PNO - Từ quê nhà Vĩnh Long, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền đã đến vùng gò đồi Sóc Sơn, TP Hà Nội tìm hiểu về nguồn dược liệu và biến nơi đây thành vùng trồng cây thuốc trù phú.
Cơ duyên với cây dược liệu của bà Thanh Tuyền bắt nguồn từ “tự ái nghề” cách đây hơn 20 năm. Khi đó, thường xuyên tiếp xúc với khách quốc tế, bà chạnh lòng khi thấy du khách nước ngoài đến Việt Nam nhưng lại tìm mua các loại đông dược của Trung Quốc, Hàn Quốc làm quà.
Bà Thanh Tuyền (bìa trái) giới thiệu về cây trà hoa vàng - Ảnh: M.T.
Bà tự hỏi: “Việt Nam có nhiều loài cây thuốc quý, sao không được thế giới biết đến?”. Quyết tâm tìm câu trả lời, bà mày mò tìm hiểu về dược liệu. Một lần tình cờ, bà biết đến trà hoa vàng - loài cây có dược tính cao đang bị khai thác theo kiểu tận diệt. Sau nhiều chuyến từ miền Tây Nam Bộ ra các tỉnh miền núi phía Bắc để khảo sát, tìm hiểu về trà hoa vàng, người phụ nữ quê Vĩnh Long ấy quyết định gắn bó với ngành dược liệu, chọn huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội làm nơi ươm mầm và bảo tồn những giống cây thuốc quý.
Năm 2014, rời Hội Đông y tỉnh Đồng Nai, bà Thanh Tuyền đặt chân lên đất Sóc Sơn, quyết tâm biến những quả đồi cằn thành vùng dược liệu. Bà nhớ lại: “Khi tôi đến đây, đường còn chưa có, phải vạch lá rừng mà đi. Nhưng trong đầu tôi đã hình dung ra một vùng trồng cây thuốc, một tương lai tươi sáng cho người dân nơi này”. Ý tưởng của bà đã nhận được sự ủng hộ của một số người bạn chung tâm huyết. Họ cùng góp vốn gầy dựng khu vườn dược liệu đầu tiên ở xã Bắc Sơn với tổng vốn đầu tư ban đầu 6 tỉ đồng - số tiền không nhỏ vào thời điểm đó.
Đất đai cằn cỗi, thiếu nước tưới, kiến thức chuyên môn gần như bằng 0, bà phải tự học, tìm đến chuyên gia và mày mò thực hành kỹ thuật trồng cây dược liệu. “Có những đêm, tôi thức trắng để đọc tài liệu về các loài cây, sáng liền ra vườn trồng thử nghiệm. Nhiều khi cây chết, tôi cũng nản, nhưng nghĩ đến mục tiêu ban đầu, nghĩ đến những cây thuốc quý đang dần biến mất, tôi lại có thêm động lực để cố gắng” - bà tâm sự.
Biến đất cằn thành vùng trồng cây thuốc
Từ những kiến thức học được, bà tập trung trồng các loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Sóc Sơn và đặc biệt chú trọng đến bảo tồn, phát triển cây trà hoa vàng. Không chỉ trồng, bà còn hợp tác với các nhà khoa học để nghiên cứu dược tính của trà hoa vàng để làm dược phẩm và mỹ phẩm.
Để có nhiều giống cây dược liệu quý, bà phải lặn lội vào rừng sâu, hoặc ra nước ngoài tìm mua. Sau hơn 10 năm kiên trì, vùng đất Sóc Sơn cằn cỗi ngày nào đã khoác lên mình màu xanh trù phú của dược liệu. Từ 5ha ban đầu, diện tích trồng trà hoa vàng và các loài cây dược liệu khác đã không ngừng mở rộng lên hàng trăm héc ta. Khu vườn đồi của Hợp tác xã (HTX) Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn - nơi bà Thanh Tuyền làm giám đốc - không chỉ là nơi trồng trọt mà còn là nơi lưu giữ gần 100 loài cây dược liệu, trong đó có những loài đang cần được bảo tồn.
Để bảo vệ những “báu vật” này, bà áp dụng các phương pháp canh tác hữu cơ nghiêm ngặt, không dùng chất hóa học. Bà chủ trương dùng các loại thuốc trừ sâu thảo mộc và phân bón hữu cơ, khuyến khích người dân trồng dược liệu quanh nhà theo hướng an toàn. Nhờ vậy, chất lượng dược liệu luôn được đảm bảo, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Bên cạnh trồng trọt, bà còn cùng các xã viên nghiên cứu, chế biến và chiết xuất thành công gần 30 dòng sản phẩm từ cây thuốc. “Thấy bà con tin tưởng tìm đến mình ngày càng nhiều, tôi càng có thêm động lực để gắn bó với dược liệu” - bà nói.
Chắp cánh cho dược liệu Việt vươn tầm quốc tế
HTX Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn đã sớm áp dụng các tiêu chuẩn GACP-WHO, VietGAP vào quy trình sản xuất, giúp sản phẩm đạt chất lượng, có thể xuất khẩu. Bà Thanh Tuyền không ngừng tìm kiếm các đối tác nước ngoài, tham gia các chương trình giao lưu nông nghiệp để quảng bá dược liệu Việt Nam. Nhờ đó, dược liệu của HTX đã chinh phục được thị trường Nhật Bản vốn nổi tiếng khắt khe về chất lượng và độ an toàn.
Bà Thanh Tuyền (thứ hai từ trái sang) trên cánh đồng trồng cây ngưu bàng - Ảnh: M.T.
Ngày 20/8/2023, HTX Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn đã cùng Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam (VDECA) ký biên bản hợp tác và hợp đồng cung ứng dược liệu hữu cơ, chuyển đổi số, quản lý chất lượng bằng công nghệ phần mềm eGap, đăng ký tiêu chuẩn sản xuất Nhật JAS cho các sản phẩm chính của HTX như trà hoa vàng, magi đậu đen, mật ong, trà bát hoa… Năm 2024, công trình “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị sinh học, dược học của trà hoa vàng Hakoda” của bà Thanh Tuyền được Bộ Khoa học và Công nghệ trao giải Khuyến khích, hạng mục “Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống”.
Hiện nay, HTX của bà Tuyền liên kết chặt chẽ với nhiều công ty dược lớn trong nước như Dược phẩm Hoàng Giang, Dược liệu Indochina, nhận được sự hỗ trợ nghiên cứu của Viện Hóa dược, Viện Đào tạo và Ứng dụng khoa học, công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, nhiều sản phẩm từ các vườn dược liệu của HTX được bao tiêu với giá cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Các thành viên HTX từ người trồng, người chăm sóc, người thu hái đến người sơ chế, đóng gói sản phẩm đều được đào tạo bài bản về kỹ thuật canh tác hữu cơ, các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn lao động.
“Cái được nhất của tôi không chỉ là có khu bảo tồn, phát triển dược liệu mà còn truyền được cảm hứng cho nhiều chị em. Thấy họ có cuộc sống ổn định hơn, tôi nghĩ mọi khó khăn mình đã trải qua đều xứng đáng” - bà Thanh Tuyền xúc động nói.
Nhiều nông dân đổi đời nhờ trồng cây dược liệu
Vừa thu hoạch vụ ngưu bàng thứ hai, ông Hoàng Văn Trãi cho hay, với giá thu mua của HTX Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn là 90.000 đồng/kg, mỗi héc ta ngưu bàng cho thu nhập 500 triệu đồng/vụ, cao hơn hẳn mọi giống cây mà ông từng trồng ở đây. Năm đầu tiên, gia đình ông được HTX đầu tư toàn bộ giống, phân bón để trồng thử nghiệm, từ năm thứ hai trở đi mới phải tự đầu tư.
Ông Dương Đồng Huân - cán bộ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Sóc Sơn (cũ) - cho biết, mô hình liên kết trồng cây dược liệu, bao tiêu đầu ra như của HTX Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn đang giúp nông dân có nguồn thu nhập cao và ổn định.