Báo động nạn lạm dụng tình dục trong bóng đá thế giới

05/03/2022 - 13:03

PNO - Trong những năm gần đây, nhiều vụ cáo buộc lạm dụng tình dục trong lĩnh vực bóng đá tại một số quốc gia trên thế giới đã được phanh phui. Tuy nhiên, FIFA và các quan chức địa phương trong lĩnh vực này đã không có các biện pháp xử lý triệt để, khiến cho không ít nạn nhân không những bị ảnh hưởng sự nghiệp mà còn bị đe dọa tính mạng.

Sau tất cả những gì đã trải qua, Roseline (tên của nhân vật đã được thay đổi) - một nữ trọng tài bóng đá của Haiti - cảm thấy mình đã rất may mắn khi sống sót.

Tờ The Guardian đã nhận được các cáo buộc của hơn 40 trường hợp lạm dụng hoặc quấy rối tình dục nghiêm trọng trong bóng đá cấp cao hoặc quốc tế ở nhiều quốc gia
Tờ The Guardian đã nhận được các cáo buộc của hơn 40 trường hợp lạm dụng hoặc quấy rối tình dục nghiêm trọng trong bóng đá cấp cao hoặc quốc tế ở nhiều quốc gia

Đầu tháng 10/2020, Roseline cho biết đã bị người đàn ông, mà cô buộc tội lạm dụng tình dục cô, đe dọa. Việc này xảy ra 2 ngày sau khi Roseline cung cấp bằng chứng chống lại Rosnick Grant - một cựu trọng tài quốc tế, đồng thời là Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Haiti và Chủ tịch Ủy ban trọng tài của nước này - cho các thành viên của “ban điều tra bất thường” thuộc Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA), chuyên điều tra các cáo buộc lạm dụng tình dục.

“Họ nói với tôi rằng sẽ đảm bảo giữ bí mật việc này, nhưng bằng cách nào đó nó đã bị rò rỉ ra ngoài, và tôi đã nhận được những lời dọa sẽ bị sát hại”, Roseline cho biết.

FIFA đã phủ nhận việc rò rỉ thông tin về các cáo buộc do Roseline đưa ra, đồng thời khẳng định rằng, sở dĩ Roseline đã bị nhắm tới là vì tên của cô thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông địa phương.

Roseline đã gọi cho một thành viên trong ban điều tra của FIFA để được trợ giúp, nhưng 48 giờ sau cô mới nhận được phản hồi. “Trong thời gian đó, tôi đã được một người bạn giúp đỡ, đưa tôi đến nơi an toàn, và nhờ vậy, tôi vẫn còn sống sót”, cô kể lại với tờ The Guardian.

Vài tuần trước đó, FIFA cũng đã nhận được một lá thư từ một nữ trọng tài khác ở Zimbabwe - Muzwudzani (không phải tên thật), người cho biết đã bị Obert Zhoya - thành viên cấp cao của ban kỹ thuật thuộc Hiệp hội bóng đá Zimbabwe (ZIFA), và là Tổng thư ký Ủy ban trọng tài của ZIFA - quấy rối tình dục nhiều lần.

Zhoya đã không trả lời yêu cầu bình luận của The Guardian.

Muzwudzani cũng đã cung cấp bằng chứng về những cáo buộc của mình cho cơ quan quản lý bóng đá thế giới,  Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF), Hội đồng các hiệp hội bóng đá Nam Phi. Vụ việc hiện đang được cảnh sát Zimbabwe điều tra, do FIFA đã chuyển vụ việc cho CAF xử lý, với lý do rằng họ “không có thẩm quyền điều tra và phán xét những hành vi như vậy”.

Muzwudzani đã không tham giám sát một trận đấu nào kể từ đó, trong khi Zhoya vẫn ung dung tiếp tục công việc của mình.

“Tôi đã hy vọng rằng một ngày nào đó tôi sẽ lọt vào danh sách các trọng tài của FIFA. Lẽ ra tôi đã có thể chơi bóng lưới hoặc bóng đá, nhưng tôi đã chọn làm trọng tài vì tôi yêu thích công việc này. Tôi đã từng nhìn các trọng tài làm việc và tôi ngưỡng mộ họ. Và tôi từng mơ ước một ngày nào đó, tôi cũng sẽ ở các vị trí của họ, được mặc một bộ quần áo có bốn chữ FIFA trên đó.  Nhưng ai đó đã lấy đi ước mơ này của tôi rồi”, Muzwudzani tâm sự.

Câu chuyện của Muzwudzani, được công bố vào tháng Giêng năm nay, chỉ là một ví dụ mới nhất trong một loạt các cuộc điều tra về cáo buộc lạm dụng hoặc quấy rối tình dục trên khắp bóng đá thế giới, mà The Guardian đang thực hiện.

Khalida Popal - cựu trưởng bộ phận bóng đá nữ tại Liên đoàn bóng đá Afghanistan
Khalida Popal - cựu trưởng bộ phận bóng đá nữ tại Liên đoàn bóng đá Afghanistan

Cũng tại Afghanistan, đã gần 4 năm kể từ khi Saima (tên của nhân vật đã được thay đổi) đến Jordan để tham gia một trại huấn luyện với đội tuyển bóng đá nữ của quốc gia này. Chuyến đi do Khalida Popal - cựu trưởng bộ phận bóng đá nữ tại Liên đoàn bóng đá Afghanistan (AFF), người đã buộc phải trốn khỏi đất nước vào năm 2016 và xin tị nạn ở Đan Mạch - tổ chức.

Theo Popal, 2 nam quan chức được AFF cử đi cùng đội đã nhiều lần bắt nạt, quấy rối cô và các cầu thủ khác. “Những kẻ này đã gọi điện vào phòng của các nữ cầu thủ và đòi ngủ với họ. Các quan chức AFF còn nói với các nữ cầu thủ rằng, sẽ đưa họ vào danh sách đội tuyển quốc gia, và sẽ trả cho họ 100 bảng Anh mỗi tháng, nếu họ đồng ý làm mọi thứ theo yêu cầu của các quan chức này. Các cô gái đã bị các quan chức AFF thúc ép và cưỡng bức”, Popal cho biết.

Vài tuần sau, Saima và 8 cầu thủ khác bất ngờ bị loại khỏi đội tuyển quốc gia và bị buộc tội là đồng tính nữ. Chủ tịch AFF, Keramuudin Karim - người đã đảm bảo với Popal rằng ông sẽ có “hành động nghiêm minh” đối với các cáo buộc quấy rối ở Jordan - lại được cho là đã đánh một trong các nữ cầu thủ bằng một gậy chơi bi-da, sau khi có tin cho biết cô đang muốn đưa câu chuyện của mình lên các phương tiện truyền thông

Tại Anh, Andy Woodward - cựu cầu thủ của câu lạc bộ bóng đá Crewe - đã bị huấn luyện viên Barry Bennell lạm dụng trong nhiều năm. Bennell là một trong số 13 cựu huấn luyện viên các đội bóng trẻ đã bị tống vào tù sau khi tờ The Guardian vạch trần tình trạng lạm dụng phổ biến trong bóng đá Anh diễn ra trong những năm 1970 và 1980.

The Guardian đã nhận được các cáo buộc của hơn 40 trường hợp lạm dụng hoặc quấy rối tình dục nghiêm trọng trong bóng đá cấp cao hoặc quốc tế ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Argentina, Úc, Colombia, Costa Rica, Gabon, Mông Cổ, Tây Ban Nha, Mỹ và Vennezuela. Không phải vụ việc nào cũng được báo cáo cho FIFA.

Nạn nhân bị lạm dụng trong bóng đá thế giới bao gồm trẻ em gái, phụ nữ trẻ, các bé trai và nam thanh niên. Những nạn nhân này đến từ các quốc gia nơi những người bị buộc tội thường là những người có thế lực, khiến họ khó đưa ra các cáo buộc khi bị lạm dụng. “Và nếu có báo cáo cho FIFA thì việc thuyết phục cơ quan này lắng nghe cũng là một quá trình gian khổ đối với các nạn nhân và gia đình của họ”, The Guardian nhận định.

Những nạn nhân sống sót ở Afghanistan và Haiti cho biết, không những cáo buộc của họ bị xem thường, mà thậm chí tính mạng của họ còn bị đe dọa.

Một phát ngôn viên của FIFA cho biết tất cả các khiếu nại đều được “xử lý một cách cẩn trọng nhất và với độ tin cậy cao nhất”.

“FIFA đã và đang hỗ trợ và giúp đỡ các nạn nhân để đảm bảo an toàn cho họ, cũng như cho các nhân chứng đã đưa ra lời khai trong các vụ quấy rối và lạm dụng đạo đức trong tổ chức này. Sự hỗ trợ này bao gồm, nhưng không giới hạn, làm việc với các chuyên gia địa phương để cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý, chăm sóc y tế, tìm nơi ẩn náu an toàn”, người phát ngôn của FIFA nói.

Tuy nhiên, theo The Guardian, một người từng tham gia vào cả hai cuộc điều tra liên quan đến Roseline và Muzwudzani nói rằng, “trong hầu hết mọi trường hợp, các quan chức FIFA đều làm sai thủ tục, quy trình, và để cho sự việc đi lòng vòng”.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI