Bác sĩ y học cổ truyền học làm du lịch y tế

22/05/2021 - 07:30

PNO - Theo định hướng phát triển của TPHCM, du lịch y tế có loại hình là du lịch học thuật (đào tạo ngắn hạn một số kỹ thuật điều trị của y học cổ truyền), du lịch phục hồi sức khỏe (du lịch làm đẹp, du lịch điều trị). Các cơ sở y tế sẽ tập trung vào bốn nhóm: khách Việt Nam, Việt kiều, người nước ngoài đang sống tại Việt Nam, khách nước ngoài đến Việt Nam.

Trong khi mỗi năm Việt Nam có 300.000 người ra nước ngoài chữa bệnh với tổng chi 2 tỷ USD, có dòng người đến TPHCM du lịch chữa bệnh mang lại cho thành phố 1 tỷ USD/năm. Thế mạnh du lịch y tế tại TPHCM là tầm soát sức khỏe, y học dân tộc, nha khoa, làm đẹp… Tuy nhiên, lĩnh vực y học cổ truyền hầu như chưa tham gia thị trường to lớn này. 

Hướng dẫn kỹ thuật châm cứu ngũ hành luận trị cho học viên từ Pháp - Ảnh: Chế Trung
Hướng dẫn kỹ thuật châm cứu ngũ hành luận trị cho học viên từ Pháp - Ảnh: Chế Trung

Viện Y dược học dân tộc TPHCM là đơn vị đầu ngành của khu vực phía Nam về khám chữa bệnh y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại. Cùng với Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM, hai nơi này được TPHCM giao nhiệm vụ làm “chiếc đầu kéo” trong lĩnh vực y học cổ truyền để tham gia vào thị trường du lịch y tế. 

Làm gì khi xe du lịch 45 người đỗ xịch trước cổng?

Hơn mười năm trước, Viện Y dược học dân tộc TPHCM đã có những bước đầu tiên chập chững bước vào lĩnh vực mới này một cách tình cờ. Đó là khi bác sĩ người Pháp Marc Mézard, Giám đốc French Vietnamese Institute of Traditional (Học viện Truyền thống Việt - Pháp) được thành lập năm 2000, bắt đầu đưa học viên qua học châm cứu và xoa bóp tại viện.

Từ đó, đều đặn mỗi năm, Viện Y dược học dân tộc TPHCM đón hai nhóm học viên khoảng 20-40 người từ Pháp và Thụy Sĩ qua để học về y học cổ truyền. Đây là một trong những nhánh của du lịch y tế, gọi là du lịch học thuật. Ngoài ra, còn có loại hình du lịch phục hồi sức khỏe, du lịch điều trị - là những mảnh đất mà y học cổ truyền Việt Nam chưa hề khai thác. 

Du lịch học thuật là thế mạnh của viện vì đã có 20 năm trong kinh nghiệm đào tạo cho người nước ngoài, nhưng cũng chỉ là một trong những loại hình của du lịch y tế. Vì thế, để bước chân vào một lĩnh vực mới mẻ, các bác sĩ y học cổ truyền đã phải bỏ ra nhiều công sức để tìm hiểu tâm lý khách du lịch. Với nhiệm vụ mới, bác sĩ không phải chỉ biết chữa bệnh mà còn phải biết cách làm… du lịch.

Tiến sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM, chia sẻ: “Để xây dựng phương án phát triển du lịch y tế, chúng tôi phải tìm hiểu về du lịch từ con số 0. Chẳng hạn, tôi hình dung một chiếc xe 45 chỗ nếu dừng lại ở viện thì điều tiếp theo sẽ là gì? Chắc chắn là phải có người đón tiếp, hướng dẫn, dành thời gian cho họ hồi phục sức khỏe sau chuyến đi dài…”.

Chiến lược thu hút khách du lịch của Viện Y dược học dân tộc TPHCM được xây dựng lên từ đó. Phải có một nơi dành riêng cho khách du lịch, không thể chung với nơi khám chữa bệnh được. Vì tâm lý du khách là đi chơi, không phải đi chữa bệnh nên sẽ không thích vào nơi có nhiều người chữa bệnh. 

Chỉ tay vào tòa nhà sắp hoàn thành ở kế bên, tiến sĩ Trương Thị Ngọc Lan nói, đây là điều y bác sĩ ở viện rất mong chờ. Khu khám và điều trị ban ngày của Viện Y dược học dân tộc TPHCM (số 275 Nguyễn Văn Trỗi, phường 10, quận Phú Nhuận) đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng và sẵn sàng đi vào hoạt động trong những tháng tới. Đây sẽ là nơi phục vụ cho việc điều trị ban ngày và cho khách du lịch y tế. 

Vấn đề cơ sở vật chất tạm ổn thì lại lo chuyện nhân sự. Viện có 70 bác sĩ, 120 điều dưỡng nhưng công việc gần như kín lịch với số lượng người khám khoảng 1.000 lượt/ngày. Nếu đoàn 45 người trên xe du lịch xuất hiện, nhân viên đâu để huy động? Một phương án táo bạo được đưa ra.

Y bác sĩ Viện Y Dược học dân tộc TPHCM tập vật lý trị liệu cho du khách nước ngoài tại một hội chợ du lịch quốc tế năm 2019 - Ảnh: Chế Trung.
Y bác sĩ Viện Y Dược học dân tộc TPHCM tập vật lý trị liệu cho du khách nước ngoài tại một hội chợ du lịch quốc tế năm 2019 - Ảnh: Chế Trung

Tiến sĩ Lan phân tích: “Vì du lịch có đặc thù theo thời vụ. Nếu thuê nhân sự thì không đủ kinh phí, còn nếu không đủ nhân sự thì người ta bỏ đi. Chúng tôi đã xây dựng chương trình liên kết với Hội Người mù TPHCM (khoảng 1.500 thành viên). Hội cử một đợt khoảng 20 người học kỹ thuật xoa bóp trong ba tháng. Sau khi viện cấp giấy chứng nhận, họ vẫn làm việc tại cơ sở xoa bóp của Hội Người mù. Khi có đoàn khách du lịch, chúng tôi sẽ huy động họ đến”. 

Đi tìm biểu tượng du lịch y tế Việt

Trong những chuyến công tác nước ngoài, ngoài chuyện học hỏi chuyên môn về y học cổ truyền, tiến sĩ Trương Thị Ngọc Lan còn để ý cách các nước làm du lịch y tế. Bà phân tích: “Đi qua các nước, tôi nhận ra, du lịch y tế phải gắn với văn hóa dân tộc thì mới phát triển trong bền vững. Người Việt hiếu khách, đó sẽ là thế mạnh đầu tiên để thu hút khách du lịch. Dù học hỏi các nước trong khu vực nhưng nội hàm phải mang tính văn hóa Việt Nam”. 

Theo bà, các nước đã phát triển du lịch từ lâu, đã định vị được thương hiệu trên thế giới. Chẳng hạn, nhắc đến làm đẹp, người ta nghĩ ngay đến việc sang Hàn Quốc, nhắc đến xoa bóp người ta nghĩ đến Thái Lan. Còn muốn mua sản phẩm và du lịch thắng cảnh, người ta nghĩ đến Trung Quốc. Vậy, Việt Nam có sản phẩm gì để nhắc đến?

Vì vậy, chiến lược mà Viện Y dược học dân tộc TPHCM nhắm đến là quảng bá, xây dựng thương hiệu cho những phương pháp điều trị y học cổ truyền “made in Vietnam”. Đó là các phương pháp có xuất phát điểm tại Việt Nam như phương pháp thở bốn thì của giáo sư Nguyễn Văn Hưởng, phương pháp tác động cột sống của lương y Nguyễn Tham Tán, phương pháp châm cứu theo ngũ hành luận trị của bác sĩ Trương Thìn (đã đào tạo cho người nước ngoài trên 20 năm).

Đây là những phương pháp điều trị y học cổ truyền được thế giới đánh giá rất cao, nhưng chưa được quảng bá rộng rãi cho đối tượng du khách. 

Kỹ thuật xoa bóp toàn thân để phục hồi sức khỏe tại Viện Y Dược học dân tộc TPHCM - Ảnh: Chế Trung.
Kỹ thuật xoa bóp toàn thân để phục hồi sức khỏe tại Viện Y Dược học dân tộc TPHCM - Ảnh: Chế Trung.

Cùng tham gia vào thị trường du lịch y tế khi đại dịch COVID-19 qua đi là Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM. Bác sĩ Lưu Quốc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện, tay nâng niu chai rượu thuốc có hình ảnh cành mai vàng và biểu tượng chợ Bến Thành trên thân chai, vui vẻ cho biết: “Đây là rượu Ngọc Linh sâm - Đông trùng tửu được đặt nấu ở nơi đạt chuẩn với sâm Ngọc Linh lấy trực tiếp từ vùng núi tỉnh Kon Tum”. 

ệnh viện Y học cổ truyền TPHCM cũng xây dựng một số sản phẩm chủ lực khác như kỹ thuật cấy chỉ làm đẹp. Khách du lịch từ sân bay ghé tham quan bệnh viện, nếu có nhu cầu sẽ được cấy chỉ làm đẹp. Sau khoảng 1-2 tuần, trên đường ra sân bay Tân Sơn Nhất, du khách ghé qua nơi này thêm một lần nữa để hoàn thiện phác đồ là đẹp.

Bệnh viện cũng dành riêng một khu vực xây phòng trưng bày các sản phẩm phục hồi sức khỏe, có chỗ đậu xe du lịch 45 chỗ, xây dựng một thang máy riêng, lối đi riêng và khu vực riêng phục vụ khách du lịch. 

Từ nhiều năm nay, những bệnh viện tại TPHCM đã bắt tay vào chuẩn bị cho việc đón khách du lịch, từ chuẩn bị sẵn một khu vực riêng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các gói sản phẩm dựa trên thị hiếu khách du lịch… Mọi thứ đang chạy rất êm bỗng dưng dừng lại vì COVID-19. Nhưng các bác sĩ rất lạc quan: Như men ủ càng lâu, càng nồng đượm… Chỉ cần dịch COVID-19 đi qua, tất cả sẽ sẵn sàng đón khách du lịch. 

Phòng bốc thuốc tại Viện Y Dược học dân tộc TPHCM - Ảnh: Chế Trung
Phòng bốc thuốc tại Viện Y Dược học dân tộc TPHCM - Ảnh: Chế Trung

Xây dựng gói sản phẩm du lịch học thuật linh hoạt

Năm 2017, một đoàn bác sĩ người Ý đã đặt yêu cầu cho công ty du lịch nước này liên lạc để sang học châm cứu ngũ hành luận trị, xoa bóp, tập dưỡng sinh tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM. Thời gian học chỉ trong một tháng và cứ cuối tuần, nhóm bác sĩ này lại du lịch trong thành phố. 

Tiến sĩ Trương Thị Ngọc Lan nhận định, đây chính là những chỉ dấu để thấy nếu biết cách làm, y học cổ truyền Việt Nam hoàn toàn có thể bước chân vào thị trường du lịch y tế còn đang rất hoang vắng hiện nay: “Chỉ trong thời gian ngắn mà học được những kỹ thuật của y học cổ truyền, chỉ có thể là tại Việt Nam. Bởi lẽ, chúng tôi xây dựng được các gói sản phẩm du lịch học thuật một cách linh hoạt. Chẳng hạn, du khách có thể chỉ mất một tháng để học châm cứu thay vì phải mất từ ít nhất sáu tháng đến một năm như ở Trung Quốc. Thậm chí, một du khách muốn đăng ký học vẫn được tiếp nhận đào tạo một thầy, một trò”. 

Hiếu Nguyễn 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI