Y học cổ truyền: chậm mà chắc!

25/08/2023 - 18:02

PNO - Chỉ trong 2 tuần, khoản lương hưu ít ỏi 2.000 NDT/tháng của bà Li Ying (67 tuổi) đã đổ hết vào việc điều trị cơn đau cổ mãn tính. Dù sống ở một trong những khu vực giàu có nhất Trung Quốc, với các phúc lợi xã hội tương đối cao, bà vẫn chọn sống thanh đạm và chăm chỉ tiết kiệm để phòng những ngày đau ốm.

 

Nhân viên một phòng khám y học cổ truyền Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam chuẩn bị các đơn thuốc thảo dược - Nguồn ảnh: WHO
Nhân viên một phòng khám y học cổ truyền Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam chuẩn bị các đơn thuốc thảo dược - Nguồn ảnh: WHO

Bà Li nằm trong số 209,78 triệu người ở độ tuổi trên 65 của Trung Quốc - những người phải chi nhiều nhất cho việc chăm sóc sức khỏe. Khi dân số tiếp tục già đi và nhận thức cộng đồng về sức khỏe được cải thiện, quốc gia này chứng kiến nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng. Để ứng phó, chính phủ đã thúc đẩy điều trị y học cổ truyền (YHCT), mở rộng bệnh viện trực tuyến và dịch vụ phục hồi chức năng.

Trung Quốc không ngừng quảng bá YHCT kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, bao gồm các phương pháp điều trị từ thảo dược, xoa bóp cho đến châm cứu và ăn kiêng. Hàng triệu người ở Trung Quốc sử dụng YHCT kết hợp với y học hiện đại để điều trị bệnh. Nhiều người cho rằng các bài thuốc cổ truyền ít tác dụng phụ và giúp điều hòa cơ thể theo cơ chế “chậm mà chắc”, đồng thời rẻ hơn so với các loại thuốc phương Tây vốn chỉ “chống triệu chứng chứ không trị tận gốc”. Thị trường thuốc YHCT ở Trung Quốc hiện có quy mô lên đến khoảng 535 tỉ USD. Ứng dụng YHCT Trung Quốc trên toàn cầu cũng đạt giá trị khoảng 32 tỉ USD và đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 5%/năm.

Giữa tháng Tám, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về YHCT bên lề cuộc họp của các bộ trưởng y tế G20 tại Ấn Độ. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, YHCT có thể lấp đầy khoảng trống về chăm sóc sức khỏe cộng đồng nhưng chỉ có giá trị nếu được sử dụng "một cách thích hợp, hiệu quả và an toàn, dựa trên bằng chứng khoa học mới nhất". John Reeder  - Giám đốc nghiên cứu của WHO - cho biết: "Việc phát triển khoa học về YHCT nên tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt giống như trong các lĩnh vực y tế khác".

Mặt trái của YHCT là nhiều phương pháp điều trị truyền thống không có giá trị khoa học; góp phần thúc đẩy việc buôn bán tràn lan các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng trong đó có hổ, tê giác và tê tê. WHO cho biết: "Tự nhiên không phải lúc nào cũng an toàn và hàng thế kỷ sử dụng không đồng nghĩa với tính hiệu quả cao. Do đó, phương pháp và quy trình khoa học phải được áp dụng để cung cấp bằng chứng nghiêm ngặt cần thiết". 

Theo WHO, khoảng 40% các sản phẩm dược phẩm được phê duyệt hiện đang sử dụng trên thế giới có nguồn gốc từ sản phẩm tự nhiên. Một số loại thuốc hiện đại được điều chế dựa trên kiến thức y học cổ truyền như aspirin - dựa trên các công thức sử dụng vỏ cây liễu, hay artemisinin trị sốt rét từ cây thanh hao hoa vàng. Tiến sĩ Kim Sungchol - người đứng đầu Đơn vị YHCT, bổ sung và tích hợp của WHO - nhận định: “Nhiều hệ thống YHCT có cách tiếp cận toàn diện hơn so với y học hiện đại. Đó là lý do tại sao họ tiến bộ hơn nhiều trong việc tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh tật, đặc biệt là bệnh không lây nhiễm liên quan đến lối sống". 

Tấn Vĩ (theo CNA, AFP, WHO, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI