Ai Cập: Khủng hoảng sức khỏe tâm thần đến mức đáng lo ngại

01/06/2022 - 06:36

PNO - Các chuyên gia y tế nước này kêu gọi chính phủ nâng cao nhận thức khi ngày càng nhiều phụ nữ tự tìm đến cái chết để thoát khỏi khó khăn.

Sara và gia đình cô đã trốn khỏi Syria đến Ai Cập vào năm 2012. Hiện họ đang sống ở Cairo, nơi cô đang học để trở thành bác sĩ. Là một phụ nữ Ả Rập 23 tuổi mắc chứng rối loạn lưỡng cực không điển hình và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), Sara khó khăn trong nhiều năm. Tuy nhiên, việc tìm kiếm sự hỗ trợ cho các vấn đề của cô không hề dễ dàng, bởi có rất nhiều sự kỳ thị liên quan đến sức khỏe tâm thần ở Ai Cập. “Thật khó để thuyết phục mẹ rằng tôi đã có vấn đề về sức khỏe tâm thần ngay từ đầu. Mẹ đã không tin tôi bị tình trạng này cho đến khi mọi thứ trở nên thực sự tồi tệ”, Sara kể. 

Sara chỉ là một trong số rất nhiều người ở Ai Cập bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Theo các tổ chức sức khỏe Ai Cập, có đến khoảng 30 - 35 người đã tự sát mỗi tháng vào năm ngoái. Tự tử đã là một nguyên nhân gây lo ngại ở quốc gia Bắc Phi này trong vài năm gần đây.  Một báo cáo năm 2018 của Bộ Y tế và Dân số Ai Cập cho thấy, 1/4 dân số đang gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Sara cho biết cô tin rằng một phần của vấn đề bắt nguồn từ cách đối xử và nhìn nhận của những người mắc bệnh tâm thần. Là sinh viên y khoa, cô hiểu tình trạng này và cho rằng bệnh nhân cần được chăm sóc tốt hơn: “Một số nhân viên rất hiểu và biết cách giúp đỡ bệnh nhân, nhưng những người khác thì không. Họ đối xử với bệnh nhận rất tệ và không hiểu người bệnh tâm thần cần được giúp đỡ như thế nào”.

Nhiều phụ nữ tự tử là tình trạng rất đáng lo ngại ở Ai Cập trong vài năm gần đây - ẢNH MINH HỌA
Nhiều phụ nữ tự tử là tình trạng rất đáng lo ngại ở Ai Cập trong vài năm gần đây - Ảnh minh họa

Do tỷ lệ tự sát cao nên Ahmed Mahana -  một thành viên quốc hội Ai Cập -  đã đề xuất hình sự hóa hành động này. Theo đó, những người cố gắng tự kết liễu mạng sống của mình có thể bị phạt tới ba năm trong bệnh viện phục hồi chức năng và phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 3.200 USD. Kate Ellis - nhà tâm lý học lâm sàng và trợ lý giáo sư tại Đại học Mỹ ở Cairo - cho rằng: “Đề xuất này càng khiến các vụ trầm cảm và tự tử trầm trọng thêm. Trong một xã hội mà bắt nạt, quấy rối tình dục và xấu hổ nạn nhân là những vấn đề nổi cộm, đặc biệt là ở các thế hệ trẻ thì chính phủ cần tập trung vào các chiến dịch nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần và tự sát hay vì mang án phạt. Việc tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe tâm thần cần được cải thiện mạnh mẽ thay vì đào sâu thêm sự kỳ thị”.

Thường đối với những người gặp vấn đề sức khỏe tâm thần thì liệu pháp trò chuyện là một trong những hình thức điều trị phổ biến nhất, bao gồm cả với người mắc trầm cảm và lo lắng. Ai Cập không phải là quốc gia Ả Rập duy nhất trải qua sự suy giảm về sức khỏe tâm thần, theo các báo cáo thì ở Iraq và Kuwait đều chứng kiến ​​sự gia tăng các vụ tự tử. 

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đại học và quyền Bộ trưởng Y tế Ai Cập Khaled Abdel Ghaffar cho biết chính phủ nước này đã giám sát chặt chẽ các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần dành cho công chúng. Ngoài ra, ông cũng khuyến khích các bác sĩ tập sự nên chọn sức khỏe tâm thần làm chuyên môn cho mình và cho biết chính phủ có kế hoạch phát triển cũng như cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần đặc biệt là cho phụ nữ trong tương lai. 

Thảo Nguyễn (theo Al Jazeera, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI