Nhập viện cấp cứu vì... tẩm bổ tăng cường đề kháng quá độ

23/04/2020 - 15:12

PNO - Nhiều bệnh viện ghi nhận tình trạng bệnh nhân mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa bị nguy kịch vì chế độ sinh hoạt bị đảo lộn, không tuân thủ điều trị trong thời gian nghỉ tránh dịch tại nhà.

Bác sĩ Chu Lý Hải Vân, Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho hay, khoảng một tháng nay, mỗi tuần đều gặp từ 5-6 bệnh nhân đái tháo đường bị các sự cố về sức khỏe do chế độ sinh hoạt hoặc không tuân thủ điều trị phải nhập viện.

Uống sữa, nước cam làm đường huyết tăng vọt

Bệnh nhân mắc bệnh chuyển hóa tới Bệnh viện Thống Nhất khám vì sức khỏe chuyển biến xấu do sinh hoạt xáo trộn khi ở nhà tránh dịch
Bệnh nhân mắc bệnh chuyển hóa tới Bệnh viện Thống Nhất khám vì sức khỏe chuyển biến xấu do sinh hoạt xáo trộn khi ở nhà tránh dịch

Vào ca trực ngày 20/4, bác sĩ Vân tiếp nhận một bệnh nhân đái tháo đường bị chuyển biến khá nặng. Bệnh nhân tên H.T.H., 50 tuổi, ngụ tại Q.5, TP.HCM, phát hiện và đang điều trị đái tháo đường tại một cơ sở y tế tư nhân khoảng một năm nay. Ba tháng qua, vì dịch COVID-19 nên bệnh nhân tránh tới cơ sở y tế tái khám và tự ý lấy đơn thuốc cũ mua thuốc uống. 

Hai tuần nay, bà H. sụt cân, uống nước và đi tiểu rất nhiều lần, thường xuyên mệt mỏi, nằm li bì. Thấy tình trạng bất thường, người thân đưa bà đi bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, bác sĩ Vân ghi nhận chỉ số đường huyết của bà H. tăng rất cao, 360mg/dl (bình thường mức đường huyết của bệnh nhân này dưới 150mg/dl). Với các dấu hiệu lâm sàng đi kèm cho thấy bà H. bị nhiễm trùng do biến chứng đường huyết tăng cao, có thể sốc và hôn mê, bệnh nhân lập tức được nhập viện để điều trị. 

Trước đó vài ngày, một bệnh nhân nữ, 65 tuổi cũng phải nhập viện vì đường huyết tăng vọt. Khi con gái của bệnh nhân gọi điện thoại cho bác sĩ miêu tả tình trạng và thông báo chỉ số đường huyết của mẹ mình từ 200mg/dl lên 380mg/dl thì lập tức bác sĩ đề nghị đưa tới bệnh viện ngay. Điều tra bệnh sử, bác sĩ biết được ngày nào con cái cũng tẩm bổ cho mẹ ba ly nước cam vắt cùng nhiều trái cây có vị chua vì nghĩ sẽ tăng cường đề kháng cơ thể. “Trong trái cây cũng có đường. Đó là lý do vì sao tẩm bổ nước cam lại khiến đường huyết của bệnh nhân tăng vọt”, bác sĩ Vân nói. Thay vì uống nước cam, bác sĩ Vân khuyên bệnh nhân đái tháo đường nên ăn cam cả múi, giúp cân bằng giữa chất xơ và đường, tốt hơn cho quá trình chuyển hóa.

Bác sĩ Từ Kim Thanh, Phó khoa Nội tổng quát Bệnh viện Quận 2, cho biết, vừa tiếp nhận cụ bà V.T.K.N., 80 tuổi có đường huyết tăng vọt do con cháu tích cực tẩm bổ. Con cụ N. chia sẻ muốn tăng cường đề kháng cho cụ trong mùa dịch nên đã bổ sung nhiều bữa đệm. Sau mỗi bữa ăn, cụ N. đều uống một ly sữa tươi không đường. Ai ngờ, mới tẩm bổ chừng một tuần, chỉ số đường huyết của cụ N. từ 200mg/dl đã tăng lên 280mg/dl. 

Thấy mẹ mệt hơn lúc chưa được tẩm bổ, các con vội đưa cụ N. tới bệnh viện. Bác sĩ Thanh nhận định, đối với người cao tuổi như cụ N., đường huyết tăng lên mức 280mg/dl là khá nguy hiểm. Khi thay đổi chế độ dinh dưỡng, người nhà cần tư vấn bác sĩ chứ không nên tự ý. Sữa tươi không đường nhưng trong sữa đã có chất đường, uống nhiều vẫn khiến đường huyết tăng cao.

Có khoảng 10% trong số các bệnh nhân đái tháo đường được quản lý tại Bệnh viện Quận 2 gặp các sự cố về sức khỏe do tự ý thay đổi chế độ dinh dưỡng. Bên cạnh các bệnh nhân nguy kịch phải nhập viện, ngày nào bác sĩ Thanh cũng tư vấn qua điện thoại cho vài bệnh nhân bị đường huyết tăng cao do tẩm bổ quá độ.

Mì gói, đồ hộp không có lợi cho các bệnh chuyển hóa 

Tại Bệnh viện Thống Nhất, bác sĩ Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện, cũng ghi nhận trên 10% các bệnh nhân đái tháo đường, huyết áp, tim mạch dù vẫn còn thuốc và chưa tới ngày tái khám đã phải gọi điện đến xin tư vấn hoặc tới bệnh viện khám vì những sự cố sức khỏe. Nguyên nhân khiến chỉ số huyết áp và đường huyết của họ xấu đi do hai yếu tố: ít vận động và ăn quá mặn hoặc ăn quá nhiều trái cây. 

“Một cụ ông 75 tuổi trước đây ngày nào cũng ra công viên đi bộ, tập thể dục. Nay dịch bệnh, công viên rào lại hết, bệnh nhân chỉ có thể ở nhà. Nhà phố chật chội nên cụ gần như không di chuyển và vận động mấy, dẫn tới huyết áp bất ổn theo”, bác sĩ Vũ kể. Không chỉ thế, sau khi xem xét lại chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân, bác sĩ nhận thấy cụ ông ăn nhiều mì gói, đồ hộp bởi không thể đi chợ mỗi ngày. Trong các thực phẩm khô, đồ hộp, đồ nguội chứa rất nhiều muối, không có lợi cho người cao huyết áp.

Qua đó, bác sĩ Vũ khuyến cáo các bệnh nhân đang có sẵn bệnh lý nền như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch cần kiểm soát chế độ ăn của mình. Những người này nên hạn chế ăn đồ mặn, bổ sung vào thực đơn thêm rau xanh và chất xơ. Dù ở nhà, hãy cố gắng vận động bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày, đi lại loanh quanh, hoạt động chăm sóc cây cảnh… 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI