Vun đắp niềm vui sống

03/11/2015 - 07:25

PNO - Tuần qua, nữ ca sĩ Hàn Quốc Kim Huyn Ji đã tự tử để kết thúc chuỗi bi kịch cuộc đời.

Không muốn đơn độc trong hành trình đau đớn này, cô còn rủ hai người đàn ông mới quan trên mạng chết cùng mình. Họ có điểm chung là bế tắc, mất phương hướng. Xác của cả ba người được tìm thấy trong một chiếc ô tô đóng kín cửa.

Vụ việc khiến nhiều người bàng hoàng, vì đây là cái kết buồn của chuỗi ngày sống đau khổ mà Kim Hyun Ji từng nhiều lần chia sẻ với công chúng. Tuổi thơ của cô là nước mắt của mẹ, là những trận đòn từ bố.

Trưởng thành, Kim Hyun Ji theo đuổi niềm đam mê ca hát nhưng cũng không thành công. Loay hoay giữa hiện tại và quá khứ, sự tự ti chất chồng kéo cô rơi xuống vũng lầy bi quan. Ai cũng biết nỗi đau tâm hồn của cô gái trẻ này nhưng không có ai bên cạnh vực cô dậy. Chính cô cũng không cho mình cơ hội tìm kiếm những điều tốt đẹp hơn trong cuộc đời, mà vội vàng kết liễu sinh mệnh quý giá của mình.

Chúng ta đều rất dễ gặp khủng hoảng trong cuộc sống, nhất là với những người trẻ chưa đủ bản lĩnh đón nhận áp lực. Tại nhiều nước, số người tự tử tăng dần qua mỗi năm.

Ở Hàn Quốc, trung bình mỗi năm có 15.000 người tự chọn cái chết (trung bình 43 người/ngày). Vì thế, việc tìm hiểu về cái chết, tự cầm di ảnh, chứng kiến tang lễ của mình trong những khóa học cách yêu cuộc sống đang ngày càng thu hút nhiều người ở Hàn Quốc.

Chứng kiến khoảnh khắc kết nối lại với sự sống đã khiến nhiều người thay đổi thái độ. Họ biết sống lạc quan, tích cực hơn, bù đắp lại chuỗi ngày mình quá hờ hững với cuộc đời tươi đẹp, quý báu. Người tham gia phần lớn là các bạn trẻ không tìm thấy động lực sống, có dấu hiệu buông xuôi.

Vun dap niem vui song
Các bạn trẻ học cách yêu cuộc sống từ trải nghiệm cái chết - Ảnh: AGENCE VU

Bắt đầu khóa học, Giám đốc Trung tâm kỹ năng sống thanh niên Seoul, ông Jeong Yong-mun (cựu nhân viên mai táng) chia sẻ với bạn trẻ về những khó khăn, trở ngại, sai lầm mà bất cứ ai cũng có thể vấp phải và cách thức mỗi người đối diện để vượt qua.

Sau đó, mọi người làm thủ tục chụp di ảnh, nhận trang phục truyền thống cho lễ nhập quan. Từ khoảnh khắc ấy, từng người đối diện với chính mình trong không khí tĩnh lặng, như họ đang ở nhà tang lễ. Mỗi người nhận viết, giấy, tự soạn di chúc.

Đây là giây phút lắng đọng cho họ cơ hội nghĩ đến những người thân yêu, nghĩ đến nỗi đau mà người ở lại phải gánh chịu, nghĩ đến cuộc đời đầy ý nghĩa mình muốn bỏ phí.

Anh Par Jong-hin, phụ huynh của một bạn trẻ tham gia chương trình tại Trung tâm Phục hồi Hyowon kể, con anh không thể vượt qua áp lực thi cử và ngày càng có dấu hiệu trầm cảm. Sau khi tham gia khóa học, con anh đã cởi mở hơn, biết lấy học tập làm niềm vui bên cạnh việc mở rộng các quan hệ xã hội, dành thời gian cho những sở thích bấy lâu bỏ quên.

Bức bối, không thể chia sẻ cùng ai là mẫu số chung của rất nhiều người trước khi quyết định tự tử. Nhiều chuyên gia tâm lý khẳng định, nếu có ai đó đủ quan tâm và bên cạnh để giúp họ trấn tĩnh, gỡ rối thì có thể sẽ không xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Nhật Bản là quốc gia có số người tự tử cao nhất thế giới với 25.000 người tự kết liễu cuộc đời trong năm ngoái. Tháng Chín vừa qua, dịch vụ Ikemeso ra đời, dành cho nữ giới.

Tốn khoảng 64 USD, khách hàng được trải qua liệu trình điều trị tâm lý bằng cách xem phim, sách có nội dung xúc động. Khi họ khóc, một nhân viên nam điển trai sẽ lau nước mắt cho họ.

Mọi hoạt động diễn ra trong phòng đều được giám sát, tránh biến tướng. Gần đây, học cách khóc đang là một dịch vụ phổ biến ở Nhật Bản. Takashi Saga, tự nhận là “phù thủy nước mắt”, đã tiên phong trong việc mở lớp dạy người ta trải lòng bằng cách khóc. Takashi nói: “Chúng ta khóc và bước tiếp. Hãy dũng cảm cho người khác thấy rằng bạn đang bức bối. Hãy quẳng những nỗi lo rồi vui sống”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI