Kỷ niệm 105 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2022) - Chủ nghĩa xã hội đã mang lại gì cho phụ nữ? Bài cuối:

Việt Nam - điểm sáng trong thực thi bình đẳng giới

09/11/2022 - 06:01

PNO - Theo tài liệu lịch sử, để chuẩn bị cho lễ mít tinh tuyên bố độc lập tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2/9/1945, Bác Hồ đã gợi ý ban tổ chức chọn thành phần nữ tiêu biểu kéo cờ trên lễ đài. Đó là thông điệp Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn gửi đến toàn thể quốc dân đồng bào rằng khi đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, người phụ nữ sẽ được giải phóng và bình đẳng với nam giới.

Một trong những quốc gia rút ngắn khoảng cách giới nhanh nhất

Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam mới năm 1946 đã xác định các quyền công dân, trong đó có sự bình đẳng về mọi mặt giữa nam và nữ. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ngày nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đã có những bước đột phá về nhận thức và hành động, từ hệ thống luật pháp, chính sách đến thực tiễn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới. 

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Hạnh (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) một trong ba nhà khoa học nữ của Việt Nam được vào Danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2020 - ảnh: T.L.
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Hạnh (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) một trong ba nhà khoa học nữ của Việt Nam được vào Danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2020 - ảnh: T.L.

Việt Nam cũng là một trong những nước được Liên Hiệp Quốc đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, là một trong những nước có thành tựu về bình đẳng giới cao và là một trong những quốc gia rút ngắn khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới.

Điều này thể hiện rõ ràng nhất ở sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý.

Quốc hội khóa XV đạt tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu, cao nhất từ trước đến nay; ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh có 16% nữ, HĐND cấp tỉnh có 29% đại biểu nữ… Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%. 

Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, xếp thứ 9/58 quốc gia, nền kinh tế được nghiên cứu; tỷ lệ nữ giữ vị trí lãnh đạo DN của Việt Nam năm 2021 đã cao hơn mức trung bình toàn cầu với tỷ lệ 39% (tăng 6% so với năm 2020) và xếp thứ 3 trên thế giới (trong số 29 quốc gia được khảo sát) và xếp thứ 2 ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, nhiều phụ nữ đã đoạt giải khu vực và quốc tế. Số lượng nhà khoa học nữ chiếm tỷ lệ cao và tăng dần theo thời gian từ 41% năm 2011 lên 44,8% năm 2015. hàng ngàn nữ trí thức có nhiều thành công trong nước và quốc tế về nghiên cứu khoa học, mang lại giá trị kinh tế cao và tính nhân văn cao cả, sâu sắc. Hàng chục triệu phụ nữ, trẻ em gái được tiếp cận giáo dục bình đẳng với nam giới, có việc làm, độc lập về kinh tế…

Vẫn còn nhiều thách thức phía trước

Mặc dù Việt Nam đã có hệ thống luật pháp bảo vệ và tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển nhưng việc đưa những chính sách, nghị quyết vào cuộc sống vẫn chưa như kỳ vọng. Trước hết và trên hết là tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong xã hội. Hiện nay, phụ nữ và trẻ em gái vẫn là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trước các nguy cơ cũng như cần có thêm nhiều hơn nữa các cơ hội bình đẳng. Vẫn còn tồn tại vấn nạn ngược đãi phụ nữ, nhất là ở những vùng dân trí chưa cao, định kiến về giới vẫn còn tồn tại và gây nhiều thiệt hại không chỉ cho đối tượng yếu thế mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội. Khi ly hôn, phụ nữ vẫn là bên chịu thiệt nhiều nhất. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân (Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) được Tổ chức Khoa học, giáo dục và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) trao giải Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới 2022 - ảnh: P.T.
Phó giáo sư - tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân (Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) được Tổ chức Khoa học, giáo dục và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) trao giải Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới 2022 - ảnh: P.T.

Hơn 20 năm qua, chúng ta chứng kiến không ít phụ nữ Việt Nam ở các vùng nông thôn lấy chồng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Nhiều ý kiến phê phán về tình trạng này. Nhưng nếu nhìn vào thực tế ở các địa phương này, chúng ta sẽ thấy cuộc sống của phụ nữ còn nhiều khó khăn, bị bạo hành gia đình, không có nhiều lựa chọn cho hạnh phúc và thay đổi hoàn cảnh kinh tế của mình. 

Để việc thực thi bình đẳng giới thực chất và hiệu quả, có thể đề xuất một số giải pháp: 

Thứ nhất: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”. 

Nhưng trong văn kiện đại hội đảng bộ các tỉnh, thành không có nội dung riêng về mục tiêu phấn đấu vì bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Điều này làm cho nhận thức xã hội mặc định đó là nhiệm vụ của phụ nữ. Chúng tôi kiến nghị đại hội đảng bộ các tỉnh, thành đưa nội dung đánh giá những thành tựu về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ vào báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và những nhiệm vụ, mục tiêu nhiệm kỳ tới. 

Thứ hai: Về mặt luật pháp, một số văn bản hướng dẫn, thể chế hóa quy định của pháp luật liên quan đến bình đẳng giới cần được ban hành kịp thời. Việc triển khai quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần được tăng cường hơn nữa. 

Thứ ba: Thường xuyên có các hình thức tuyên truyền phong phú, dễ hiểu nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về bình đẳng giới. Những thành tựu về bình đẳng giới, về sự tiến bộ của phụ nữ có sự đóng góp rất lớn của Hội LHPN Việt Nam các cấp qua các thời kỳ. Nhưng nỗ lực cho bình đẳng giới là nhiệm vụ không chỉ của Hội LHPN mà của toàn xã hội. Thời gian qua có thể thấy chỉ có các chị Hội Phụ nữ nói về bình đẳng giới. Việc này khiến cho một bộ phận dư luận đánh giá chỉ có phụ nữ mới đấu tranh cho bình đẳng giới, và vô hình trung cũng khiến nhiều người ngại bình đẳng giới. 

Thứ tư: Đảm bảo việc thực thi pháp luật về bình đẳng giới thông qua đội ngũ thanh tra lao động được đào tạo và có nhận thức tốt về bình đẳng giới; Phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc bằng việc thông qua một bộ quy tắc ứng xử quốc gia và đưa vấn đề này vào các chính sách của các DN.

Thứ năm: Tăng cường tuyên truyền nhận thức của nam giới về việc nhà để chia sẻ với phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia lao động ngoài xã hội. Ngành giáo dục cần đưa nội dung chia sẻ việc nhà vào chương trình học từ cấp mầm non đến THPT để đào tạo một thế hệ nam giới nhận thức sâu sắc về chia sẻ gánh nặng việc nhà với phụ nữ.

Những thành tựu mà Việt Nam đạt được về bình đẳng giới trong gần một thế kỷ qua có thể khẳng định là nhờ chúng ta đã lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Phụ nữ tham gia lao động ngoài xã hội bình đẳng như nam giới, được trả lương bằng với nam giới trong cùng một công việc, được tạo cơ hội học hành, phát triển sự nghiệp như nam giới, có bảo hiểm y tế khi ốm đau, phụ nữ làm việc khi nghỉ thai sản vẫn được hưởng nguyên lương, và thời gian gần đây nam giới cũng được nghỉ phép khi vợ sinh con nhằm chia sẻ gánh nặng chăm con nhỏ với phụ nữ… Những điều chúng ta ngày hôm nay thấy bình thường và hiển nhiên đó lại là những điều mà phụ nữ ở nhiều quốc gia công nghiệp phát triển mơ ước. Đó chính là sự ưu việt của chế độ ta. 


Việt Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI