Băn khoăn với đề xuất xử phạt vi phạm giao thông cao nhất 150 triệu đồng

16/05/2025 - 07:07

PNO - Với đề xuất trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức xử phạt vi phạm giao thông cao nhất đối với cá nhân là 150 triệu đồng và với tổ chức là 300 triệu đồng.

Muốn tăng mức phạt, phải hoàn thiện hạ tầng giao thông

Sáng 15/5, trong khuôn khổ kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã nghe trình bày tờ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cảnh sát giao thông TP Hà Nội lập biên bản xử phạt người vi phạm giao thông - ẢNH: NAM VIỆT
Cảnh sát giao thông TP Hà Nội lập biên bản xử phạt người vi phạm giao thông - Ảnh: Nam Việt

Thẩm tra dự thảo luật, ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội - cho biết, dự thảo luật quy định, mức phạt tiền ở TP Hà Nội và nội thành các thành phố trực thuộc trung ương có thể cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội, văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm.

Theo luật hiện hành, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đối với cá nhân là 75 triệu đồng và tổ chức là 150 triệu đồng. Với đề xuất mới, mức xử phạt giao thông cao nhất với cá nhân có thể lên tới 150 triệu đồng và với tổ chức là 300 triệu đồng. Theo ông Hoàng Thanh Tùng, quy định nâng mức xử phạt ở TP Hà Nội tối đa không quá 2 lần so với mức chung đã được quy định trong Luật Thủ đô. Riêng quy định khu vực nội thành các thành phố trực thuộc trung ương như trong dự thảo luật là chưa thực sự phù hợp, không khả thi và khó xác định.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, nên cân nhắc việc tăng mức phạt, bởi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, lại sửa chữa liên tục, bảng chỉ đường loạn xạ, dễ dẫn tới lỗi không đáng có. “Tôi ủng hộ việc tăng mức phạt để pháp luật nghiêm minh hơn, nhưng phải đúng hoàn cảnh thực tế. Nếu tăng mức phạt thì song song đó, cần bổ sung quy định không xử phạt trên các tuyến đường đang sửa chữa, thi công hoặc có rào chắn ảnh hưởng tới tầm nhìn” - ông đề xuất.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (TP Huế) lại cho rằng, mức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ hiện hành đối với cá nhân cao nhất là 75 triệu. Đây là mức khá cao nhưng trên thực tế, vẫn có các hành vi vi phạm. Theo bà, với các trường hợp cố tình không tuân thủ pháp luật, cần xử phạt nghiêm minh và việc tăng mức phạt lên gấp đôi là không cao so với những tác động của hành vi gây ra cho kinh tế, xã hội. Đi kèm với quy định, cần có phương tiện và công cụ thực hiện để không tạo bất công và phản ứng trong xã hội. Bà nói: “Cần xác định ranh giới cụ thể giữa nội thành và ngoại thành để áp mức phạt mới như dự thảo luật đề xuất, nhất là sau khi sáp nhập tỉnh, thành”.

Người lao động lấy đâu ra tiền đóng phạt?

Theo Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (TP Hà Nội), việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã cho thấy hiệu quả của việc tăng mức xử phạt. Đánh vào túi tiền luôn tạo hiệu quả tức thì nhưng cũng cần tính toán sao cho phù hợp thu nhập bình quân. Đời sống của nhiều người dân ở vùng nông thôn, miền núi còn rất khó khăn. Do đó, mức phạt ở các vùng trong nước, trong cùng một tỉnh, thành cần khác nhau và cần có lộ trình phù hợp để áp dụng.

Quốc hội nghe thẩm tra dự thảo luật sáng 15/5 - Nguồn ảnh: Media Quốc hội
Quốc hội nghe thẩm tra dự thảo luật sáng 15/5 - Nguồn ảnh: Media Quốc hội

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM về đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm giao thông trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, anh Phạm Khánh Vinh - chạy xe ôm công nghệ ở TP Hà Nội - cho rằng, mức xử phạt theo Nghị định 168/2024 (có hiệu lực từ đầu năm 2025) đã quá cao và người dân đã nghiêm chỉnh chấp hành luật khi tham gia giao thông: “Nếu tăng mức phạt lên quá cao, người dân không đủ tiền nộp phạt đành chấp nhận bỏ phương tiện”. Theo anh, chỉ nên tăng mức phạt đối với các hành vi coi thường pháp luật, như đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, chở quá tải, chạy ngược chiều trên đường cao tốc, lái xe khi đã uống rượu, bia.

Ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho rằng, mức xử phạt hiện nay đã khá cao, nếu tăng nữa sẽ không phù hợp với khả năng nộp phạt của người dân. Ông dẫn chứng, mức thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam năm 2024 chỉ khoảng 7,7 triệu đồng/người/tháng. Do đó, đề xuất mức phạt cao gấp 10-20 lần mức thu nhập bình quân đầu người là không hợp lý. Theo ông, cần cân nhắc để mức phạt vừa giúp nâng cao ý thức giao thông của người dân, vừa đảm bảo khả năng chấp hành quyết định xử phạt.

Theo luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (TP Hà Nội) - việc đề xuất tăng gấp đôi mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm trong lĩnh vực giao thông ở một số địa phương thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật giao thông trong xã hội. Tuy nhiên, mức phạt hiện hành đã cao so với thu nhập của số đông người dân. Vì vậy, các nhà làm luật cần phải cân nhắc kỹ lưỡng mức xử phạt đối với từng hành vi để phù hợp với thực tế cũng như khả năng đóng phạt. Các văn bản pháp luật cũng cần quy định chi tiết các hành vi và mức xử phạt tương ứng để người dân và người thi hành công vụ nắm rõ, thực hiện.

Muốn răn đe, không nhất thiết tăng mức phạt

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - muốn răn đe, không nhất thiết phải phạt nặng mà quan trọng là lực lượng chức năng cần xử lý vi phạm thường xuyên hơn nữa thay vì chỉ thực hiện mạnh theo từng đợt. Việc thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ làm cho ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao, văn hóa tham gia giao thông từng bước được hình thành và duy trì.

Ông nhận xét, nhiều tuyến đường hiện nay có đèn tín hiệu trục trặc, biển báo mờ, khuất tầm nhìn hoặc bố trí bất hợp lý khiến tài xế không cố ý mà vẫn vi phạm và bị xử phạt. Khi đặt ra mức phạt cao, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có trách nhiệm nâng cấp hạ tầng và tổ chức giao thông một cách hợp lý, minh bạch, đảm bảo tốt nhất cho người tham gia giao thông, tránh trường hợp vi phạm do cơ sở hạ tầng giao thông gây ra.

Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, cơ quan chức năng cần có phương án kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực như người vi phạm bỏ lại phương tiện hoặc thỏa thuận chung chi với người xử phạt. Để việc tăng mức phạt đạt hiệu quả và nhận được sự đồng thuận cao từ người dân, cần lấy ý kiến rộng rãi trong dân.

Các trường hợp được bán phương tiện vi phạm hành chính

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính bổ sung quy định xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ trong trường hợp hết thời hạn tạm giữ mà đối tượng vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận và không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu.

Nội dung sửa đổi theo hướng quy định cụ thể những trường hợp cho phép bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ. Cụ thể như: thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ thời điểm bị tạm giữ và không có điều kiện bảo quản kỹ thuật phù hợp; dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng; có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Những quy định này góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khắc phục tình trạng tồn đọng, quá tải trong bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thời gian qua, đồng thời giúp tránh thất thoát, lãng phí tài sản.

Nam Việt - Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI