'Vũ khí gia đình' mùa dịch

23/02/2020 - 15:52

PNO - Nỗi sợ hãi, lo lắng của cộng đồng khiến người ta tìm về gia đình nhiều hơn, xem đây như chỗ trú ẩn an toàn. Nhưng ai cũng biết rằng chuyện này sẽ không kéo dài mãi.

Chị Hạnh Dung mến,

Từ sau tết đến nay, nhà nhà đều lo lắng phát sốt với dịch bệnh, nhà em cũng không ngoại lệ. Nhưng em còn có một suy nghĩ âm thầm không muốn nói ra, đó là em thấy tâm lý sợ hãi bệnh dịch của những người thân trong nhà chỉ là ngán ngại, chờ thời mà thôi. Dạo này mọi người chăm về ăn cơm nhà hơn, cũng có đeo khẩu trang, rửa tay… nhưng cứ như thể chờ sẵn để nghe tình hình khả quan hơn một chút là các vị ấy nhào ra đường ngay. 

Hiện em vui vì chồng con ở nhà, gia đình đông đủ nhưng cứ nơm nớp lo vì không biết ngày mai ngày mốt rồi sẽ ra sao. Khi con nhỏ đi học trở lại đã là một chuyện phải lo rồi. Mai này đến khi kiểm soát được tình hình, mọi chuyện trở lại bình thường, lúc đó mới là lúc mọi người “bung xõa”, bù lại những ngày phải giam mình trong nhà, hạn chế tụ tập bạn bè. 

Chỉ nghĩ đến niềm vui níu giữ được chồng con ở nhà với mình thôi thì thật là ích kỷ, em vẫn đang loay hoay nghĩ cách "tính tới” để khi mọi chuyện yên ổn vẫn có thể có được không khí gia đình sum vầy, đầm ấm; vẫn giữ được chồng con tránh xa bia rượu, nhậu nhẹt đàn đúm.

Lúc người ta ở nhà với mình mà không tính, mai kia làm sao mà cột chân cột cẳng người ta được, phải không chị? Chị có cách nào giúp em với…

Tố Linh (TP.HCM)

Em Tố Linh thân mến, 

Nhiều bà nhiều chị, qua cái tết rồi, cũng đang nghĩ như em. Mình cũng có may mắn là không bị tàn phá nặng nề bởi dịch bệnh như người ta. Trong cái may đó có phần công sức của cả hệ thống chính quyền, của các cơ quan hữu quan nhưng có phần đóng góp thầm lặng mà quan trọng lắm từ phía các bà nội trợ: chăm lo cho gia đình mình, gìn giữ từng người thân của mình bằng bữa cơm nhà nấu, chai xà phòng rửa tay, cái khẩu trang hay căn phòng sạch sẽ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nỗi sợ hãi, lo lắng của cộng đồng khiến người ta tìm về gia đình nhiều hơn, xem đây như chỗ trú ẩn an toàn. Nhưng ai cũng biết rằng chuyện này sẽ không kéo dài mãi. Lo lắng cho ngày mai là một cách “tính tới” tích cực. Thực tế, bài tính đó đã bắt đầu từ hôm nay rồi. 

Khi khối lượng công việc của các bà nội trợ tăng lên, đừng vội bực bội, cằn nhằn. Đây là một dịp để xã hội và gia đình đánh giá đúng vai trò của mình. Em hãy tin và dựa vào những người đàn ông của gia đình, hỏi họ về cách phòng tránh, lắng nghe họ, biến họ thành các chuyên gia hướng dẫn cho cả nhà.

Tất nhiên mình có hiểu biết, mình cũng được cập nhật thông tin nhưng hãy dành cái trách nhiệm và vinh dự “cứu thế giới” cho những người đàn ông. Hơn lúc nào hết, hãy trả cho họ vai trò trụ cột của gia đình, để họ lèo lái đưa con thuyền gia đình vượt qua quãng hiểm nguy này.

Nhiều bà nội trợ “tài lanh”, tỏ ra mình mới là người biết chuyện, mới là người bảo vệ gia đình, coi chồng con là những đứa con nít không biết chút gì về vệ sinh phòng bệnh, bắt cả nhà nhất nhất tuân thủ từng li từng tí quy định của mình trong mùa dịch… Đó là cách làm mệt mình mà hiệu quả chẳng thêm được mấy.

Vì hoàn cảnh phải bó chân buộc cẳng ở nhà, nay thêm bà vợ tự cho mình có “quyền quyết định” tối thượng nữa, thì việc ở nhà hóa thành bị “giam lỏng” rồi. Trong trường hợp này, tâm lý chờ tháo cũi sổ lồng là đương nhiên, mà thái độ thụ động nín thở qua sông cũng là dễ hiểu. 

 “Lạt mềm buộc chặt” là lúc này đây. Những cơn thịnh nộ của tự nhiên luôn là dịp để con người phải nhìn lại mình, phải học và hiểu từ những mất mát đã xảy ra. Những vũ khí cực mạnh của gia đình vẫn có thể đang nằm đâu đó trong kho nhà em, chưa được lôi ra lau chùi, sử dụng hết. Chúc em tìm được chúng để gìn giữ gia đình. 

Hạnh Dung

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC:

Khuê Lê (Q.11, TP.HCM): Cứ vui và tận hưởng

Đọc mấy dòng của bạn gửi, tôi bất giác phì cười. Tôi muốn hỏi bạn chân thành, bây giờ bạn muốn gì nhất?
Đã lâu lắm rồi, chồng tôi mới ở nhà nhiều như vậy, nối tiếp quy định xử phạt nồng độ cồn, nối tiếp những ngày nghỉ tết và những ngày này.

Cả nhà tôi ăn cơm tối cùng nhau, xen kẽ xin nghỉ phép hoặc xin về sớm với con. Bản thân chồng tôi cũng tự thấy rằng ở nhà cũng vui, đã dần quen rồi. Tự nhiên quên cảm giác ồn ào xôn xao nhậu nhẹt la cà. Tôi thực sự cảm ơn điều đó.

Tôi vui, nên luôn muốn niềm vui này kéo dài mãi. Muốn cả nhà cảm nhận được sự ấm áp này, tôi liên tục đổi món, bày trò cho con nấu nướng món mới. Ngoài ra, tối tối, tôi còn rủ rê cả nhà ca hát, nhảy múa. Nhà tôi những ngày này rộn rã tiếng cười.

Tôi tin rằng chồng tôi cũng cảm nhận được niềm vui ấy - niềm vui của sự gần gũi, gắn kết giữa các thành viên trong gia đình giữa thời điểm cả xã hội đang lo lắng vì vi-rút Corona. Tôi chẳng tính gì lúc này cả bạn ạ. Cứ vui và tận hưởng thôi. Với sự chân thành của mình cùng thói quen cả nhà đã dần xây dựng được suốt thời gian qua, tôi tin rằng niềm vui ấy sẽ tiếp tục kéo dài ngay cả khi dịch bệnh qua đi.

Châu Uyên (Q.Tân Bình, TP.HCM): Cơ hội để hàn gắn, làm mới

Nhà tôi dạo này cũng hệt như những gì bạn kể. Quả thật đó là những gì các bà vợ đều mong. Câu nói trong “nguy” có “cơ” đúng trong thời điểm này hơn bao giờ hết.

Đây là lúc xảy ra quá nhiều những mối lo lắng, bận rộn nhưng cũng là cơ hội hàn gắn, làm mới hạnh phúc gia đình. Những ngày qua, tôi tranh thủ lên youtube học mấy bài massage cơ bản, mua tinh dầu và dầu massage để tối tối vợ chồng tôi massage cho nhau. Những va chạm rất đời và rất gần gũi. Tôi cũng mua một số món nhấm nháp để tối tối sau khi con ngủ, vợ chồng tôi lại có những khoảnh khắc riêng tư trò chuyện, nhắc chuyện hẹn hò, ngắm đường phố… từ ban-công nhà mình. Tôi thấy chồng tôi hưởng ứng khá hào hứng. Không chỉ thế, trong cách hành xử thường ngày, dường như anh cũng ngọt ngào với tôi hơn, dẫu chưa thể như thời mới yêu. Với tôi, sau chục năm chung sống, chỉ vậy thôi cũng đủ để hạnh phúc.

 

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gởi về:

hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI