Bài dự thi Những bức ảnh trong đời: Suốt 40 năm mang theo lời dặn dò

21/07/2023 - 10:24

PNO - “Thưa cô, em mong được chụp một tấm ảnh cùng cô. Cô là người em ngưỡng mộ bấy lâu và biết cô qua báo chí”. Bộ trưởng vui vẻ trả lời: “Được, em lại đây”.

Cách đây 40 năm, tôi là một thầy giáo trẻ mới vào nghề. Nhờ ba dạy, tôi biết chút ít về nhiếp ảnh. Thời đó, rất ít người có máy chụp hình.

Một chiều cuối năm 1982, tôi được thông báo của Ty Giáo dục Đồng Tháp đi theo một đoàn công tác của cấp trên và ghi lại hình ảnh hoạt động của đoàn để làm tư liệu cho ngành. Lãnh đạo nhắc kỹ đây là nhiệm vụ đặc biệt, quan trọng, nên chú ý hoàn thành tốt.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình và các lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành giáo dục Đồng Tháp
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình và các lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành giáo dục Đồng Tháp

Hôm đó, tôi thấy vị phó chủ tịch tỉnh và trưởng ty bước đến tận xe đón khách. Một phụ nữ trung niên, trang phục nghiêm túc, áo sơ mi trắng, quần âu, đi đôi hài nhung màu đen, miệng nở nụ cười, nhanh nhẹn bước xuống xe. Bà ân cần bắt tay, chào hỏi các thành viên ra đón rồi vào ngay văn phòng. Qua cách xưng hô của lãnh đạo, tôi biết người khách đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình.

Bà rất thân thiện khi gặp gỡ lãnh đạo cũng như thầy cô đang thực dạy ở cơ sở. Bà tỏ ra băn khoăn khi thấy nhà trẻ thuộc sự quản lý của Ủy ban Bảo vệ bà mẹ - trẻ em. Bà nói sáp nhập nhà trẻ vào ngành giáo dục mầm non sẽ hợp lý hơn, khi đó các cô nuôi mới được xếp vào ngạch giáo viên. Tiêu chuẩn, chế độ, đãi ngộ, bồi dưỡng chuyên môn sẽ phù hợp. Bà gửi gắm mong muốn của Chính phủ là tỉ lệ trẻ ra lớp ngày càng cao, giáo dục mầm non phải là cái nôi cho trẻ phát triển về sau.

Thăm Trường trung học Sa Đéc, bà nhấn vào sự quan trọng của việc giảng dạy ngoại ngữ, để đào tạo một lớp học sinh dễ hội nhập với thế giới. Bà chia sẻ, khi tham dự Hội nghị Paris, bà đối thoại với các bên mà không cần phiên dịch.

Đến huyện Tháp Mười, bà vào tận các lớp học còn dấu tích của nước ngập trên tường. Bà nhắn nhủ chính quyền địa phương nên ưu tiên xây dựng trường lớp để học sinh không bỏ học trong mùa lũ. Bà tỏ mối quan tâm về việc bảo vệ tính mạng trẻ trong mùa lũ. Ngành giáo dục phải nghĩ đến và tổ chức các điểm trường mẫu giáo tập trung để cha mẹ yên tâm sản xuất, lao động. Bà chia sẻ nỗi buồn và lo lắng vì tình trạng đuối nước hằng năm ở trẻ em còn cao.

Ngày đoàn về, tôi có mặt sớm ở Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Tháp để tiếp tục làm nhiệm vụ. Sau những lời chào tạm biệt với mọi người, bà bước ra xe. Tôi suy nghĩ “Bây giờ hay là không bao giờ nữa” rồi bước đến thật nhanh bên bà, nói: “Thưa cô, em có một đề nghị muốn nói với cô”. Tôi chọn cách xưng hô như một học sinh với cô giáo chứ không phải như công chức đối với một lãnh đạo cấp cao.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình và  tác giả - tấm ảnh được một lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chụp năm 1982
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình và tác giả - tấm ảnh được một lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chụp năm 1982

Bà nở nụ cười, bảo tôi: “Em cứ nói”. “Thưa cô, em mong được chụp một tấm ảnh cùng cô. Cô là người em ngưỡng mộ bấy lâu và biết cô qua báo chí”. Bà vui vẻ trả lời: “Được, em lại đây”. Một lãnh đạo ty giới thiệu với bà tôi là giáo viên. Bà ân cần hỏi thăm tên tuổi của tôi và hỏi về đời sống người giáo viên. Bà khen tôi biết thêm nghề chụp ảnh và dặn dò: “Đảng và Nhà nước sẽ từng bước cải thiện đời sống cho giáo viên. Đã chọn làm thầy, đừng nghĩ đến chuyện làm giàu. Nghề dạy học có nhiều niềm vui trong cuộc sống, xã hội luôn tôn trọng người thầy”.

Nói xong, bà quay qua một vị lãnh đạo ty giáo dục: “Em đây mấy ngày qua đã vất vả phục vụ đoàn. Nay em xứng đáng được phục vụ lại”.

Tôi đứng bên bà. Một lãnh đạo của tỉnh đưa máy ảnh của tôi lên bấm 1 lần. Anh này không biết chụp hình, chưa bao giờ cầm máy, vì thế nên khi tráng phim, thấy có tấm hình tôi với bộ trưởng… hiện ra thiệt tôi mừng hết cỡ.

Tôi đã giữ tấm ảnh ấy cùng lời dặn của bà suốt 40 năm qua. Tôi đã đi hết chặng đường nghề nghiệp với những thành công nhất định. Những gì Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình nói năm xưa, nay nhiều điều đã là hiện thực. Những tấm ảnh tôi chụp năm ấy giờ vẫn còn đây. 

Tác giả dự thi: Nguyễn Hữu Nhân

Mời bạn viết và gửi những tấm hình quý giá đến cuộc thi Những bức ảnh trong đời do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức.

Tác phẩm tham gia cuộc thi vui lòng gửi về:

- Tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM. Ngoài bì thư ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”.
- Hoặc email: nhungbucanhtrongdoi@baophunu.org.vn. Tiêu đề ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”.

Cơ cấu giải thưởng: 

- 1 giải Nhất: 1 máy ảnh Canon Eos R100, trị giá 22.000.000 + 10.000.000 đồng tiền mặt.

- 1 giải Nhì: 1 máy ảnh Canon Powershot V10, trị giá 16.000.000 + 5.000.000 đồng tiền mặt.

- 2 giải Ba: Mỗi giải 3.000.000 đồng tiền mặt.

- 3 giải Khuyến khích: Mỗi giải 2.000.000 đồng tiền mặt.

- 6 giải phụ Tác phẩm được bình chọn nhiều nhất (dựa vào lượt like, share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM và trên website của Báo Phụ Nữ TPHCM, theo mỗi tháng). Mỗi giải 1 máy in Canon G1010, trị giá 3.500.000 đồng. 

Thể lệ cuộc thi xin xem Tại đây

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI