Anh đi chống dịch về rồi, mình cưới nhau thôi

28/06/2020 - 13:00

PNO - “Anh yên tâm chống dịch, bao giờ dịch qua, mình cưới anh nhé”, lời hẹn của người thương giúp Trung úy Hoàng Minh Hậu (Đội trưởng đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Đắk Tiên, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông) vững tay súng cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ chống COVID-19 trên biên giới.

 

Mới đây, dịch bệnh được kiểm soát, trung uý Minh Hậu được về phép để tổ chức đám cưới với cô dâu của mình sau những tháng ngày mong chờ.

Hậu và Hạnh lớn lên cùng xã, nhà cách nhau không bao xa, quen nhau từ nhỏ, nhưng đến năm Hạnh học lớp 11 ở Đắk Nông, Hậu đang là học viên trường Thiếu sinh quân dân tộc Quân khu V, đóng quân ở Gia Lai, họ mới yêu nhau.

Hành trình “yêu xa” gắn liền với những lá thư viết tay cùng những dòng tin nhắn qua lại bằng điện thoại. Cặp đôi càng xa cách hơn nữa khi Hậu đi lính và ra Bắc học còn Hạnh trở thành cô sinh viên đại học luật ở Đà Lạt.

Nơi chú rể sát cánh cùng đồng đội suốt mùa dịch
Nơi chú rể sát cánh cùng đồng đội suốt những ngày cao điểm của mùa dịch (Ảnh nhân vật cung cấp)
Chú rể trong những ngày tuyên truyền phòng chống dịch cho người dân
Trung uý Minh Hậu trong những ngày tuyên truyền phòng chống dịch cho người dân ( Ảnh nhân vật cung cấp)

Xa mặt cách lòng, những cánh thư ngày càng ít đi, điện thoại thì Hậu không được dùng, khoảng trống đã khiến họ có cảm giác bất an. Hai người  nói lời chia tay nhau, dù trong lòng nhiều vấn vương.

Mặc dù vậy, không thể nói quên là quên ngay được. Những lúc cô đơn, trống trải hay mệt mỏi vì học tập hay công việc, họ lại nhắn tin động viên nhau vượt qua khó khăn với tư cách là người bạn.

Ra trường, họ lại liên lạc với nhau thường xuyên hơn và tình yêu lại bùng cháy. Những dòng nhật kí ngày nào viết còn dang dở nay được 2 người viết tiếp để tết về gặp nhau họ đổi cho người kia đọc.

Tình yêu của họ gắn liền với thời học sinh (Ảnh nhân vật cung cấp)
Tình yêu của họ gắn liền với thời học sinh (Ảnh nhân vật cung cấp)


Vào ngày nghỉ cuối tuần, mượn được điện thoại của thủ trưởng, Hậu lại gắn sim mình vào để đọc những dòng tin nhắn, dù không hy vọng được hồi âm từ Hạnh. Mong ước được có nhau thôi thúc đôi bạn trẻ tiến tới hôn nhân khi 2 người ra trường và nhận công tác mới. Vậy mà lễ nghi truyền thống và phong dân tộc tục lại trở thành rào cản lớn của họ.

Hạnh là người M'nông (ở Đắk Nông). Đồng bào M'nong theo chế độ mẫu hệ - người phụ nữ có quyền quyết định và trách nhiệm lớn nhất trong nhà. Sau khi cưới, chú rể phải ở nhà vợ, cô dâu phải ở nhà mình để chăm sóc cha mẹ và thờ cúng tổ tiên. Nhiệm vụ càng nặng nề khi cô dâu là con gái duy nhất trong nhà.

Cô dâu rạng ngời trong trang phục truyền thống(Ảnh nhân vật cung cấp)
Hạnh trở thành cô dâu M'nong rạng ngời trong trang phục truyền thống (Ảnh nhân vật cung cấp)
 
Những nghi thức truyền thống trong đám cưới của người Mnông(Ảnh nhân vật cung cấp)
Những nghi thức truyền thống trong đám cưới của người M'nông (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hạnh là chị cả của 2 cậu em trai, trong khi mẹ Hậu giờ chỉ ở 1 mình. Bên nhà trai, bố Hậu mất, em trai đi học xa nhà, anh trai lấy vợ cũng ở xa. Hai nhà gần nhau, nhưng gia đình Hậu là dân Bắc di cư, do vậy “con dâu về nhà cha mẹ chồng được xem là điều tất yếu”.

Phong tục mỗi nhà mỗi khác, vấn đề “ở đâu sau cưới” phía bên nhà Hạnh nặng nề nên cô từng khóc và khổ tâm rất nhiều. Làm thế nào để hai gia đình hòa thuận, cân bằng phong tục hai bên với nhau, những áp lực khiến đôi bạn trẻ suýt nữa buông xuôi.

Qua bao sóng gió, họ tự tin sát cánh trong cuộc đời nhau(Ảnh nhân vật cung cấp)
Qua bao sóng gió, họ tự tin sát cánh trong cuộc đời nhau (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thời gian để họ giải thích thuyết phục gia đình không đếm bằng ngày bằng tháng, mà phải tính bằng năm. Mãi đến cuối năm 2019, sau bao nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, “thương thảo”, hai họ mới có tiếng nói chung: bên này nhường bên kia một chút, bỏ bớt phong tục lễ nghi không cần thiết, thống nhất để 2 con đi lại 2 nhà như nhau.

Niềm vui lớn dần và cặp đôi chỉ chờ cha mẹ nhờ thầy xem ngày lành tháng tốt, thì bất ngờ dịch COVID -19 tới. Đồng đội căng mình trên biên giới chống dịch, hậu lỡ hẹn với Hạnh để lên đường thực hiện nhiệm vụ. Hạnh đã động viên người yêu: “Mình chờ nhau đã 9 năm. Chờ thêm mấy tuần, mấy tháng nữa cũng có sao đâu. Anh yên tâm, em đợi được”.

“Thật lòng mà nói, yêu lính biên phòng là em đã chấp nhận yêu xa. Có cưới nhau cũng đâu được ở gần. Nhưng người đồng bào em vốn quý bộ đội, ba mẹ em rất thương anh. Anh Hậu hiền và rất yêu em. Chừng đó với phụ nữ M'nông thế là đủ”, Hạnh trải lòng.

Chuỗi ngày chờ đợi cũng kết thúc, khi dịch bệnh được kiểm soát, Hậu được đơn vị tạo điều kiện về thăm nhà. Tháng 5 vừa qua họ đã tiến hành đám hỏi. Đám cưới bên nhà gái được tổ chức ngày mùng 8/6 (dương lịch) mới đây. Lễ tiệc bên nhà trai sẽ diễn ra ngày mùng 9/6 (âm lịch) sắp tới.

Ngày vui của họ có sự chúc phúc của mọi người (Ảnh nhân vật cung cấp)
Ngày vui, cô dâu mặc áo cưới theo truyền thống (Ảnh nhân vật cung cấp)

Xa nhau biền biệt, mỗi năm chỉ gặp  2 lần vào dịp hè và tết, trải qua bao thăng trầm buồn vui, cuối cùng tình yêu đã chiến thắng. Hậu và Hạnh đã nối tiếp những giá trị truyền thống nhưng cũng dám bước qua những phong tục không phù hợp để nắm tay nhau trên con đường hạnh phúc. Đám cưới của họ thật sự là một sự kiện lớn của người M'nong.

                                                       Lâm Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI