"Vọng phu thê" giữa hai tâm dịch

04/10/2021 - 06:00

PNO - Mỗi người đi làm ăn xa đều là một phần của gia đình ở quê. Đã mấy tháng nay, những cuộc điện thoại vợ gọi chồng, chồng gọi vợ giữa hai bờ giãn cách ngập tràn tin thời sự dịch bệnh và những nỗi lo…

Cất tin xấu cho riêng mình

Cuối tháng Chín, tin chị Nguyễn Thị T. tử vong vì COVID-19 tại Bình Dương làm người dân xóm Cái Hố bàng hoàng. Bởi chỉ riêng xóm Cái Hố (xã An Thạnh Trung, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang) có gần 200 người đi làm ăn xa đang bị kẹt lại Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM…

Ngày 13/9, anh Nguyễn Văn Hồ ở xã Long Kiến, H.Chợ Mới nghe tin gia đình vợ có hơn chục người bị dương tính với SARS-CoV-2. Họ đều là những người cùng vợ anh đi làm công nhân và kẹt lại Bình Dương.

Nhận tin, anh tức tốc gọi cho vợ: “Mẹ và con nhớ phải súc nước muối ngày 3 - 4 lần, phải uống nước ấm, nhớ xức dầu vô mũi, không được ra khỏi nhà, ăn uống, có gì ráng ăn đó nghen…”.

Sau mỗi tiếng “nghen” của chồng, chị Lương Thị Ngọc Điệp (41 tuổi, làm ở Công ty TNHH Worldon Việt Nam, Bình Dương) lại cười: “Biết rồi”. Khi anh Hồ dứt lời, chị Điệp nhằn: “Một ngày ông dặn mấy chục lần, tui biết rồi. Hai mẹ con tui bình thường, còn đồ ăn người ta cho ăn không hết. Ông đừng lo”. 

Rồi đến lượt chị nhắc tuồng anh chồng đang ở nhà chăm đứa con sáu tuổi: “Ông ở nhà đừng có nhậu nhiều, đừng có la cà ngoài đường nghen. Tình hình dịch ở Chợ Mới cũng tùm lum rồi đó. Ông đi làm nhớ cẩn thận và ráng lo cho con Út nghen”.

Chị Huỳnh Ngọc Loan tham gia tổ chức thiện nguyện  ở địa phương đi hái bắp, rau củ để gửi hàng cứu trợ người dân TP.HCM, Bình Dương
Chị Huỳnh Ngọc Loan tham gia tổ chức thiện nguyện ở địa phương đi hái bắp, rau củ để gửi hàng cứu trợ người dân TP.HCM, Bình Dương

Trước khi kết thúc cuộc chuyện trò, bao giờ vợ chồng chị Điệp cũng nói câu quen thuộc: “Mẹ con/cha con tui trên này/dưới này không sao. Cứ lo ở dưới/ở trển đi”.

Nói với “nửa kia” không sao, nhưng vợ chồng chị Điệp mỗi bên đều nặng trĩu nỗi lo. Đã ba tháng nay mẹ con chị Điệp nghỉ làm, nợ tiền nhà trọ hai tháng.

Nhiều đêm, chị Điệp mất ngủ, lo sợ cái ăn ngày mai, phập phồng lo không biết sáng mình có còn khỏe mạnh, có còn được ở trong căn phòng trọ khi đầu trên - đầu dưới đều có nhiều người là F0, phải đi điều trị ở bệnh viện. Dù cười nói với chồng, nhưng lòng chị ngổn ngang vì hiểu rõ mình đang trong tâm dịch.

Tương tự, anh Hồ cũng giấu vợ mấy lần con gái sốt đến 39, 400C. Anh thức trắng đêm canh con và cứ ám ảnh con bị mắc COVID-19 dù bé đã test ra kết quả âm tính. 

Cách nhà anh Hồ hơn 2km, ở ấp An Thị (xã An Thạnh Trung, H.Chợ Mới), trưa 15/9, chị Nguyễn Thị Ngọc Trang đạp xe ra nhà chị Huỳnh Ngọc Loan, kêu lớn: “Chị Loan ơi, chồng em xét nghiệm âm tính. Mấy anh chị ngoài này sao rồi?”. 

Chị Loan lắc đầu: “Hai người dương tính rồi cưng ơi, rầu quá!”. Hơn hai tháng nay, chị Loan mất ăn mất ngủ vì đại gia đình chị bị kẹt ở thị xã Tân Uyên, Bình Dương. Hai người thân dương tính, còn chồng, em trai và con chị đi làm hồ ở công trình và bị giăng dây tại chỗ cả tháng nay, chưa được về nhà trọ. 

Chị Loan kể: “Cha con, cậu cháu nó mua võng giăng ngủ tại công trường, cơm ăn thì quanh quẩn chỉ có nước tương. Khổ vậy, nhưng con em không than một tiếng, nó còn nói ngủ ngoài trời thông thoáng, khó bị nhiễm bệnh hơn. Thằng nhỏ tính làm thêm một năm, kiếm tiền phụ mẹ, rồi về quê học lái xe, mà giờ không biết khi nào cả nhà mới gặp nhau”. 

Nghe chị Loan than, chị Trang chợt rưng rưng. Chồng chị - anh Đặng Hòa Lộc - bị kẹt ở Bình Dương. Mình chị ở nhà với năm đứa con và một đứa cháu (đứa lớn nhất học lớp 10, đứa nhỏ mới bốn tuổi). Chị thắt ruột lo cho chồng ở tâm dịch và lo cho sáu đứa trẻ đang thiếu ăn, thiếu mặc.

Năm học mới đã đến nhưng tập, sách, thiết bị để con học trực tuyến hoàn toàn là con số 0. Vậy mà anh Lộc gọi về, chị dặn các con: “Nói ở nhà mẹ sắm tập sách đủ rồi, để ba đừng lo”. 

Chị lý giải cho việc giấu chồng: “Giờ ảnh việc làm không có, nói ảnh nghe lại buồn phiền sinh bệnh. Em ráng đi cấy lúa, hái nấm rơm, kiếm được đồng nào thì đong gạo, mua sách cho đứa học trước. Còn mấy đứa học sau thì từ từ, chờ xin hay mua sách cũ”. 

Anh Lộc cũng giấu vợ chuyện xóm trọ của anh dương tính gần hết và anh đã vào ở trong công ty, hy vọng vừa an toàn, vừa có thể có việc làm.

Chỉ lo cho phía ấy

Ngày 19/9, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã ban hành công văn đến các tỉnh, thành phố về việc phối hợp đưa đón công dân về quê đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Mới đây, tỉnh An Giang cũng thông báo kế hoạch đón công dân An Giang từ các vùng dịch TP.HCM, Bình Dương về quê. Vừa nghe được thông tin này, anh Đinh Thanh Tâm (44 tuổi, ở ấp An Thị, xã An Thạnh Trung) gọi cho vợ là chị Trần Thị Mỹ Phương (43 tuổi, đang đi làm ở Bình Dương): “Được về rồi em ơi, lần này tỉnh mình đón dân về rồi”.

Nhưng đầu dây bên kia, chị Phương thở dài: “Đợt này, người ta ưu tiên đón người già, trẻ em và bà bầu anh ơi”. 
Anh Tâm thần người, quay sang nhìn bà mẹ 68 tuổi ngày đêm mong gặp dâu và hai cháu.

Trước đây, vợ chồng anh Tâm đi làm ở Bình Dương cùng hai con. Đợt này, anh Tâm phải về quê chăm mẹ già bị tai biến và đái tháo đường, lại gặp dịch bệnh nên vợ chồng cha con xa cách.

Ngày Trung thu, các con của chị Trang - anh Lộc được hàng xóm tặng nhiều bánh kẹo và tập sách đi học
Ngày Trung thu, các con của chị Trang - anh Lộc được hàng xóm tặng nhiều bánh kẹo và tập sách đi học

“Thà để tui trên đó, dù sao đàn ông sức dài vai rộng còn đương đầu được, chớ để mấy mẹ con ở tâm dịch, hết tiền, thiếu ăn, nợ tiền nhà trọ, xung quanh là F0, lo quá!”, anh Tâm nói. 

Vợ một nơi, chồng một ngả. Người đàn ông thương vợ không có người “sức dài vai rộng” làm chỗ dựa, người phụ nữ lại xót nỗi “vắng bàn tay vun vén, chăm sóc” cho chồng.

Tôi rời nhà anh Tâm, sang nhà chị Phương Trang, cách đó 100m. Hai bé trai nhỏ thó đang khóc giành miếng bánh khoai mì. Ở nhà sau, chị Trang và ba đứa con lớn đang ngồi soạn tập cũ, cắt những trang giấy trắng để làm nháp. Lúc này, người đàn bà được dịp trải lòng. 

Ngày trước, vợ chồng chị Trang nghèo rớt mồng tơi, ở nhờ trên mảnh đất họ hàng và căn nhà rách nát. Vợ chồng chị Trang - anh Lộc chăm chỉ cày cuốc, nhưng để nuôi đàn con đã khó, nói chi đến chuyện nhà cửa xa xôi. Lộc đi Bình Dương làm ăn, anh quyết chí tha hương mong con cái có tiền ăn học.

Chị Trang nhìn quanh căn nhà xây dở dang, nói với tôi: “Tụi em có giỏi giang gì đâu. Hồi đầu năm, chính quyền địa phương cho 50 triệu đồng làm nhà tình thương.

Hai đứa em mừng quá, ảnh nói để đi Bình Dương kiếm thêm tiền về xây cái nhà cho tươm tất. Dịch tới không làm ăn gì được, cũng may được Nhà nước lo, làm được nhà như vầy là quý lắm rồi”.

Trong lúc chồng Trang đang kẹt lại ở Bình Dương, bà con cả xóm Cái Hố mỗi người góp chút công, chút vật liệu để cùng lắp cửa, làm cầu thang, hoàn thiện cho gia đình chị căn nhà mơ ước. 

Sáng 21/9, Trang hớn hở gọi điện báo tin cho chồng: bà con tặng sắp nhỏ bánh Trung thu, tập sách. Trang “báo cáo” thật cặn kẽ, bởi đây là phần việc mà người cha làm ăn xa luôn đau đáu.

Anh Lộc an ủi vợ bằng tin vui: “Ông giám đốc công ty đang triệu tập hết các công nhân xa nhà như anh vào xưởng để tái khởi động việc sản xuất, công ty sẽ lo toàn bộ chuyện ăn ở cho công nhân”.

Chị Trang thở phào, rồi bật khóc. Có lẽ, việc có một “bàn tay” chăm cho chồng miếng ăn, giấc ngủ gây cho chị niềm xúc động mãnh liệt.

Có lẽ, ở mỗi gia đình đang bị chia cắt bởi dịch bệnh, nỗi ám ảnh lớn nhất trong trái tim người vợ là sự vụng về của ông chồng khi không có vợ bên cạnh, còn trong trái tim người đàn ông là sự lẻ loi, mềm yếu của người phụ nữ khi thiếu “trụ cột” sức dài vai rộng. 

Mới biết, gia đình luôn là nơi để người ta nương náu và cậy dựa về tinh thần trong những ngày đau đáu “vọng phu thê”. 

Giang Thùy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI