Vì sao TPHCM chưa cho phép F0 đi làm như ở Long An, Cà Mau?

24/03/2022 - 18:02

PNO - TPHCM vẫn chưa cho phép F0 đi học, đi làm như một số địa phương của Long An, Cà Mau là tuân theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

 

F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch
F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch

Chiều 24/3, tại cuộc họp báo thông tin về phòng, chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế TPHCM, trước câu hỏi vì sao TPHCM chưa cho F0 đi làm như Long An, Cà Mau, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, hiện tại UBND TP đã có văn bản cho phép đối tượng là F1 được đi học, đi làm. Tuy nhiên, F1 phải thuộc nhóm đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19, hoặc từng là F0 khỏi bệnh trong vòng 3 tháng. 

Theo ông Tâm, người thuộc đối tượng F1 phải nghiêm túc theo dõi sức khỏe của mình ít nhất 10 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 5 sau tiếp xúc F0 hay có triệu chứng. Trong thời gian này, khi đi làm, đi học, các F1 phải di chuyển từ nơi lưu trú đến nơi học tập, làm việc bằng phương tiện cá nhân. Đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tránh tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ, khai báo y tế trên ứng dụng PC-COVID.

Nhà trường xác định F1 với học sinh tùy theo vị trí ngồi, hay ở bên ngoài nhưng tiếp xúc với F0 phải dựa vào hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện tại, TPHCM vẫn chưa cho phép F0 đi học, đi làm như một số địa phương của Long An, Cà Mau. 

Ông Tâm cho biết: "Vừa qua Bộ Y tế có đề xuất cho F0 đi làm nhưng kèm với một số điều kiện đặc biệt, tức là không phải F0 nào cũng được áp dụng. Cụ thể, F0 được đề xuất có thể làm việc trực tuyến hoặc làm việc ở khu điều trị F0 khác. Trường hợp làm việc trực tuyến, F0 vẫn phải cách ly với người xung quanh".

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM thông tin thành phố vẫn thường xuyên đánh giá tình hình ca nhiễm COVID-19, ca nặng, ca tử vong tại địa bàn. Từ đó, Sở Y tế tham mưu cho UBND TPHCM ban hành văn bản cho phép, hướng dẫn F1 đi làm, đi học với các điều kiện cụ thể… nhằm kiểm soát chặt, tránh lây lan dịch ra cộng đồng.

Riêng với F0, Bộ Y tế hiện hướng dẫn phải điều trị cách ly tại nhà hoặc tại bệnh  viện. "Như vậy, việc tham mưu của Sở Y tế nhằm mục tiêu kiểm soát dịch thật tốt, để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, gỡ khó cho các doanh nghiệp, phát triển kinh tế", bà Mai nói thêm.

Thời gian qua, Sở Y tế đã theo sát từng ca bệnh đang điều trị tại các bệnh viện hay những ca F0 chuyển biến nặng. Dù số tử vong vì COVID-19 tại TPHCM đang giảm ở mức rất thấp, nhưng những ca nặng thực sự chưa giảm bền vững. Bà Mai nhấn mạnh, chắc chắn một điều, số ca nhiễm tăng sẽ kéo theo số ca nặng và tử vong. Đó là kinh nghiệm qua các đợt dịch. Tất cả các đề xuất của Sở Y tế đều phải xuất phát từ điều kiện thực tiễn dựa trên tình hình dịch bệnh của thành phố.

Về việc tiếp nhận bệnh nhân vào Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 TP Thủ Đức sau khi Trung tâm Điều trị COVID-19 (do Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM phụ trách) ngừng tiếp nhận người bệnh F0, bà Mai cho biết, từ khi đi vào hoạt động, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 chưa bao giờ ngưng nhận bệnh nhân ngoại trú. Đến hôm nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 1200 đến 1300 bệnh nhân ngoại trú đến điều trị.

"Trung tâm Hồi sức chính thức ngưng hoạt động tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 từ 14/3 đến nay được 1 tuần. Công việc bàn giao sẽ tiếp tục được thực hiện đến ngày 30/3. Sau ngày này, các hoạt động sửa đổi, chuyển đổi công năng từ điều trị COVID-19 sang hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân ung thư sẽ được tiến hành ráo riết và hoàn thành trước ngày 30/4 tới đây. Sau ngày 30/4, bệnh viện sẽ mở hết toàn bộ khu hồi sức cho bệnh nhân ung thư", bà Mai nói.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI