Bạn gọi

27/02/2013 - 16:54

PNO - PN - Hai mẹ con ăn tiếp đi nhé, anh chạy ra đây một tí. Nói rồi, chồng đứng dậy dắt xe máy ra cửa, vợ nhìn theo mà buồn trong lòng.

Ban goi

Vợ không nhớ đã bao nhiêu lần chồng như thế. Cứ bạn gọi là đi, ngay cả khi đang ăn cơm cùng với vợ con. Nếu có việc quan trọng, gấp gáp thì vợ cũng chẳng trách, đằng này nhiều khi chỉ là ra quán tụ tập cho… đủ hội. Cái “bệnh” này của chồng ngày càng trầm trọng.

Nhớ Tết đầu tiên vợ theo chồng về quê, dâu mới cái gì cũng bỡ ngỡ, lại thêm sự trêu chọc của mọi người khiến vợ ngượng ngùng. Những khi vợ đang lúi húi nhóm bếp than hay lóng ngóng với cái gàu múc nước dưới giếng mà ngẩng lên thấy chồng đứng bên cạnh chỉ dẫn thì vợ cũng yên tâm vì nghĩ bất cứ lúc nào vợ cần, vẫn có chồng bên cạnh. Thế nhưng, loáng một cái chồng biến mất, hỏi mẹ thì mẹ lắc đầu: Thằng N. vừa qua gọi đi “quây chiếu” rồi. Vợ còn lớ ngớ chưa hiểu chuyện gì thì mẹ giải thích: Chắc mấy thằng lại tụm năm tụm ba đánh phỏm. Đến bữa cũng chẳng thấy chồng về. Điện thoại di động hồi đó chưa có, mẹ phải đi một vòng quanh xóm tìm nhưng không biết chồng ngồi ở nhà nào nên đành quay về giục vợ dọn cơm. Vợ vừa ăn vừa ngóng. Tối muộn, chồng về, thấy vợ hờn dỗi thì rối rít xin lỗi: Mấy thằng bạn học cấp III, mấy năm rồi mới gặp nhau nên không dứt ra được.

Từ ngày cưới đến nay, đã không biết bao nhiêu lần chồng khiến vợ buồn lòng rồi vợ chồng cãi nhau, bất hòa cũng chỉ vì cái tính ham vui đó. Nhớ lần chồng chở vợ đi khám thai, lúc bác sĩ gọi vợ vào phòng khám, vợ cứ lo ngay ngáy vì gần tháng sinh rồi mà con chẳng chịu quay đầu. Lúc siêu âm, bác sĩ thông báo ngôi thuận, vợ sung sướng ra khoe nhưng ngó quanh ngó quất chẳng thấy chồng đâu. Gọi điện cũng không thấy chồng nghe máy. Vợ hết đứng lại ngồi, sốt ruột chờ cả tiếng đồng hồ mới thấy chồng đến, lại gãi đầu gãi tai phân bua: Chờ không thấy vợ ra, đúng lúc thằng H. gọi rủ đi cà phê nên chạy ù ra ngồi với nó tí.

Vợ không phải là người khắt khe. Vợ hiểu ngoài công việc, gia đình, mỗi người ai cũng cần có một khoảng thời gian dành cho những mối quan hệ xã hội, nhưng tất cả đều phải có chừng mực và giới hạn. Cứ bạn gọi là đi, sự vội vã khiến chồng nhiều khi không thấy ánh mắt ngơ ngác, buồn buồn của con khi bố bỏ dở bữa cơm và cả tiếng vợ gọi với theo sau lưng chồng. Nếu quan tâm và để ý đến cảm nhận của những người xung quanh, vợ nghĩ chồng sẽ hành xử khác. Và, nếu để ý, chồng sẽ thấy dạo này mỗi khi bố đi, con không còn chạy theo để hỏi bố đi đâu, bao giờ về… Vợ sợ đến một ngày, không chỉ con mà ngay cả vợ cũng sẽ không còn cảm thấy trống vắng và mặc nhiên chấp nhận sự ra đi của chồng như một thói quen không thể từ bỏ được.

Thỉnh thoảng tâm sự với đứa bạn thân, nó bảo: Hay là chồng cậu có cô nào đó ở ngoài? Sống với nhau ngần ấy năm, vợ hiểu và tin chồng. Vợ biết chồng không phải là người có tính trăng hoa nhưng ham vui, thích giao lưu, mà mỗi khi chồng đã muốn đi, vợ có muốn giữ cũng không được. Chồng hãy nghĩ xem chúng ta sống cùng một mái nhà, nhưng thời gian một ngày dành cho nhau được bao nhiêu khi sáng dậy mở mắt là tất bật với công việc, con cái đến trường cả ngày, chỉ duy nhất bữa cơm tối cả nhà sum họp. Ngay cả ngày nghỉ, mấy khi được một ngày trọn vẹn dành cho nhau.

Đôi khi chỉ cần từ chối một cuộc gọi là có thể dành trọn thời gian cho gia đình bên mâm cơm đầm ấm, điều này không quá khó khăn phải không chồng?

Thu Đức

Từ khóa Bạn gọi
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI