3 khác biệt chính giữa Omicron và Delta

05/12/2021 - 12:27

PNO - Các nhà nghiên cứu trên thế giới đang tập trung tìm hiểu biến thể mới Omicron của COVID-19, và so sánh biến thể này với Delta, nhằm xác định mức độ nguy hiểm của nó, từ đó tìm ra các biện pháp khống chế thích hợp. Dưới đây là 3 điểm khác biệt chính giữa Omicron và Delta được các nhà khoa học phát hiện đến thời điểm này.

1. Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn

Tiến sĩ Sikhulile Moyo ở Botswana - nhà khoa học lẽ ra là người đầu tiên phát hiện ra biến thể Omicron, nếu các nhà nghiên cứu ở Nam Phi không làm được điều này trước ông - cho biết sự gia tăng đột biến của số ca nhiễm mới ở Nam Phi chứng tỏ biến thể này khả năng lây lan hơn Delta. 

Các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu tìm ra điểm khác biệt giữa biến thể Omicron và Delta
Các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu tìm ra điểm khác biệt giữa biến thể Omicron và Delta

Nhưng các nhà khoa học cho biết, hiện vẫn chưa rõ liệu Omicron có gây ra bệnh nghiêm trọng hơn hay có thể “tránh” vắc xin tốt hơn Delta hay không.

 

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cũng lưu ý rằng chỉ có một số ít người đã được tiêm vắc xin bị bệnh nặng khi nhiễm COVID-19 với biến thể Omicron, và đa số đối tượng này đều bị bệnh nhẹ. Trong khi đó, phần lớn những trường hợp nhiễm bệnh phải nhập viện là những người chưa được tiêm vắc xin. Diễn biến này cũng xảy ra tương tự với biến thể Delta.

Theo các nhà khoa học, còn quá sớm để nói biến thể Omicron mạnh hơn hay chiếm ưu thế hơn Delta. Theo các phát hiện mới đây, Omicron có chung một số đột biến với biến thể Delta, nhưng cũng sở hữu những đột biến khác hoàn toàn khác. 

Nhưng một vấn đề đáng quan ngại là Omicron có 10 đột biến trong vùng tập trung thụ thể - vốn là một phần của protein gai (spike) có khả năng tương tác với thụ thể ACE-2, và tạo điều kiện để virus xâm nhập vào tế bào dễ dàng hơn, trong khi Delta chỉ có 2 đột biến loại này.

Các nhà khoa học cũng lập luận rằng, giả sử Omicron có khả năng kết hợp tất cả các đột biến tốt hơn, làm cho nó dễ lây truyền hơn, hoặc có khả năng tránh miễn dịch tốt hơn Delta, thì chúng ta sẽ có thể thấy sự lan rộng của biến thể này trên toàn cầu. Tuy nhiên, cũng có khả năng, khi số lượng đột biến của Omicron tăng lên bất thường, thì điều đó sẽ làm cho biến thể này hoạt động không ổn định và suy yếu.

2. Khả năng tái nhiễm cao

Các nhà khoa học Nam Phi cho biết Omicron dường như khiến cho cho những người đã bị nhiễm COVID-19 có khả năng tái nhiễm cao hơn so với các biến thể trước đó.

Một nhóm nhà nghiên cứu đã theo dõi tình trạng tái nhiễm ở Nam Phi và ghi nhận có sự tăng vọt số trường hợp này khi có sự xuất hiện của Omicron. Điều này ít khi xảy ra ở 2 biến thể trước, trong đó có Delta. 

Các phát hiện, được đăng trên báo mạng hôm 3/12, chỉ mới là nhận định ban đầu và chưa được đánh giá khoa học đầy đủ. Các nhà nghiên cứu cũng không cho biết những trường hợp nào trong số những người bị tái nhiễm có liên quan đến Omicron, hoặc những trường hợp này có bị bệnh nặng hay không.

“Trước đây, những người đã bị nhiễm COVID-19 thì ít có khả năng tái nhiễm với biến chủng Delta. Nhưng với Omicron thì điều này có thể không còn đúng nữa”, ông Anne von Gottberg từ Đại học Witwatersrand - một thành viên của nhóm cứu - cho biết.

Nghiên cứu cũng chưa tìm hiểu tác dụng của việc tiêm ngừa đối với Omicron. Tuy nhiên, dựa trên nguyên lý vắc xin COVID-19 sẽ kích hoạt các lớp phản ứng miễn dịch khác nhau, giúp người được tiêm tránh bị lây nhiễm, đồng thời ngừa bệnh nặng nếu bị nhiễm, ông Von Gottberg cho rằng “vắc xin vẫn sẽ giúp tránh bị bệnh nghiêm trọng”.

3. Có nhiều đột biến hơn và có khả năng bị lỗi sao chép nhiều hơn

Omicron có hơn 50 đột biến, trong đó 32 đột biến chỉ xuất hiện trên protein gai, so với 9 đột biến loại này ở Delta, và các nhà khoa học gọi đó là “một bước nhảy vọt” trong quá trình tiến hóa của SARS-CoV-2. Protein gai có thể tạo ra các “núm lồi” ở mặt ngoài của virus này, giúp nó bám và xâm nhập vào các tế bào dễ hơn. Các loại vắc xin hiện có tại Mỹ đều được chế tạo nhằm mục đích tạo ra các kháng thể chống lại loại protein này.

Các nhà khoa học sẽ mất hàng tuần thử nghiệm và nghiên cứu kỹ lưỡng trong phòng thí nghiệm để “giải mã” tác dụng của các đột biến từ Omicron, đồng thời xác định rõ mức độ lây lan của biến thể này, cũng như tác động của nó đối với những người bị nhiễm bệnh. Trong những quan sát ban đầu, ngoài số lượng đột biến, vị trí của chúng trong biến thể cũng là một yếu tố giúp các nhà khoa học tìm thấy câu trả lời.

Một số đột biến do Omicron tạo ra nằm cùng vị trí của những đột biến trong các biến thể có khả năng lây lan nhanh trước đây. Ở vị trí này, chúng giúp virus “né” kháng thể do vắc xin tạo ra hoặc từ những người đã bị nhiễm COVID-19 trước đó khá tốt.

Mặt khác, theo các nhà khoa học, có vẻ như Omicron sẽ không thâm nhập vào tuyến bảo vệ thứ hai của cơ thể - đươc gọi là “các tế bào T”. Các tế bào này “hợp sức” với các kháng thể để ngăn chặn sự nhiễm bệnh và khả năng làm bệnh diễn tiến nghiêm trọng. Nếu một loại biến thể tìm cách thoát khỏi sự tấn công của các kháng thể, các tế bào T sẽ hoạt động để tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh.

“Nhiều đột biến sinh ra ở các “điểm nóng” trên protein gai, mà theo hiểu biết của chúng tôi, là những điểm quan trọng để các kháng thể liên kết với nhau và chống lại chúng. Theo dự đoán của chúng tôi, các tế bào T sẽ vẫn sinh ra nhiều phản ứng chống lại Omicron”, Wendy Burgers - một nhà miễn dịch học tại Đại học Cape Town - nhận định. 

Nhất Nguyên (theo AP, Tribune News Service, The Conversation)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI