Áo dài trong mỹ thuật: Sự tiếp biến của ngày ấy - bây giờ

10/03/2023 - 06:32

PNO - Áo dài từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác lớn cho giới mỹ thuật Việt Nam. Theo thời gian, đã có không ít tác phẩm hội họa ngợi ca vẻ đẹp của tà áo dài Việt được sáng tác, góp phần đưa thiết kế này đến gần hơn với công chúng.

Áo dài với mỹ thuật Đông Dương 

Mỹ thuật Đông Dương có nhiều chủ đề lớn, trong đó, nhóm tranh vẽ về thiếu nữ Việt với những tà áo dài thướt tha rất được quan tâm. Cho đến nay, bức Chân dung cô Phượng của họa sĩ Mai Trung Thứ là tác phẩm có giá bán công khai cao nhất của mỹ thuật Việt Nam: 3,1 triệu USD. Trong tranh, họa sĩ Mai Trung Thứ vẽ cô Phượng đang mặc áo dài màu xanh ngọc bích cùng quần trắng.

Bức Chân dung cô Phượng của danh họa Mai Trung Thứ -  ẢNH: SOTHEBY’S
Bức Chân dung cô Phượng của danh họa Mai Trung Thứ - Ảnh: Sotheby's 

Không chỉ tranh của Mai Trung Thứ, những họa sĩ cùng thời với ông trong nhóm “bộ tứ tranh Đông Dương” như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm hay Lê Thị Lựu cũng vẽ nhiều tác phẩm ngợi ca vẻ đẹp của thiếu nữ Việt trong tà áo dài. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi, áo dài xuất hiện lần đầu trong tranh Đông Dương ở giai đoạn khoảng cuối thập niên 1930, đầu 1940.

“Thời kỳ đầu, thiếu nữ trên tranh mỹ thuật Đông Dương thường mặc áo tứ thân, khăn mỏ quạ. Khi phong trào vẽ áo dài rộ lên, lập tức các nhà mỹ thuật Đông Dương hợp sức cùng vẽ về một chủ đề. Áo dài trong tranh thời đó còn xa lạ với người dân bởi trang phục này còn ít xuất hiện ngoài đời thường, thành ra, khi đi ngang bức tranh, nhiều người ngẩn ngơ trước những tà áo tôn vinh sự nữ tính” - nhà nghiên cứu Lý Đợi cho biết.

Hiện có 3 trong số 7 bức tranh được xem là bảo vật quốc gia vẽ hình ảnh thiếu nữ mặc áo dài là bức Hai thiếu nữ và em bé của Tô Ngọc Vân vẽ năm 1944; Vườn xuân Trung Nam Bắc của họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ trong gần 20 năm, từ 1969-1989 và bức Dọc mùng cũng của Nguyễn Gia Trí, nhiều tài liệu ghi hoàn thiện năm 1939.

Ngoài ra, nhiều bức thiếu nữ mặc áo dài khác cũng được yêu thích như bức Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân, Thiếu nữ bên hoa phù dung của Nguyễn Gia Trí, Mona Lisa của Mai Trung Thứ... Dù vẽ bằng nhiều chất liệu, vẻ đẹp dịu dàng, yểu điệu của tà áo dài vẫn được tôn vinh tuyệt đối.

Trong nhiều tài liệu cũng như theo kết quả tìm hiểu của mình, Lý Đợi thấy không ít họa sĩ - đơn cử như Lê Phổ hay Mai Trung Thứ - luôn ủng hộ việc phụ nữ Việt có được trang phục riêng, mang dấu ấn riêng của quốc gia, khác với quốc phục của các nước láng giềng. Do đó, họ dần từ bỏ việc vẽ những chủ đề quen thuộc để theo đuổi một thiết kế mà họ cho rằng đủ sức tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ. Đến khi sang Pháp sinh sống (trước năm 1945), họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm vẫn theo đuổi hình ảnh phụ nữ và áo dài trong những tác phẩm của mình.

“Nhóm họa sĩ này liên tục trăn trở với áo dài, bởi họ gần như xem áo dài là biểu tượng của phụ nữ Việt. Tranh của Lê Phổ vẽ cảnh mọi người mặc áo dài trong buổi trà chiều, đi lễ... Những tác phẩm đó cho thấy ông đã cố gắng thể hiện hình ảnh người phụ nữ luôn diện áo dài trong các hoạt động đời thường. Điều này có tác động rất lớn đến quan niệm thẩm mỹ của phụ nữ đương thời bởi họ tin khi diện áo dài, cá nhân sẽ đẹp, dịu dàng hơn” - nhà nghiên cứu Lý Đợi nói thêm.

Bức Hai thiếu nữ và em bé của  Tô Ngọc Vân vẽ năm 1944 là bảo vật quốc gia
Bức Hai thiếu nữ và em bé của Tô Ngọc Vân vẽ năm 1944 là bảo vật quốc gia

Gạn đục khơi trong 
Từ sau năm 1954, áo dài trong tranh của Lê Phổ “xuống đường” nhiều hơn. Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, khi áo dài Lê Phổ nổi lên như một hiện tượng, áo dài qua các tác phẩm của họa sĩ Lemur Cát Tường cũng được ưa chuộng. Nhưng nếu áo dài của Lê Phổ kín đáo, chỉ vừa đủ ngợi ca vóc dáng thướt tha thì áo dài của  Lemur Cát Tường có nhiều cải biến với bèo nhún cách tân, trông ấn tượng hơn.

Trong hội họa ngày ấy và bây giờ, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nhận định: áo dài Lê Phổ ảnh hưởng đến nhiều họa sĩ hơn. Không ít thế hệ sau này có hơi hướng sáng tạo mang dáng dấp của áo dài Lê Phổ. Điều này, theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, hoàn toàn bình thường bởi qua các thời kỳ, phụ nữ mặc áo dài vẫn được xem như một biểu tượng trong hội họa.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lý Đợi, tranh cũng phần nào phản ánh đời sống thực, tức ngoài đời xuất hiện “nhiều áo dài không hẳn là áo dài”, chúng được cải biến một cách quá đà thì cũng có không ít họa sĩ “bê” chúng đưa vào tranh. Quan niệm thẩm mỹ của mỗi người mỗi khác và mỗi thời cũng mỗi khác, do đó, nếu muốn chọn ra những tà áo dài được xem là đúng, đẹp, hợp nhãn quan của tất cả mọi người thì có lẽ, các cuộc tranh cãi sẽ xuất hiện và kéo dài không hồi kết.

Bộ 3 bức tranh vẽ thiếu nữ mặc áo dài của họa sĩ Đặng Thị Thu An
Bộ 3 bức tranh vẽ thiếu nữ mặc áo dài của họa sĩ Đặng Thị Thu An

Trong lần trò chuyện với họa sĩ Đặng Thị Thu An nhân dịp cô tổ chức triển lãm cá nhân tại TPHCM, nữ họa sĩ nói 15 năm theo hội họa, cô có tình cảm đặc biệt với áo dài và vẻ đẹp đoan trang, hiền thục của phụ nữ Á Đông. Nhưng, họa sĩ Thu An luôn muốn phả vào những khuôn mẫu truyền thống sự mới lạ, phá cách đương thời, thoát khỏi lề lối xã hội. Một số tranh, cô vẽ phụ nữ mặc áo dài với quần tất, quần ống túm để thấy rằng phụ nữ không đóng khung mình vào bất kỳ chuẩn mực nào, đặc biệt là thời trang.

“Với người nhìn đơn thuần, sự kết hợp giữa áo dài và quần tất giúp họ thấy được sự vui mắt, mới lạ trong tranh. Với những hình ảnh truyền thống, tôi muốn phá cách một chút để bản thân đỡ nhàm chán, đơn điệu. Đương nhiên mọi sự sáng tạo phải nằm trong giới hạn cho phép vì hơn ai hết, tôi không cổ xúy cho những sáng tạo quá khác biệt. Chính tôi cũng đang muốn gìn giữ giá trị truyền thống, bản sắc. Nhưng nếu rập khuôn mọi sáng tạo, đi theo những tư tưởng đã được lập trình sẵn thì tôi e cuộc sống này thật tẻ nhạt. Như việc mặc định người vợ là phải chăm con, chăm chồng, hy sinh sở thích cá nhân vì hạnh phúc gia đình. Quan niệm đó đâu còn phù hợp ở thời hiện đại” - nữ họa sĩ nói.

Diễm Mi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI