Ý thức người dân là quan trọng nhất khi giảm giãn cách xã hội

24/04/2020 - 08:42

PNO - Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khẳng định nếu chủ quan, lơ là thì dịch bệnh có thể quay trở lại, bùng phát. Bài học của Singapore là ví dụ điển hình.

Hà Nội kẻ vạch vôi để đảm bảo khoảng cách 2m giữa người mua và người bán hàng
Hà Nội kẻ vạch vôi để đảm bảo khoảng cách 2m giữa người mua và người bán hàng

Phóng viên: Bảy ngày liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, ông đánh giá như thế nào về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam hiện nay?

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu: Trong bảy ngày qua, Việt Nam không có ca nhiễm mới. Đây là tín hiệu lạc quan, khẳng định thành công của việc giãn cách xã hội. Chúng ta đã ngăn chặn dịch bệnh qua biên giới bằng việc cách ly người nhập cảnh, tiến hành hạn chế chuyến bay các nước. Các ổ dịch mới như Hạ Lôi, Thường Tín, Bạch Mai… đều khống chế được và không có ổ dịch mới trong cộng đồng. Nếu triển khai giãn cách chậm, con số dịch bệnh sẽ bùng lên rất nhanh, từ 100 người lên 1.000 người và hơn thế nữa. Lúc đó, sẽ có người chết, không thể giãn cách hay phong tỏa được nữa. 

Tuy nhiên, chúng ta vẫn không được chủ quan. Bởi dù chúng ta đã cách ly, phong tỏa các ổ dịch… nhưng nếu nói cả nước không còn ca bệnh nào trong cộng đồng thì rất khó. Các ca bệnh còn sót có thể tiếp tục lây lan, mầm bệnh có thể còn. Bài học từ Singapore là ví dụ điển hình. Hiện nay, Singapore gần như đang phải làm lại từ đầu (với hơn 10.000 ca nhiễm - PV). Trước kia, họ chỉ quan tâm tới việc chặn nguồn lây từ bên ngoài mà không tập trung kiểm soát tại các khu nhập cư nên giờ phải phong tỏa trở lại. 

* Vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phải xác định chung sống an toàn với dịch bệnh COVID-19 để đạt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Yếu tố quan trọng nhất để đạt mục tiêu này là gì?

PGS Trần Đắc Phu
PGS Trần Đắc Phu

- Hiện chúng ta đã hạn chế được dịch bệnh, không để dịch bùng phát thì không thể giãn cách mãi được mà phải quan tâm đến đời sống kinh tế, an sinh xã hội, đặc biệt là việc đi lại của người dân. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói, phải xác định sống an toàn với dịch bệnh. Có thể có một số ca bệnh lẻ tẻ, ổ dịch nhỏ… nhưng dịch bệnh đến đâu phải đáp ứng kịp thời tới đó. Phòng, chống dịch phải hạn chế ảnh hưởng tới kinh tế và an sinh xã hội. Để làm được điều này, quan trọng là người dân không được chủ quan. Cần duy trì các thói quen như đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần, rửa tay xà phòng, hạn chế đi lại khi không cần thiết, đặc biệt là người già, người có bệnh nền, khai báo y tế nếu có dấu hiệu bất thường: sốt, ho, khó thở…

Đối với chính quyền địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho từng nơi phải có đáp ứng, quy định phù hợp để vừa phòng dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Quy định loại hình nào cần thiết cho mở cửa, hay mở dưới hình thức nào. Ví dụ như yêu cầu nhà ăn mở nhưng người ngồi phải cách xa 2m, tiến hành đo thân nhiệt, rửa tay… Hay TP.HCM lên “bảng điểm” cho từng loại hình (chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm COVID-19) là một cách làm hay. Doanh nghiệp nào đạt thì cho hoạt động, doanh nghiệp nào không đạt thì đóng cửa. Khi xác định chung sống với dịch bệnh thì phải đưa ra được những biện pháp kinh doanh an toàn.

Tuy nhiên, chính quyền vẫn chỉ là nơi đưa ra những quy định, khuyến cáo… thực hiện như thế nào phụ thuộc lớn vào ý thức của mỗi người. Vai trò của từng công dân là quan trọng nhất trong bối cảnh giảm mức giãn cách xã hội.

* Các địa phương đã và đang lên kế hoạch để học sinh quay trở lại trường học. Nhưng có lẽ không phải tất cả phụ huynh đã yên tâm về điều này…

- Vừa qua học sinh đã nghỉ nhiều. Làm sao để phụ huynh yên tâm cho con đến trường là điều quan trọng. Hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng quy định trường học an toàn, yêu cầu các em đi học đeo khẩu trang, giãn cách bàn ghế, không bố trí đông học sinh trong một lớp… Ngoài ra, còn có các biện pháp quan trọng như đo nhiệt độ, khử khuẩn bàn ghế hằng ngày. Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng đã có hướng dẫn khi học sinh đi học trở lại phải đeo khẩu trang, ngồi cách nhau 1,5m.

Ngoài ra, phải đề cao trách nhiệm của nhà trường, thầy cô, học sinh và bố mẹ. Trẻ từ nhà tới trường là trách nhiệm của gia đình, khi ở trường là trách nhiệm của thầy cô giáo. Hai bên cần phối hợp chặt chẽ với nhau để ngăn chặn kịp thời nếu nghi ngờ hoặc xuất hiện ca mắc.

Về vấn đề các địa phương quá tải học sinh khó thực hiện giãn cách, tôi được biết hiện nay, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Bộ Giáo dục - Đào tạo đang đề xuất lên Chính phủ về việc giảm mức giãn cách khoảng cách giữa các học sinh là 1m, bởi trong lớp, học sinh cũng đã đeo khẩu trang. Quan điểm của tôi, trong điều kiện khó khăn hiện nay thì mức 1m là tối thiểu phải thực hiện. Nếu vì lý do nọ, lý do kia mà không đảm bảo được quy định này thì không thể nói chúng ta ưu tiên chống dịch được. 

Huyền Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI