Vợ đem kiến thức YouTube 'hù' chồng con

12/06/2019 - 09:02

PNO - Vợ tôi xem YouTube rồi bắt chồng con ăn kiêng cái này, cái kia, còn dọa cả nhà là tiến tới… loại trừ hẳn thịt khỏi bữa cơm hằng ngày với bao nhiêu bài “thuyết giảng” nhức đầu...

Thưa chị Hạnh Dung,

Vợ tôi rất cả tin. Cô ấy thường lên mạng và vào YouTube xem những kinh nghiệm về mẹo vặt, nấu ăn, nhất là các kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe.

Các kiểu như đừng ăn thực phẩm gì với thực phẩm gì, đại kỵ ăn sáng, ăn tối thứ gì. Cô còn tự chế theo các công thức ủ tóc, xoa da… Tôi cảnh báo nhắc nhở là trên mạng ai muốn đưa gì lên thì đưa, không có gì bảo đảm hết, nên phải cẩn thận. Cô ấy bảo biết rồi khổ lắm nói mãi, em có phải người vô học đâu. Những tin tức ấy họ cũng có lập luận cả đấy.

Vo dem kien thuc YouTube 'hu' chong con
Ảnh minh họa

Có lúc to tiếng cô ấy còn bảo, cả tin là khuyết điểm dễ tha thứ nhất (dẫn chứng là Karl Marx trả lời con gái: đức tính nào dễ tha thứ nhất, đó là cả tin, tin người). Tôi bảo thời đại đó chưa phức tạp như ngày nay, và dễ tin chưa gây… chết người như ngày nay.

Rồi cô bắt chồng con ăn kiêng cái này, không được ăn cái kia, còn dọa cả nhà là tiến tới… loại trừ hẳn thịt khỏi bữa cơm hằng ngày... Cô ấy còn “thuyết giảng” theo các video trên YouTube nhức đầu lắm chị ạ.

Vợ chồng tranh luận thôi, không cãi cọ gì chị ạ, nhưng làm cho cô ấy thay đổi thật khó. Chị có sáng kiến gì không?

Lê Bảo (Biên Hòa)

Thân gửi anh Lê Bảo,

Đức tính để “dễ tha thứ nhất” nghĩa là… khuyết điểm nên mới có chữ “tha thứ”, nhưng theo tôi anh chả nên… cãi cọ tranh luận làm gì cho thêm căng thẳng trong gia đình.

Chẳng có gì to tát gọi là sáng kiến - nhưng theo tôi anh chịu khó kiếm nhiều thông tin khoa học ở các nguồn tin cậy và chính thống cho chị ấy đọc. Có rất nhiều bài được các nhà khoa học phân tích các quan điểm và có dẫn chứng từ các nghiên cứu nghiêm túc.

Vo dem kien thuc YouTube 'hu' chong con
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ngay cả những bài phủ nhận này cũng cần đọc một cách “tỉnh táo” và cần biết đó là các vấn đề còn tranh luận, để mình lựa chọn. Tôi thí dụ, có rất nhiều bài phổ biến “tẩy rửa nội tạng cơ thể” mà ta hay nghĩ là thải độc, nghe rất vô hại mà cũng có nhiều quan điểm cho rằng giải độc tẩy rửa cơ thể là vô căn cứ. Mà đây là của một vị bác sĩ ở Mỹ nói cho người ở Mỹ đó.

Họ phê phán cả quan điểm về nước trái cây, uống vitamin E hay vitamin C trị cảm cúm… những thứ ta vẫn đinh ninh là tốt. Vì bản thân cơ thể có cơ chế tự thải độc từng phút giây, và chỉ nên uống nước lọc là đủ…

Nói vậy để thấy có nhiều quan điểm khác nhau, trái nhau hoàn toàn.

Chúng ta không phải nhà khoa học, nhưng là người tiêu dùng phải thông minh trong sự bùng nổ thông tin, trong đó có những thông tin y tế phản khoa học. Ngay cả kinh nghiệm dân gian cha ông, cũng không phải phù hợp với tất cả cơ địa.

Tôi nghĩ anh nên tìm nhiều loại bài viết khác nhau, cho chị ấy biết là những việc chị ấy tin và bắt cả nhà làm theo Youtube là còn tranh cãi cho nên ta phải tỉnh táo. Ngay ở Mỹ người ta cũng có câu này: “If it is not broken, don’t fix it. Keep it simple” - nó không hỏng thì đừng chữa, hãy giữ nó đơn giản.

Vậy đó, chúng ta không là nhà khoa học, nhưng có thể chỉ cho chị ấy biết thực tế rất phức tạp, đầy tranh cãi. Đừng “cả tin” vội vã, nhất là mạng xã hội như Facebook hay YouTube, phải gìn giữ sức khỏe cho gia đình. Tôi hy vọng chị ấy sẽ thận trọng.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gửi về:
hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI