WHO: Nhiều nơi đang mất nhân viên y tế do "di cư y tế quốc tế"

15/03/2023 - 06:46

PNO - Hôm 14/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các quốc gia nghèo đang đối mặt với một khủng hoảng y tế mới khi ngày càng mất nhân viên y tế "vào tay" những nước giàu hơn.

 

Các nước nghèo đang đối mặt với sự chảy máu nhân viên y tế về tay các nước giàu
Các nước nghèo đang đối mặt với sự "chảy máu" nhân viên y tế về tay các nước giàu

Sau hơn 3 năm đại dịch COVID-19, lực lượng y tế thế giới đã và đang thiếu hụt trầm trọng, một phần là do họ qua đời vì dịch bệnh, kiệt sức, một phần thì rời bỏ lực lao động vì không chịu nổi áp lực, stress... Trong khi nhiều nước đang chứng kiến sự thiếu hụt nhân viên y tế thì những nước giàu hơn đang tìm cách bù đắp tổn thất này bằng nhiều hình thức, trong đó nổi bật là thông qua tuyển dụng.

WHO cho biết, các y tá và nhân viên y tế một số khu vực ở châu Phi và Đông Nam Á có xu hướng rời đi để tìm cơ hội tốt hơn ở các quốc gia giàu có hơn như ở Trung Đông hoặc châu Âu. Cơ quan y tế của Liên hiệp quốc cho biết, hiện tượng này đã diễn ra trước đại dịch nhưng hiện đang tăng nhanh sau đại dịch và sự cạnh tranh toàn cầu đang nóng lên.

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Nhân viên y tế là xương sống của mọi hệ thống y tế. Tuy nhiên 55 quốc gia có hệ thống y tế yếu nhất thế giới không có đủ người và nhiều nơi đang mất nhân viên y tế do "di cư y tế quốc tế"”.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tiết lộ một danh sách mới của WHO về các quốc gia dễ bị tổn thương, trong đó mới bổ sung thêm 8 quốc gia đó là: Comoros, Rwanda, Zambia, Zimbabwe, Đông Timor, Lào, Tuvalu và Vanuatu.

ác y tá người Nepal cân nhắc lợi ích của mức lương NHS, bất kỳ sự cạn kiệt nhân viên nào cũng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ọp ẹp của đất nước
Các y tá người Nepal cân nhắc lợi ích của mức lương trong mơ ở Anh

Ông Jim Campbell - Giám đốc bộ phận lực lượng lao động y tế của WHO - cho biết, khoảng 115.000 nhân viên y tế đã tử vong vì COVID-19 trên khắp thế giới trong đại dịch và nhiều người khác đã bỏ nghề do kiệt sức và trầm cảm. Ông nói thêm rằng, những dấu hiệu của sự căng thẳng từ các cuộc đình công ở hơn 100 quốc gia kể từ khi đại dịch bắt đầu, bao gồm cả ở Anh và Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí nó đang lan ra các nước khác.

"Chúng ta cần bảo vệ lực lượng lao động nếu chúng ta muốn đảm bảo người dân được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế" - ông Jim Campbell nói.

Khi được hỏi quốc gia nào đang thu hút nhiều lao động hơn, ông cho biết là các nước OECD và các quốc gia vùng Vịnh giàu có nhưng cũng nói thêm rằng sự cạnh tranh giữa các quốc gia châu Phi cũng ngày càng gay gắt.

WHO cho biết tổ chức không chống lại việc di cư của người lao động nếu nó được quản lý một cách thích hợp. Vào năm 2010, WHO đã phát hành một quy tắc toàn cầu về tuyển dụng nhân viên y tế quốc tế và kêu gọi các thành viên tuân theo nó.

Thảo Nguyễn (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI