WHO và Liên Hợp Quốc đau đầu khi COVID-19 kéo dài

04/08/2020 - 16:40

PNO - Đại dịch COVID-19 kéo dài đe dọa "thảm họa thế hệ" giáo dục, suy yếu sự tiến bộ của con người hàng thập kỷ, đồng thời WHO lo ngại “phản ứng mệt mỏi” của các quốc gia.

“Thảm họa thế hệ” và nỗi lo xung đột vũ trang

Ngày 4/8, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đưa ra cảnh báo thế giới đang đối mặt với “thảm họa thế hệ” giáo dục tồi tệ khi đại dịch COVID-19 buộc các trường học phải đóng cửa trong nhiều tháng qua. Dẫu vậy, ông nhấn mạnh việc đưa học sinh, sinh viên trở lại trường một cách an toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Tính đến giữa tháng 7, hàng loạt trường của khoảng 160 quốc gia vẫn đang tạm ngưng hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 1 tỷ học sinh và ít nhất 40 triệu trẻ em không được đến trường mẫu giáo. 

“Bây giờ chúng ta phải đối diện với một thảm họa thế hệ có khả năng gây lãng phí tiềm năng của con người, làm suy yếu sự tiến bộ hàng thập kỷ và trầm trọng thêm vấn nạn bất bình đẳng tồn tại bấy lâu”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận định.

Đại dịch còn thúc đẩy sự gia tăng các cuộc xung đột vũ trang và suy giảm viện trợ nhân đạo, khi các cường quốc đang tập trung chiến đấu với virus khiến những nền kinh tế vốn đã mỏng manh, chịu nhiều tàn phá do chiến tranh càng lâm vào khủng hoảng.

lo ngại xung đột vũ trang và cắt giảm viện trợ gia tăng trong và sau đại dịch COVID-19.
Lo ngại xung đột vũ trang và cắt giảm viện trợ gia tăng trong và sau đại dịch COVID-19

Bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của người đứng đầu Liên Hợp Quốc hồi tháng 3, các điểm nóng như Yemen, Libya và Syria tiếp tục xung đột căng thẳng. Đáng chú ý, những biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan dịch COVID-19 lại vô tình trở thành rào cản, cản trở những nỗ lực hòa giải và phân phối hàng viện trợ cần thiết cho người dân dễ chịu tổn thương.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hiện tại cũng tạo nên áp lực lớn lên nền kinh tế toàn cầu.

“Đó là một bức tranh ảm đạm và buồn bã. Sự sụp đổ kinh tế sẽ làm trầm trọng thêm các rối loạn, xung đột ở các quốc gia và chúng ta chỉ đang ở giai đoạn mở đầu của một bộ phim dài”, chuyên gia của Liên Hợp Quốc Richard Gowan nói.

WHO lo ngại các nước phản ứng mệt mỏi khi đại dịch kéo dài

Những ngày gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên tục họp khẩn và đưa ra nhiều khuyến cáo, sau khi ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến ở Brazil, Ấn Độ và Mỹ. Trong khi đó, nhiều quốc gia ở châu Á và châu Âu vẫn đang gồng mình ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 2.

Ủy ban Khẩn cấp WHO nhấn mạnh “đại dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài”, cảnh báo các nước có nguy cơ “phản ứng mệt mỏi” với dịch bệnh do áp lực kinh tế xã hội. Đồng thời, kêu gọi WHO thúc đẩy quá trình nghiên cứu về “những ẩn số quan trọng” còn lại của virus, như nguồn động vật gây bệnh và các ổ chứa động vật tiềm năng.

Liên Hợp Quốc cảnh báo “thảm họa thế hệ” khi đóng cửa trường học.
Liên Hợp Quốc cảnh báo “thảm họa thế hệ” khi đóng cửa trường học

WHO nhấn mạnh điểm mấu chốt, cơ bản nhất để ngăn chặn sự lây lan SARS-CoV-2 là sự quyết tâm của các nước, sẵn sàng đưa ra những lựa chọn khó khăn để đảm bảo an toàn cho người dân. Mặc dù, một số loại vắc-xin đang tiến hành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng, trước khi phát hành rộng rãi đã cho thấy nhiều phản ứng tích cực, nhưng WHO không quên kêu gọi mọi người cảnh giác, không được lơ là bởi hiện tại vẫn chưa có vắc-xin và thậm chí cũng có thể không bao giờ có.

"Đại dịch là một cuộc khủng hoảng sức khỏe lớn nhất trong thế kỷ qua, những ảnh hưởng của nó sẽ được cảm nhận trong nhiều thập kỷ tới" - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Chung Thu Hương (theo AP, CNA và The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI