2.153 người giàu nhất thế giới nắm giữ nhiều của cải hơn 4.6 tỷ người nghèo nhất

20/01/2020 - 11:30

PNO - Hôm 20/1, Tổ chức Oxfam công bố nghiên cứu cho thấy 2.153 người giàu nhất thế giới kiểm soát nhiều tiền hơn 4,6 tỷ người nghèo nhất cộng lại vào năm 2019.

Mặt khác, công việc không được trả lương hoặc trả lương thấp của phụ nữ và trẻ em đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu gấp 3 lần so với ngành công nghệ mỗi năm.

Tổ chức từ thiện có trụ sở tại Nairobi cho biết trong một báo cáo được công bố trước Diễn đàn Kinh tế thế giới hàng năm của các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh ở Davos, Thụy Sĩ, rằng phụ nữ trên khắp thế giới làm việc 12,5 tỷ giờ mỗi ngày mà không được trả tiền hoặc công nhận.

Trong báo cáo “Time to Care”, Oxfam cho biết họ ước tính rằng công việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ đã góp thêm ít nhất 10,8 nghìn tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế thế giới - gấp 3 lần so với ngành công nghệ.

Amitabh Behar, CEO của Oxfam Ấn Độ, nói với Reuters: “Một điều quan trọng đối với chúng tôi là nhấn mạnh rằng động cơ ẩn của nền kinh tế mà chúng ta thấy thực sự là công việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ. Điều đó cần phải thay đổi, trực tiếp”.

Một bức ảnh kết hợp cho thấy những người giàu nhất thé giới. Hàng trên, trái sang: Bill Gates, Warren Buffett, Jeff Bezos, Amancio Ortega. Hàng dưới, trái sang: Mark Zuckerberg, Larry Ellison, Carlos Slim và Michael Bloomberg.
Một bức ảnh kết hợp cho thấy những người giàu nhất thế giới. Hàng trên, trái sang: Bill Gates, Warren Buffett, Jeff Bezos, Amancio Ortega. Hàng dưới, trái sang: Mark Zuckerberg, Larry Ellison, Carlos Slim và Michael Bloomberg.

Để làm nổi bật mức độ bất bình đẳng trong nền kinh tế toàn cầu, ông Behar đã trích dẫn trường hợp của một người phụ nữ tên là Chuchu Devi ở Ấn Độ, người dành 16 đến 17 giờ mỗi ngày để làm việc như lấy nước sau khi đi bộ 3km, nấu ăn, chuẩn bị cho con đi học và làm một công việc được trả lương thấp.

Ông Behar giải thích: “Mặt còn lại, bạn thấy các tỷ phú đang tập hợp tại Davos với máy bay cá nhân, máy bay phản lực, lối sống siêu giàu”.

“Buchu Devi không phải là một người cụ thể. Tôi ở Ấn Độ và bắt gặp những người phụ nữ như vậy hàng ngày; đây cũng là câu chuyện trên toàn thế giới. Chúng ta cần thay đổi điều này, và chắc chắn cần chấm dứt sự bùng nổ của tỷ phú”.

Behar nói rằng để khắc phục vấn đề, trên hết, các chính phủ nên đảm bảo rằng người giàu phải trả thuế của họ, sau đó số tiền nên được sử dụng để trả cho các tiện nghi như nước sạch, chăm sóc sức khỏe và trường học chất lượng tốt hơn.

Ông Behar kết luận: “Nếu bạn chỉ nhìn quanh thế giới, hơn 30 quốc gia đang chứng kiến ​​các cuộc biểu tình. Mọi người đang ở trên đường và họ nói gì? - Rằng họ không chấp nhận sự bất bình đẳng này, sẽ không sống với những điều kiện như vậy”.

Tấn Vĩ (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI