Người khỏi bệnh có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 ra sao?

29/07/2021 - 06:42

PNO - Hiện tại, trung bình mỗi ngày TPHCM có hơn 1.000 người khỏi bệnh COVID-19 xuất viện về nhà, tiếp tục cách ly 14 ngày. Đến nay, đã có hơn 14.700 người khỏi bệnh. Nhưng theo nhận định của chuyên gia, những trường hợp này vẫn không được chủ quan mà quên đi các biện pháp phòng dịch vì vẫn có nguy cơ tái nhiễm.

Bác sĩ Lương Trường Sơn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, lý giải, tái nhiễm là khi người đã khỏi bệnh nhiễm phải một biến chủng khác của SARS-CoV-2. Hiện tại, Việt Nam đang xuất hiện đến bảy biến chủng. Tại TPHCM, biến chủng Delta được xem là chủng gây ra đợt dịch từ ngày 26/4 đến nay, có khả năng lây truyền cao hơn 40-50% so với biến chủng ở Anh. 

Theo giáo sư Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, có hiện tượng tái nhiễm với chủng mới của SARS-CoV-2 nhưng không nhiều. Các chuyên gia trên thế giới ghi nhận một số trường hợp tại Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản sau khi đã khỏi COVID-19, có du lịch đến nơi khác, khi quay về xét nghiệm phát hiện nhiễm biến chủng khác của SARS-CoV-2. 

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, hiện tại chưa thống kê trường hợp đã khỏi bệnh nhưng bị tái nhiễm, nếu có, con số này không nhiều. Riêng về những trường hợp tái dương tính (dương tính lại trong 14 ngày cách ly tại nhà), hầu hết không còn khả năng lây nhiễm cho người xung quanh. Theo các chuyên gia, có thể xét nghiệm RT-PCR đã cho kết quả dương tính vì phát hiện ra các mảnh tế bào của SARS-CoV-2 đã chết trong cơ thể người bệnh. 

Trường hợp F0 được cách ly tại nhà, tại nơi cách ly tập trung, bác sĩ Lương Trường Sơn khuyến cáo cần chú ý về tâm lý: “Tâm lý là điều hết sức quan trọng với người mắc COVID-19 vì giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng chống virus. Nên động viên người nhà không may là F1, F0 hay là bệnh nhân COVID-19 đang điều trị; nên chăm sóc tốt bữa ăn, nước uống, giấc ngủ, thuốc men, thăm hỏi qua điện thoại…”. 

Bác sĩ Lương Trường Sơn cho rằng, vi-rus SARS-CoV-2 cũng như các loại virus khác, giống nhau về cấu trúc, sinh sản dù khác nhau về khả năng lây lan, gây bệnh. Các nhà khoa học cũng xác định SARS-CoV-2 là loại virus điển hình, sống ký sinh hoàn toàn trong tế bào vật chủ, biến dị theo từng tế bào, phụ thuộc vào tế bào của vật chủ. Do vậy, khả năng lây lan, mức độ bệnh nặng hay nhẹ là khác nhau giữa dân tộc này với dân tộc kia, nước này với nước kia, thậm chí khác nhau giữa người trong cùng gia đình. Do đó, không nên nhìn vào con số tử vong của các nước khác như ở Mỹ, Ấn Độ, Ý hay gần đây là Indonesia để rồi hoang mang, lo lắng; ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể. 

Hiếu Nguyễn

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI