50 năm Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không: Ký ức nhà báo xung trận

15/12/2022 - 13:56

PNO - Để có những thước phim, những bản tin chân thật, sống động nhất trong suốt 12 ngày đêm khói lửa, các nhà báo đã không màng tới hiểm nguy để xung trận.

 

Nhà báo Phạm Việt Tùng

Nhà báo Phạm Việt Tùng chia sẻ những ngày tháng làm báo đầy hiểm nguy khi trèo lên mái nhà, quay lại những thước phim Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

Dù 50 năm đã trôi qua (1972 - 2022), nhưng âm thanh của tiếng máy bay, tiếng bom dội… cùng những ký ức của những ngày làm báo đặc biệt dưới hầm sâu vẫn hiện lên rõ nét trong tâm trí của nhà báo Phạm Thanh - cựu phóng viên Báo Nhân Dân.

“Là tổ trưởng Tổ chiến tranh, suốt 12 ngày đêm không quân Mỹ quần thảo trên bầu trời Hà Nội, tôi và các đồng nghiệp làm việc không có ngày nghỉ, không có ngủ đêm. Buồn ngủ lúc nào thì gục xuống một lúc rồi tiếp tục lao vào vòng xoáy công việc. Những khi Hà Nội mất điện, chúng tôi phải quấn giẻ, tẩm xăng vào làm đuốc để tiếp tục thực hiện maket, đưa bản thảo đi nhà in”, ông Phạm Thanh chia sẻ tại tọa đàm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: Báo chí xung trận do Bảo tàng báo chí Việt Nam tổ chức, sáng 15/12.

Tuy vất vả “tác chiến”, nhưng niềm hạnh phúc của những người làm báo khi ấy là hình ảnh của người dân từ 5 giờ sáng đã xếp hàng để mua báo như lấy tem phiếu, để cập nhật thông tin về cuộc chiến đấu hào hùng này.

Nhà báo Phạm Việt Tùng, người đứng sau những thước phim “vô giá” về “ Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cũng chia sẻ những ngày làm báo “không quên” trong suốt cuộc đời. “Hồi ấy, khi máy bay địch cách Hà Nội khoảng 100km, nhiều phóng viên nước ngoài chui xuống hầm thì chúng tôi lại bắt đầu leo lên những điểm cao nhất trong thành phố như chòi, bể nước, mái nhà… Không phải chúng tôi không sợ chết. Lúc đó, tôi cũng run lắm, tôi có gia đình, ngộ nhỡ gặp vấn đề gì thì ai lo? Nhưng giữa nhiệm vụ trách nhiệm, chúng tôi đều phải quyết tâm. Nếu không lên điểm cao, không quay được B52 thì làm sao làm phim được”, nhà báo Phạm Việt Tùng chia sẻ.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ của nhà báo Phạm Việt Tùng trong 12 ngày đêm là ghi lại hình ảnh “Rồng lửa Thăng Long vít cổ B52 vào đêm 27/12/1972. Khi đó, ông Tùng và đồng nghiệp phải đợi sẵn ở bể xi măng lạnh cóng trên nóc khách sạn Hòa Bình, hướng máy quay về tiếng cao xạ và tên lửa của ta đang chiến đấu với máy bay Mỹ. Bất chợt, người phụ quay hét lớn và chỉ về một hướng khác. Theo phản xạ, ông chỉnh máy quay ngay tức khắc và kết quả, hình ảnh của pháo đài bay B52 như một quả cầu lửa khổng lồ ngùn ngụt trên bầu trời Hà Nội đã lọt trọn vào khuôn ngắm.

Tuy nhiên, để có được những thước phim thành công ấy, nhà báo Phạm Việt Tùng chia sẻ cũng đã phải trải qua nhiều thất bại. Ông kể lại, lần đầu tiên, khi trèo lên mái nhà của Đài tiếng nói Việt Nam, ông hướng máy quay về phía Phủ Lỗ, khi ta hạ máy bay địch. Lúc này, ông chắc mẩm mình đã có thước phim hay nhưng tới khi mở lại, do độ nhạy phim kém nên những hình ảnh đã quay không đạt chất lượng. Sau thất bại đó, dù điều kiện khó khăn, hầu hết các phương tiện, phim ảnh đều là đồ tài trợ, song ông Tùng cho hay phải lựa chọn rất kỹ để tìm được loại phim đảm bảo yêu cầu.

Cùng với tọa đàm, tại Bảo tàng báo chí Việt Nam cũng đang trưng bày 18 vách kể lại câu chuyện về Bác Hồ với Lực lượng phòng không – không quân, quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng quân dân cả nước làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”,

Cùng với tọa đàm, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng đang trưng bày 18 vách kể lại câu chuyện về Bác Hồ với Lực lượng Phòng không – Không quân, quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng quân dân cả nước làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Lợi – Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam đã gợi nhắc lại tầm quan trọng của báo chí Việt Nam trong sự kiện “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

“Không quân Mỹ bắt đầu cuộc tập kích vào ngày 18/12/1972, thì ngay chiều hôm sau, 19/12/1972, tại câu lạc bộ quốc tế trên đường Lê Hồng Phong (nay là Trung tâm Hội nghị quốc tế), Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng đã có cuộc họp báo tố cáo tội ác của Mỹ dùng B52 đánh vào thủ đô Hà Nội với sự trình diện của nhiều phi công Mỹ vừa bị ta bắt làm tù binh đêm 18/12. Những hình ảnh từ cuộc họp báo này được phát đi gây chấn động toàn thế giới”, ông Nguyễn Đức Lợi nói.

Trong suốt 12 ngày đêm khói lửa, giữa lúc các tên lửa phòng không và pháo cao xạ của ta nối đuôi nhau bay lên không trung, làm rực sáng bầu trời đêm Hà Nội thì những mũi tiến công của báo chí cũng không ngừng nghỉ. Báo Nhân Dân – nơi có căn hầm vẫn xuất bản báo hàng ngày; lực lượng báo chí từ Quân đội nhân dân, Phòng không – Không quân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… đã thông tin chính xác, kịp thời, tích cực động viên, cổ vũ quân và dân ta chiến đấu và chiến thắng.

“Báo chí đồng thời góp phần to lớn trong công tác thông tin đối ngoại, tác động trực tiếp vào việc giành thắng lợi trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, góp phần buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris và rút khỏi Việt Nam đồng thời là cơ sở đặt dấu chấm hết cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào ngày 30/4/1975”, ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI