WHO khuyến nghị tiếp tục sử dụng vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca

07/04/2021 - 23:04

PNO - Hôm 6/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, họ chưa có lý do gì để thay đổi đánh giá của mình rằng lợi ích của vắc-xin AstraZeneca chống lại COVID-19 lớn hơn rủi ro.

Rogerio Gaspar - Giám đốc về chính sách quản lý và giám định của WHO - cho biết, tổ chức đang nghiên cứu chặt chẽ các dữ liệu mới nhất cùng với các cơ quan quản lý châu Âu và các nước khác, dựa trên các báo cáo về cục máu đông ở những người đã được tiêm chủng.

Phát biểu của ông Gaspar được đưa ra sau khi một quan chức cấp cao tại cơ quan quản lý dược phẩm của châu Âu cho biết có “mối liên hệ” rõ ràng giữa vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca và các cục máu đông rất hiếm gặp trong não, mặc dù nguyên nhân trực tiếp tạo ra cục máu đông vẫn chưa được biết rõ.

Cơ quan Y tế Châu Âu (EMA) cho biết trong một tuyên bố sau bình luận của Marco Cavaleri, Chủ tịch nhóm đánh giá vắc-xin, rằng họ vẫn đang tiến hành đánh giá vắc-xin và dự kiến ​​sẽ công bố phát hiện của mình vào ngày 7 hoặc 8/4.

Nhiều quốc gia đang hạn chế đối tượng tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca vì lo ngại báo có về xuất hiện cục máu đông
Nhiều quốc gia đang hạn chế đối tượng tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca vì lo ngại báo cáo về xuất hiện cục máu đông

Ông Gaspar cho biết, WHO dự kiến ​​sẽ đạt được một đánh giá mới trong vài ngày tới, sau khi nhóm cố vấn an toàn vắc-xin của họ nhóm họp, nhưng không tin rằng sẽ có lý do để cơ quan Liên Hiệp Quốc thay đổi lời khuyên của mình, rằng lợi ích từ vắc-xin vượt trội hơn bất kỳ rủi ro nào.

Ông phát biểu trong một cuộc họp báo ở Geneva: “Những gì chúng tôi có thể nói dựa trên đánh giá mà chúng tôi có trong thời điểm hiện tại, và vẫn đang được các chuyên gia xem xét, là cán cân lợi ích-rủi ro đối với vắc-xin vẫn nghiêng vế hướng tích cực”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi tiếp tục ghi nhận một số trường hợp hiếm khi có sự liên kết giữa chứng giảm tiểu cầu với các biến cố huyết khối tắc mạch; những ca đặc biệt này đang được phân loại về mặt chẩn đoán, về cơ cấu dân số và phân bố”.

Theo ông Gaspar, WHO đã liên hệ với nhiều ủy ban chuyên trách quốc gia và khu vực khác nhau để quyết định về việc sử dụng vắc-xin. Ông nói thêm: “Hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy việc đánh giá lợi ích-rủi ro đối với vắc-xin cần được thay đổi.

Trước đó, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết một số quốc gia vẫn chưa tiếp cận được vắc-xin để bắt đầu tiêm chủng cho nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19.

Lý do một phần vì các quốc gia và khu vực đang tìm cách ngăn chặn xuất khẩu vắc-xin. Trong đó, vắc-xin AstraZeneca là đối tượng chính bị tranh giành khi cả Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ - nơi đặt các nhà máy sản xuất – đều có lệnh hạn chế xuất khẩu vắc-xin.

Hiện WHO đang xem xét các loại vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc, bao gồm Sinovac do hãng Sinofarm sản xuất, để chuẩn bị đưa vào danh sách vắc-xin có thể sử dụng khẩn cấp vào khoảng cuối tháng 4/2021.

Linh La (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI