23 năm giành giật sự sống với ung thư chỉ mong được sống để chăm sóc cha mẹ

08/07/2025 - 07:10

PNO - Trên chiếc bàn trước mặt chị Long Ngọc Liên (38 tuổi, phường An Lạc, TPHCM) là một “núi” thuốc. Vừa cố gắng tập trung nghe giọng nói ngọng nghịu của chị, vừa nhìn vào cánh tay không ngừng ra hiệu, tôi lờ mờ hiểu, mỗi ngày chị uống rất nhiều loại thuốc, thuốc điều trị ung thư, thuốc giảm đau, thuốc thận, thuốc ngủ…

Số thuốc mà chị Long Ngọc Liên phải uống hàng tháng
Số thuốc mà chị Long Ngọc Liên phải uống hàng tháng

Chỗ nào tôi nghe không thể hiểu, chị lấy bút viết vào lòng bàn tay rồi chìa ra. Những nét chữ ngay ngắn, rõ ràng, dù chị chỉ mới học đến lớp Năm.

Vết tích bệnh tật in rõ trên cơ thể chị Liên. Khắp vùng cổ của chị đầy vết sẹo. Mái tóc thì lưa thưa lộ rõ da đầu. Hàm gần như không há được để có thể ăn uống, nói chuyện bình thường. Chỉ có điều không giống người bệnh, đó là chị hay nhoẻn cười dù nụ cười không rõ hình hài, và khuôn mặt ít khi lộ nét bi quan, mệt mỏi.

Chị đã chiến đấu với ung thư suốt 23 năm. Năm 15 tuổi, một cái hạch nhỏ nổi trên cổ chị rồi nằm yên ở đó. Chị cũng hay bị chảy máu cam. Có những đêm ngủ say, máu cam chảy ướt sũng gối. Bà Phòng Tuyết Mai, mẹ chị, lo lắng đưa con đi bệnh viện, bác sĩ thông báo chị bị ung thư vòm hầu. Quá trình điều trị khiến tuyến nước bọt của chị Liên bị tổn thương, xương hàm hoại tử, do đó, chị không thể há miệng, nhai nuốt, nói chuyện.

Ước nguyện của chị là mở được hàm, ăn uống bình thường để đi làm, kiếm tiền về lo cho gia đình
Ước nguyện của chị là mở được hàm, ăn uống bình thường để đi làm, kiếm tiền lo cho gia đình

Gia đình có 2 người con, một bệnh tật, một đang tuổi đến trường, rơi vào cảnh khốn khó. Bà Mai một đời nội trợ, đến lúc khó khăn cũng không thể ra ngoài kiếm tiền vì phải chăm sóc con. Mọi gánh nặng đổ dồn lên vai người cha với đồng lương ít ỏi, không thấm vào đâu so với chi phí điều trị trường kỳ.

Kết quả kiểm tra hội chẩn gần đây của Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho thấy khối u của chị Liên đã tái phát và di căn xương nền sọ. Tiến triển của bệnh khiến chị thường xuyên đau nhức vùng đầu. Tuy nhiên, vì chi phí điều trị quá cao, chị chọn điều trị duy trì, mỗi tháng xạ trị 1 lần kết hợp uống thuốc, tốn khoảng 1,5-2 triệu đồng. Hiện nay, em gái chị trở thành lao động chính trong gia đình. Mức lương 8 triệu đồng của người em gái vừa gồng gánh chi phí sinh hoạt cho cả gia đình, vừa lo thuốc men cho chị Liên và người cha già đang mắc nhiều căn bệnh, không còn khả năng chủ động trong sinh hoạt hằng ngày.

Bệnh tật là vậy, chị Liên vẫn cố gắng nhận hàng về nhà gia công. Tuy nhiên, chỉ có mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, chị mới có hàng để làm
Dù bệnh tật, chị Liên vẫn cố gắng nhận hàng về gia công. Tuy nhiên, chỉ có mùng Một và ngày rằm hàng tháng, chị mới có hàng để làm

Khi được hỏi về ước mơ hiện tại, chị Liên ước ao có thể mở miệng ăn uống bình thường. Khi đó, chị sẽ đi làm để kiếm tiền lo cho gia đình. Và khi được hỏi sức mạnh nào đã giúp chị sống chung với bệnh tật suốt 23 năm qua, chị chụm 5 ngón tay chỉ lên trần nhà rồi quay ngược chỉ xuống nền đất, muốn nói rằng đã không ít lần chị muốn nhảy lầu kết thúc cuộc đời vì quá bí bách. Nhưng ngay sau đó, chị chắp đôi bàn tay trước ngực, cho biết mỗi lần như vậy, chị lại niệm Phật, mong có thêm sức mạnh vượt qua nỗi đau bệnh tật, với tâm nguyện duy nhất là được tiếp tục sống để chăm sóc cha mẹ ở tuổi xế chiều.

Mọi đóng góp của bạn đọc giúp chị Long Ngọc Liên chữa bệnh, xin gửi trực tiếp đến Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường Bàn Cờ; qua đường bưu điện hoặc tài khoản từ thiện: Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, số 1800676768, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Kỳ Hòa; hoặc số 0071001049165, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - chi nhánh TPHCM (VCB-CN HCM). Chúng tôi sẽ chuyển đến tận tay gia đình.

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI