay vứt đồ chơi bừa bãi… Người ta nói “già trẻ như nhau” để nói con người ta càng về già càng giống trẻ con, nhưng tâm trạng của những đứa con thấy cha mẹ già đi đương nhiên khác hẳn khi nuôi con cái lớn lên từng ngày.

Với con cái, chúng ta nuôi con với niềm tin rồi chúng sẽ nên người. Với cha mẹ, chúng ta chăm sóc với nỗi sợ rồi một ngày ông bà chẳng còn nhận ra mình nữa, chẳng còn tự ăn uống hay tự đi vệ sinh được nữa. Khi cha mẹ bắt đầu lẩm cẩm, chậm chạp dần, ta chưa thể quen. Đôi khi ta bực mình với sự chậm chạp, cáu gắt với sự lẩm cẩm, để rồi ngay lập tức áy náy vì nhớ ra cha mẹ đã già. Có lẽ cho đến khi cha mẹ mất hẳn trí nhớ, con cái mới biết chấp nhận mà chiều chuộng những người đã sinh ra mình. 

Cậu đồng nghiệp của tôi, lần nào về quê cũng hỏi mẹ: “Má nhớ con là đứa nào không?”, hầu như lần nào bà cũng bẽn lẽn lắc đầu. Hỏi xong cậu cười toét miệng: “Không biết đứa nào cũng không sao, đại nương, lên xe đèo ra chợ một vòng chơi nè”. Suốt đoạn đường chở mẹ đi chơi, hễ lúc nào bà nhớ ra: “Thằng T. chở má đi chợ hả” là cậu mừng hết biết, nước mắt vắn dài: “Đúng rồi, má giỏi quá, thằng T. đây”.

Anh bạn tôi quê Thanh Hóa, một ngày về quê thăm cha, vừa bước vô nhà bỗng nghe ông hỏi: “Anh là ai vậy? Anh đến đây kiếm ai?”, không ai mắng mà nước mắt anh thi nhau rơi không cách gì cầm lại.

Tình cảm con người ở Tây, ở Tàu, ở ta, trong phim ngoài đời đều từa tựa nhau, dù sống trong hình thái xã hội hay gia cảnh khác nhau. Trong một tập của series phim Midnight Diner (Quán nửa khuya) của Nhật kể về nam diễn viên đóng phim khiêu dâm đã rất lâu không về nhà vì gia đình không chấp nhận công việc của anh.

Sau 20 năm, anh về thăm mẹ, bàng hoàng vì bà không còn nhận ra anh, nhưng ký ức của bà luôn có đứa con đang sống ở Tokyo rất thích ăn salad khoai tây. Anh bạn người Úc của tôi đưa cả gia đình sang Việt Nam sinh sống, được nửa năm thì hay tin mẹ anh bị tai biến, cả nhà lại kéo nhau về nước để chăm sóc bà. 

Tâm lý chung của những đứa con là khi cha mẹ còn cứng cáp ta hay cố chấp, hờn dỗi. Cho đến khi họ đau bệnh nằm đó, hay lúc không còn nhận ra những đứa con của mình, ta mới thực sự hoảng hốt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

3. Tôi cùng hội bạn tìm câu trả lời cho những câu hỏi: Vì sao già trẻ như nhau? Vì sao người ta về già lại đổi tính? Có người nói rằng đó là quy luật của ông trời, khiến người già hay hờn giận, cáu bẳn, trở nên khó tính… để những đứa con bớt thương tiếc khi cha mẹ qua đời. Nhưng có lẽ không phải, mất cha mẹ tuổi nào chẳng đau.

Rồi có người hỏi: “Liệu một đứa con nhìn sức lực và trí nhớ của cha mẹ vơi đi từng ngày thì hạnh phúc hơn hay đau buồn hơn đứa con có cha mẹ qua đời khi còn minh mẫn?”. Ôi chịu, quả là những câu hỏi hóc búa. Nhưng vẫn phải hỏi để tự nhắc mỗi ngày bớt cằn nhằn mẹ cha mình một chút, một chút. Rồi tới lúc, mình cũng sẽ già như họ. Chứ đâu phải hỏi là để tìm một câu trả lời. Làm sao có câu trả lời chính xác cho thứ trừu tượng như tình cảm con người kia chứ. 

An Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI