Bộ Y tế sửa sai, thị trường thuốc y học cổ truyền vẫn nhiễu loạn

27/07/2021 - 13:57

PNO - Giữa lúc dịch bệnh hoành hành, nếu không tỉnh táo, người dân sẽ dễ dàng trở thành miếng mồi cho những kẻ trục lợi.

 

Dù chưa có bằng chứng khoa học khẳng định khả năng điều trị COVID-19, nhưng trên mạng xã hội, một sản phẩm không phải thuốc vẫn ngang nhiên "nổ" công dụng điều trị để bán

Một ngày sau khi Bộ Y tế thu hồi công văn 5944/BYT-YDCT hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu trong phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 vì “có một số nội dung không phù hợp”, các nhà thuốc, nhà bán hàng online vẫn tiếp tục “nổ” về công dụng điều trị, hỗ trợ điều trị COVID-19 của các loại “thần dược” này nhằm "thổi" giá sản phẩm.

Trên quảng cáo, các nhà bán hàng vẫn dẫn công văn 5944 ngày 24/7, nêu tên Bộ Y tế để khẳng định tác dụng chữa COVID-19 của sản phẩm, nhấn mạnh rằng sản phẩm của mình đã được sử dụng tại các vùng tâm dịch như Bắc Ninh, Bắc Giang, TPHCM.

Giữa lúc dịch bệnh đang hoành hành ở TPHCM, các tỉnh thành phía Nam và đang có nguy cơ lan ra cả nước, rất nhiều người dân đã có tâm lý tự phòng vệ, đổ xô đi mua thiết bị y tế, các sản phẩm được cho là có tác dụng kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cũng như điều trị COVID-19. Kết quả là những sản phẩm này bị đứt hàng, bị đẩy giá vô tội vạ. Theo khảo sát của phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, các loại “thuốc” như Xuyên tâm liên, Viên hộ gan Kingphar, Hoạt huyết Nhất Nhất… đều bị thổi giá lên gấp 2-3 lần, cá biệt có loại tăng gấp 5 lần và gần như luôn trong tình trạng hút hàng.

Có lẽ không cần phải nhắc lại rằng có những sản phẩm trong danh mục 12 loại thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu trong công văn 5944 chỉ là thực phẩm chức năng và cho đến nay chưa hề có bất cứ nghiên cứu khoa học nào xác nhận khả năng điều trị COVID-19 của chúng. Chưa kể, một sản phẩm trong danh mục như thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir lại là sản phẩm đã bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo từ năm 2020.

Theo cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm, “không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị COVID-19”.

Hiện nay, những hãng dược hùng mạnh và uy tín nhất thế giới cũng chỉ mới nghiên cứu lâm sàng đến giai đoạn 3 các loại thuốc điều trị COVID-19 nên đương nhiên chúng cũng chưa được phê duyệt, chưa có mặt trên thị trường. Việc người dân đổ xô đi mua thuốc cổ truyền nhằm trị COVID-19 chỉ khiến cho những kẻ bất lương hăm he trục lợi từ dịch bệnh thỏa ước nguyện.

Vẫn biết, trong tình cảnh cả thế giới đang oằn mình chống chọi với đại dịch và chưa có loại thuốc nào tiêu diệt được SARS-CoV-2 thì việc mỗi người dân phải cố gắng gìn giữ sức khỏe, tuân theo các hướng dẫn từ cơ quan chức năng là cần thiết và hết sức quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, việc hướng dẫn sử dụng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng chưa được thử nghiệm đầy đủ, chưa có cơ sở khoa học là hết sức nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng lẫn nền kinh tế.

Đã có tình trạng bệnh viện thiếu trang thiết bị y tế trong khi những sản phẩm đó đang được tích trữ vô ích tại nhà nhiều người dân đang khỏe mạnh. Đã có tình trạng loạn giá của những sản phẩm không có tác dụng gì với virus. Thế nên điều cần kíp là mỗi người dân cần theo dõi các kênh thông tin chính thống, tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng thay vì hoảng loạn và tin theo những quảng cáo bán hàng trên mạng để rồi tiền mất, tật mang.

Một y sĩ đông y, sau khi đi khảo sát các nhà thuốc và phải mua một hộp Hoạt huyết Nhất Nhất với giá 150.000 đồng làm bằng chứng đã thở dài, nói: “Thực phẩm bổ não mà cũng được quảng cáo chữa COVID-19, mà người dân cũng tin, cũng ào ào đi mua. Hết biết!”.

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI