WHO kêu gọi G7 đẩy mạnh hỗ trợ chống dịch COVID-19

04/05/2021 - 06:57

PNO - WHO kêu gọi G7 tài trợ cho việc phát triển và phân phối các mũi tiêm vắc-xin, xét nghiệm và điều trị COVID-19.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nhóm 7 cường quốc công nghiệp có khả năng tài trợ cho vắc-xin, thử nghiệm và phương pháp điều trị cần thiết để chiến thắng đại dịch, đồng thời phá bỏ các rào cản đã ngăn chặn quá trình đẩy nhanh sản xuất vắc-xin thời gian qua.

Người đứng đầu WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus - kêu gọi G7 đưa ra các hành động quyết định tại hội nghị thượng đỉnh ngày 11-13/6 tới đây, do Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì ở Cornwall, tây nam nước Anh.

"Các nước G7 là những nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị của thế giới. Họ cũng là quê hương của nhiều nhà sản xuất vắc-xin toàn cầu. Chúng tôi sẽ chỉ giải quyết được cuộc khủng hoảng vắc-xin với sự lãnh đạo và hỗ trợ của các quốc gia này” - ông Tedros nói trong một cuộc họp báo. 

WHO kêu gọi G7 tài trợ cho việc phát triển và phân phối các mũi tiêm vắc-xin,
WHO kêu gọi G7 tài trợ cho việc phát triển và phân phối các mũi tiêm vắc-xin

Chương trình Access to COVID-19 Tools Accelerator để tìm kiếm, phát triển và phân phối các mũi tiêm, xét nghiệm và điều trị COVID-19, còn thiếu 19 tỷ USD so với mục tiêu 22 tỷ USD trong năm nay. Và sẽ cần thêm 35-45 tỷ USD trong năm tới để đảm bảo hầu hết người lớn trên khắp thế giới đều được chủng ngừa.

Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới có hành động quyết định ngay lập tức: "Tôi nói với G7... các bạn có quyền lực và khả năng chi trả gần 2/3 chi phí và đảm bảo một bước đột phá lịch sử bằng cách đồng ý chia sẻ gánh nặng công bằng".

Ông Brown nói thêm, dựa trên thu nhập quốc dân, sự giàu có và lợi ích từ việc nối lại thương mại, Hoa Kỳ nên trả 27% chi phí; châu Âu 23%; Nhật Bản 6%; Anh 5%; Canada cùng với Hàn Quốc và Úc mỗi nước 2%.

Theo số liệu của AFP, gần 1,2 tỷ liều vắc-xin COVID-19 cho đến nay đã được tiêm trên toàn thế giới nhưng chỉ 0,2% trong số đó được phân phối cho 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, nơi sinh sống của 9% dân số toàn cầu.

Và, chương trình phân phối vắc-xin công bằng COVAX phần lớn đã bị ngưng trệ bởi các quốc gia giàu có thực hiện các thỏa thuận của riêng họ với các nhà sản xuất.

Chung Thu Hương (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI