Từ vụ bé gái 3 tháng tuổi bị người thân xâm hại: Không dễ trả lời câu hỏi “cha mẹ của bé ở đâu?”

01/07/2025 - 17:26

PNO - Việc nhờ người thân, hàng xóm, đồng nghiệp... trông giữ con giúp mình cũng có thể tạo ra những kẽ hở, vô tình “giao trứng cho ác”.

Trong bài viết có tựa đề Mọi ân hận đều đã muộn màng, tác giả đã đưa những cảnh báo cần thiết trong phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.

Ở đoạn kết, tác giả nhấn mạnh: “Bạn đã sinh ra một đứa trẻ tuyệt vời. Nhiệm vụ của bạn là bằng mọi cách, bằng mọi giá bảo vệ và giúp đứa trẻ ấy lớn lên an toàn, khỏe mạnh và không được phép rời mắt khỏi con”.

Tôi hoàn toàn đồng ý với khuyến cáo này, nhưng cũng muốn giãi bày: trong thực tế có những hoàn cảnh éo le mà người ngoài không thể hiểu được. Cụ thể với tôi, có những lúc tôi bất lực trong việc bảo vệ con, bởi cuộc đời đã phân cho tôi vào vai người mẹ đơn thân nghèo khó.

Bé Gà Con nghi bị xâm hại tình dục tại Nhà Bè năm 2019 và nỗi đau vụ án chìm xuồng - Ảnh: Tô Diệu Hiền
Bé Gà Con nghi bị xâm hại tình dục tại Nhà Bè năm 2019 và nỗi đau vụ án "chìm xuồng" - Ảnh: Tô Diệu Hiền

Kết hôn, ai chẳng mong có người đi suốt hành trình cuộc đời, cùng nuôi dạy, chăm sóc bảo vệ con. Nhưng tôi không may gặp người chồng mê cờ bạc, sống vô trách nhiệm. Dù đã có với nhau 2 mặt con, nhưng tôi đành phải chọn giải pháp ly hôn để không bị liên lụy về nợ nần, không bị những kẻ cho vay nặng lãi rình rập, đe dọa.

Tôi một nách 2 con, đứa lớn mới lên 5, đứa nhỏ vừa thôi nôi, lại ở nhà trọ nên gánh chi phí sinh hoạt khá nặng. Tôi phải gửi con ở nhóm trẻ gia đình, đi làm công ty và tăng ca thường xuyên để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Tất nhiên, tôi có ý thức cảnh giác và cẩn trọng trong việc chọn nơi gửi con, nhưng tôi không thể nào tận mắt chứng kiến diễn biến một ngày dài quanh con. Hơn nữa, nơi giữ trẻ có camera hay nơi không có thì mức học phí khác nhau. Đó là bài toán mà tôi luôn phải cân nhắc đau đầu.

Có khi đang giữ con mà gặp sự cố sức khỏe hay bận việc đột xuất, tôi gửi con cho hàng xóm trông nom. Có nơi để gửi là mừng rồi, tôi đâu có quyền đòi hỏi nơi này ổn không, có rộng thoáng không, có người xấu không… Đành phó mặc cho may rủi.

Nhớ lại hồi xưa ở quê, mẹ tôi không may bị đau ruột thừa, ba tôi cấp tốc đưa mẹ đưa bệnh viện. Các chị em tôi tan tác, đứa thì được gửi bác Hai, đứa thì qua nhà bạn học xin ngủ, đứa lại bám trụ tại nhà.

Có ông khách đến nhà bác Hai xộc vào phòng riêng của tôi trong tình trạng say xỉn, tôi hoảng quá chạy băng lộ về hướng nhà mình, bất chấp xe cộ lưu thông trên đường. Con của bác Hai phát hiện việc tôi trốn thoát, đã lấy xe đạp đuổi theo và hộ tống tôi tới nhà. Tuy nhiên, tối đó, người lớn vẫn để cho đám trẻ chúng tôi tự xử, không cắt cử người đến trông nom, chăm sóc và canh chừng kẻ xấu.

Tôi từng ám ảnh một vụ nghi án xâm hại tình dục bị chìm xuồng ở một nhà giữ trẻ. Khi cô giữ trẻ đi chợ, đi ăn tiệc… đã giao lại nhóm trẻ cho chồng, các con gái, con trai của cô ấy, và những người thay thế này đã lợi dụng các tình huống để thực hiện hành vi xâm hại các trẻ. Phụ huynh đồng loạt nhận thấy những vấn đề ở con mình và đi tố giác, nhưng vụ việc không đi đến đâu vì không thu thập được chứng cứ đủ giá trị pháp lý.

Có người cho rằng, đã chấp nhận đẻ con là đã hoạch định sẵn phương án bảo vệ con, tuy nhiên không ai lường trước được những rủi ro có thể ập xuống gia đình nhỏ, tước đi những nguồn lực cơ bản để bảo vệ con. Ví dụ như cha mẹ của vợ hoặc chồng đột ngột qua đời, hoặc bệnh tật, dồn gánh nặng kinh tế, chăm sóc, giáo dục con lên vai người còn lại. Việc nhờ sự hỗ trợ của người thân, hàng xóm, đồng nghiệp, thậm chí các tổ chức xã hội cũng có thể tạo ra những kẽ hở, vô tình “giao trứng cho ác”.

Có trường hợp, do công việc thay đổi, do cha (hoặc mẹ) phải dồn sức học tập, tu bổ nghiệp vụ, thậm chí chấp nhận đi công tác xa, đành rời tay các con. Với câu hỏi “lúc đó người thân của bé ở đâu?”, nhiều cha mẹ trả lời được, nhưng mãi không khắc phục được, vì áp lực cuộc sống.

Tôi từng đọc được trên báo về mô hình nhà trẻ tại nơi làm việc, trẻ được trông giữ bởi những người có chuyên môn, được giám sát và mẹ/ cha có thể thăm gặp ngay trong giờ làm việc. Tôi thực sự tâm đắc và mong muốn công ty mình cũng triển khai mô hình an toàn, lý tưởng như vậy.

Nhà nước đang kêu gọi khuyến sinh, nhưng nếu chưa có sự hỗ trợ đủ lớn và lâu dài để bảo đảm trẻ sinh ra được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, đầy đủ thì các cặp vợ chồng hẳn sẽ phân vân, ngần ngại. Pháp luật xử nghiêm minh những đối tượng tấn công trẻ em, xã hội chung tay đồng hành, cùng tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ cha mẹ đơn thân, khó khăn... Có như vậy mới tạo niềm tin và động lực khuyến sinh.

Diệu Ngân (TP Thủ Đức)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI