Bất an với “con đường tơ lụa kỹ thuật số” của Trung Quốc

30/10/2020 - 06:36

PNO - Trung Quốc đang nhanh chóng vượt lên tốp đầu về các công nghệ tiên tiến như: trí tuệ nhân tạo, nhận dạng khuôn mặt, công nghệ giám sát và 5G… Nhưng, các nhà phân tích cảnh báo, công nghệ của Trung Quốc thường đi kèm mặt trái.

Huawei quảng cáo các dịch vụ 5G tại PT Expo ở Bắc Kinh tháng 10/2019 - Ảnh: AP
Huawei quảng cáo các dịch vụ 5G tại PT Expo ở Bắc Kinh tháng 10/2019 - Ảnh: AP

Tạp chí Tin tức quốc tế của Đài Phát thanh công cộng PRI (Mỹ) mới đây có bài viết phân tích thực chất khái niệm “con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc trên không gian mạng và đưa ra những cảnh báo về ý đồ sâu xa của Bắc Kinh.

Để chinh phục người Mexico, các nhà tiếp thị Tập đoàn Viễn thông Huawei đã tài trợ cho đội bóng đá nổi tiếng tại địa phương, có tên là Club America. Adriana Moreno - Trưởng bộ phận tiếp thị và truyền thông của Huawei khu vực Mỹ Latinh - nói: “Đây là một khoản đầu tư đáng đồng tiền của công ty”.

Không lâu sau, người Mexico từ chỗ chế nhạo các sản phẩm Trung Quốc rẻ tiền và chất lượng kém đã chuyển sang cổ vũ cho đội bóng có logo Huawei trên áo. Họ bỏ tiền mua nhiều điện thoại Huawei hơn và hài lòng với đồng tiền đã bỏ ra.

Không dừng bước, Huawei tiếp tục vận động để được xây dựng mạng viễn thông 5G đầu cuối cho Mexico cũng như khắp châu Mỹ Latinh và thế giới, thông qua quảng bá khả năng cung cấp mạng 5G “tất cả trong một” - một phần quan trọng của “con đường tơ lụa kỹ thuật số” mà Trung Quốc đang theo đuổi.

Trước đó, thế giới đã biết đến Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc - xây dựng đường bộ, đường sắt, bến cảng, đường ống và đặt cáp quang trên khắp thế giới. Tầm nhìn của Bắc Kinh là tạo ra một mạng lưới thương mại và quyền lực toàn cầu mới, với trung tâm là Trung Quốc.

Khi sản phẩm và công nghệ của Trung Quốc lan tràn ra thế giới, người sử dụng thích sự bóng bẩy và chi phí thấp, nhưng các chuyên gia cho rằng, công nghệ của Trung Quốc là nhằm tăng cường sự giám sát và phụ thuộc vào chính quyền. Họ kêu gọi sự hợp tác toàn cầu để “tạo ra một hệ sinh thái công nghệ bảo vệ quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận”.

Ngay từ năm 2012, chính phủ Mỹ đã kêu gọi tránh xa Huawei, với lý do thiết bị của Trung Quốc có mối nguy về bảo mật. Tháng 7/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Mỹ đã thuyết phục nhiều quốc gia không sử dụng Huawei “vì chúng tôi cho rằng, nó có nguy cơ không an toàn về an ninh”. Washington cũng đã cấm Huawei sử dụng công nghệ do Mỹ sản xuất, bao gồm cả chất bán dẫn.

Người ta lo ngại, thiết bị của Huawei có thể chứa các lỗ hổng, hoặc mở đường cho cơ quan an ninh Trung Quốc truy cập vào dữ liệu của người dùng.

Mỹ cho rằng, dù Huawei phủ nhận thiết bị của họ có “cổng hậu”, họ cũng phải tuân thủ Luật Tình báo quốc gia Trung Quốc (được thông qua năm 2017). Theo đó, các công dân và tổ chức Trung Quốc, bao gồm cả các công ty, phải giúp các cơ quan tình báo Trung Quốc khi được yêu cầu.

Ông Xiao Qiang - công dân Mỹ gốc Trung Quốc, người sáng lập China Digital Times - nói:  “Nếu bạn sử dụng công nghệ Trung Quốc, dữ liệu của bạn không chỉ nằm trong tay các công ty tư nhân như Google hay Apple mà còn nằm trong tay chính phủ Trung Quốc”.

Ông Qiang khẳng định, đó là một nguy cơ nếu các nước ký kết tham gia “con đường tơ lụa kỹ thuật số” của Trung Quốc cho dù Trung Quốc lắp đặt mạng 5G hay đơn giản chỉ là hệ thống camera giám sát “thành phố thông minh”. Ông nói, rủi ro còn đến cả ở cấp độ cá nhân đối với người dùng các ứng dụng như TikTok và WeChat - hai ứng dụng mà chính quyền Trump đang nỗ lực hạn chế hoặc kiểm soát việc sử dụng ở Mỹ.

“Con đường tơ lụa kỹ thuật số” của Trung Quốc là thứ đáng sợ. Với chiêu bài giá rẻ, Trung Quốc đã đưa điện thoại thông minh của họ đến tay hàng trăm triệu người ở các nước đang phát triển, đồng thời nhanh chóng tạo ra các mạng viễn thông để kết nối với nhau, thành một “con đường” với quy mô ngày càng lớn để chinh phục thế giới. 

Hoàng Diệu (theo PRI)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI